Thái Nguyên thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Giai đoạn 2018-2022, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho 88 hợp tác xã và 33 doanh nghiệp trên địa bàn, với hơn 3.600 hộ nông dân tham gia.
Mới đây, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã diễn ra với sự tham dự của đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan, cùng một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đề xuất giải pháp thúc đẩy việc triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, giai đoạn 2018-2022, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho 88 hợp tác xã và 33 doanh nghiệp trên địa bàn, với hơn 3.600 hộ nông dân tham gia.
Theo đó, tỉnh đã tập trung hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; hỗ trợ mua cây, con giống, vật tư thiết yếu; hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ…
Việc triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn, trong đó có hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất theo giá trị, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 15.267 tỷ đồng (tăng 2.260 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123 triệu đồng/ha (tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2018).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần rà soát, kiến nghị kịp thời đối với cấp có thẩm quyền để điều chỉnh và bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; bố trí, lồng ghép các nguồn lực của Trung ương và địa phương, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Mạnh Tuấn