Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại lễ Phật đản tại TP.HCM
Lễ Phật đản trở thành đại lễ thiêng liêng của Phật tử cả nước, là dịp để tôn vinh những giá trị cao đẹp của Phật giáo, đó là những hình ảnh từ bi, trí tuệ, đoàn kết và phát triển.
Ngày 14/5, đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo TP.HCM, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc mừng chức sắc Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tại chùa Huê Nghiêm và chùa Minh Đạo (TP.HCM) nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2566 – Dương lịch năm 2022.
Nhân ngày lễ Phật đản, Chủ tịch nước trân trọng gửi đến lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến GHPG Việt Nam, chúc Giáo hội cùng toàn thể tăng ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước đón một mùa Phật đản trong sự tinh thần và an lành.
Năm 2022 là năm đặc biệt có ý nghĩa với GHPG Việt Nam, là năm diễn ra Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đại hội là dịp để GHPG đánh giá lại công tác phật sự nhiệm kỳ qua, thảo luận phương hướng trọng tâm công tác nhiệm kỳ tới.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lễ Phật đản trở thành ngày lễ thiêng liêng của đồng bào Phật tử cả nước, là dịp để tôn vinh những giá trị cao đẹp của Phật giáo mặc định ra đời trong mỗi con người, đó là những hình ảnh từ bi, trí tuệ, đoàn kết và phát triển. Ngày nay, lễ Phật đản không chỉ đơn thuần có ý nghĩa thiêng liêng mà trở thành lễ hội văn hóa tinh thần chung của toàn xã hội, mang thông điệp là tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng phát triển.
GHPG Việt Nam ra đời trên 2 nghìn năm, lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền với sự phát triển của đất nước, dân tộc, đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước được độc lập tự do. Có hàng ngàn Phật tử, chức sắc Phật giáo, các nhà sư đã hy sinh đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ đất nước, đó là công lao rất lớn gắn đạo và đời, gắn đạo Phật với dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Đặc biệt, sau hơn 40 năm qua GHPG Việt Nam tiếp tục gắn bó với dân tộc đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng đất nước, đoàn kết xây dựng đất nước trên các lĩnh vực. Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết dân tộc của GHPG Việt Nam và Phật tử trong toàn quốc đã gắn kết với mọi tầng lớp nhân dân, với Đảng, dân tộc.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều tăng ni, cư sĩ, phật tử Phật giáo Việt Nam đã tham gia cách mạng. Nhiều vị đã anh dũng hy sinh, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Từ khi nước nhà thống nhất đến nay, GHPG Việt Nam đã đoàn kết tăng ni, phật tử vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiên trì phương châm “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.
Đặc biệt những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các chùa, các tăng ni, Phật tử đã lăn xả vào phong trào phòng chống dịch. Không chỉ từng nồi cơm tình thương, chăm sóc những gia đình khó khăn mà còn cầu an, cầu nguyện cho những người đã mất. Phật giáo cũng đã tổ chức nhiều hoạt động quyên góp để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn. Thể hiện đạo phật đã gắn kết rất chặt tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua thử thách trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam mong muốn rằng, với truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, GHPG Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng và văn hóa, tiếp tục khẳng định và lan tỏa những giá trị ưu việt của một tôn giáo hòa bình, góp phần tích cực xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng năm nay hướng tới Đại hội Phật giáo Việt Nam các cấp và tiến tới Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IX, sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhất định GHPG Việt Nam sẽ có bước phát triển mới trong đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, văn minh, tiến bộ, ngày được thế giới tin tưởng.
Nguyễn Phong