Chủ đầu tư dự án nhà cao tầng tại TP.HCM sẽ phải đóng phí chống ngập?
Đại biểu HĐND Trần Quang Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí. Đây sẽ là nguồn kinh phí dự phòng để Thành phố giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.
Khu Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) thường xuyên chịu cảnh ngập do triều. (Ảnh: Zing) |
Tình trạng ngập nước do mưa và triều cường, đặc biệt là dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại kỳ họp lần thứ 20 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa 9 đang diễn ra.
Đại biểu Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM) cho rằng, tình trạng ngập lụt luôn căng thẳng vào mùa mưa và triều cường có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhà cao tầng, chung cư. Nên việc xây nhà cao tầng không có quy hoạch cụ thể làm cho đô thị bị dồn nén quá nhiều như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
"Ví dụ như đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập rất nhiều, bơm tăng cường chỉ là tạm thời, giải pháp nâng đường thì tốn phí khoảng 500 tỉ đồng, đó là tiền của của nhân dân", ông Thắng nói.
Do đó, ông Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí. Đây sẽ là nguồn kinh phí dự phòng để Thành phố giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho biết sở dĩ có đề xuất như trên vì các dự án chung cư càng cao tầng nhà đầu tư càng có lợi. Khoản phí sẽ được chủ đầu tư tính cho người mua nhà. Việc thu phí không cào bằng, mà nên thu theo địa hình, đặc điểm, tính đẳng cấp của tòa nhà, nhà càng đẳng cấp chịu khoản phí càng cao, nhà ở xã hội chỉ lấy phí tượng trưng.
Cũng theo ông Thắng, việc chống ngập sẽ được tốt hơn nếu việc thu phí nhà cao tầng được thực hiện. Vì khi thu phí nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ làm hệ thống cống thoát nước tốt hơn để bảo vệ tòa nhà và cư dân trong tòa nhà.
Đại biểu Trần Quang Thắng phát biểu tại họp HĐND TP.HCM sáng 10/7. (Ảnh: PLO) |
Trả lời ý kiến đại biểu, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 5 năm qua (2016-2020), "bức tranh" chống ngập trên địa bàn TP chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 2008 đến nay, việc xóa, giảm ngập do mưa và triều đạt kết quả tích cực, đã giảm từ 126 điểm ngập còn 15 điểm ngập vào năm 2020 và thời gian ngập do mưa cũng giảm nhiều.
Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 2), việc bơm hút nước là một giải pháp tích hợp khá hiệu quả trong chống ngập tại đây, cùng với các dự án công trình và phi công trình.
Liên quan đến đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho rằng việc thực hiện quy hoạch nhà cao tầng phải theo quy định và phải có hệ số mật độ xây dựng, hạ tầng tương thích với quy mô dân số.
"Giải quyết chống ngập, kẹt xe là nhiệm vụ của nhà nước nhưng trong điều kiện chưa làm được, sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp có thể tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông cho thành phố", ông Hoan nói.
Ông Hoan cho biết, trong báo cáo tổng kết 5 năm về dự án phát triển nhà ở của Thành phố cho thấy xu hướng phát triển nhà ở cao tầng ở TP.HCM chiếm tỉ lệ cao hơn nhà ở riêng lẻ. Phó chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết đang yêu cầu tất cả nhà đầu tư xây những khu đô thị mới có quy mô 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án, công trình ven sông hoặc lân cận sông có thể liên kết với sông, rạch gần đó để tạo ra hệ thống thoát nước tự nhiên.
Nói thêm về dự án chống ngập 10.000 tỉ, ông Hoan cho biết, sau 4 năm triển khai, dự án đã hoàn thành khối lượng 85%. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số chính sách khác đang chờ các quận, huyện giải quyết. Đến cuối tháng 7, hai van chính ở cống Phú Xuân đã được lắp đặt; cuối tháng 8 tới, van ở cống Mương Chuối và cuối tháng 10, toàn hệ thống các van chống ngập sẽ cơ bản được lắp đặt hoàn thiện, đi vào vận hành.
Điều chỉnh quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 Ban cán sự đảng UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo đó, đồ án quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 (quy hoạch 752) đến nay đã gần hết thời hạn quy hoạch và không còn phù hợp với thực tế. Hơn nữa, đã có nhiều vấn đề phát sinh do quy hoạch trước đây chưa lường hết các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng nên không còn phù hợp với thực tế. Thậm chí, các vấn đề sụp lún nền đất tự nhiên của TP.HCM cũng ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể chung hệ thống thoát nước của thành phố. Vì vậy, việc nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mới của TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095 km2 bao gồm 23 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ). Như vậy, diện tích quy hoạch thoát nước sẽ được nâng từ 650 km2 lên tới 2.095 km2, gấp ba lần so với diện tích quy hoạch cũ. Với quy hoạch mới, đơn vị tư vấn tập trung tiến hành rà soát, nghiên cứu tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai như quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức…Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch thoát nước mới còn nghiên cứu chuyên biệt về cao độ nền và hệ thống thoát nước mặt (bao gồm hệ thống hồ điều tiết); bổ sung, mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An…để hoàn chỉnh quy hoạch thoát nước cho TP.HCM. UBND TP.HCM cho rằng, lần điều chỉnh quy hoạch thoát nước mới này hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, xử lý cho từng lưu vực. Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng khu vực trung tâm thành phố và các quận huyện trên địa bàn. |
Mai Anh