Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu: Không được sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Chủ tịch UBND Sóc Trăng Trần Văn Lâu vừa ký Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc. Theo đó, người đứng đầu các đơn vị không được sợ sai, né tránh trách nhiệm.
Còn tâm lý e dè, sợ sai
Cụ thể, trong Chỉ thị số 05/CT-UBND này, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ghi nhận tình trạng một số sở ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc. Vì tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, nên không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thầm quyền. Thậm chí, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các sở, ngành, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các sở, ngành, cơ quan, địa phương.
Chỉ thị chỉ ra, hậu quả của việc sợ sai, né trách nhiệm dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chủ động tổ chức thực hiện. Trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.
Không “đá” trách nhiệm của đơn vị mình sang đơn vị khác
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu yêu cầu các đơn vị không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác; khi xác định nội dung được xin ý kiến không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến thì trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của sở ngành, cơ quan, địa phương. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh những công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh.
Ngoài ra, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện khi giải quyết công việc được giao chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện có liên quan; trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh. Tránh tình trạng cơ quan đầu mối chỉ theo dõi và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo mà không làm việc, phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, đối với việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, trong trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hành động quyết liệt của UBND tỉnh
Trao đổi với Phóng viên sau khi đọc Chỉ thị này, TS Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, với chỉ thị 05 vừa được ban hành cho thấy sự quyết tâm của UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trong việc cải cách hành chính.
“Việc các cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Nhà nước lâu nay vì sợ trách nhiệm, sợ bị xử lý dẫn đến “om” việc, hoặc né việc, đá bóng sang các cơ quan khác không phải hiếm. Việc này không chỉ xảy ra ở bất cứ địa phương nào mà là vấn đề trên phạm vi cả nước. Điều này dẫn đến bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, những người đi xin thủ tục hành chính”, TS Trần Khắc Tâm nói.
Theo TS.Trần Khắc Tâm, việc các Sở, ngành, cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến công việc bị đình trệ, kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của người dân và việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vị Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi rất mừng khi Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký chỉ thị này. Với chỉ thị này, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm với các hành vi của chính mình và các cán bộ cấp dưới nếu để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tôi tin rằng, khi Chỉ thị này được thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt, hành chính công của Sóc Trăng sẽ thay đổi tích cực hơn nữa”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sự nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng mà năm 2022, địa phương này được đánh giá rất cao ở Chỉ số Hiệu quả Quản lý và Hành chính công. Cụ thể là chỉ số Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của Sóc Trăng năm 2022 đã tăng 27 bậc so với năm 2021 xếp thứ 24/61 tỉnh thành. Bên cạnh đó, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 của Sóc Trăng cũng tăng 20 bậc, vươn lên vị trí 34/63 tỉnh thành phố. Những con số này chính là minh chứng cho sự quyết liệt của UBND tỉnh trong việc cải cách hành chính.
Rút ngắn thời gian xử lý công việc
Người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các Thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt các nội dung nêu tại Chỉ thị và Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến từng đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; rút ngắn thời gian xử lý công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Văn Chương