Tăng sức 'đề kháng' trước ngập lụt đô thị: Lộ rõ những bất cập
Mặc dù mỗi năm được đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng cho hạ tầng, nhưng tình trạng úng ngập của các đô thị lớn ở Việt Nam dường như không mấy được cải thiện, có nơi còn trầm trọng hơn khi mùa mưa bão đến.
Thực hiện quy hoạch không đồng bộ
Hơn 12 năm trước, khi quy hoạch Hà Nội mở rộng chưa được phê duyệt, một kiến trúc sư đã nói với tôi rằng, nếu không có tầm nhìn dài hạn, chỉ trong vòng 10-15 năm tới, đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải cục bộ, tắc đường, ngập lụt tại nhiều khu vực.
Nhưng không phải đợi lâu, chỉ sau một thời gian ngắn, Hà Nội đã bộn bề trong mối lo úng ngập mỗi khi mùa mưa đến. Đặc biệt, các trục đường xuyên tâm. Đây là hệ quả của việc phát triển không đồng bộ. Theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm. Điều này khiến Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng hạ tầng bị quá tải. Tình trạng ùn tắc, úng ngập… vẫn là vấn đề nan giải.
Hà Nội bộn bề trong mối lo úng ngập mỗi khi mùa mưa đến. (Ảnh: Quang Quyết) |
Đô thị lớn nhất nước là TP.HCM, thậm chí, còn trầm trọng hơn. Chỉ riêng cho giao thông, toàn thành phố trong cả giai đoạn từ 2015 - 2020 vốn chỉ hơn 50.000 nghìn tỉ, trong đó, ngân sách dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm đến 50%. Việc này thể hiện sự bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn đến quy hoạch giao thông của TP.HCM hiện nay chậm hơn so với các khu vực khác. Hạ tầng giao thông yếu, chậm phát triển cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, đặc biệt úng ngập mỗi khi triều lên.
Ngay như lĩnh vực giao thông, dù Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.
Quá tải vùng lõi
Một “khiếm khuyết” khác là ngay ở các trung tâm, quy hoạch ngăn nắp trước kia cũng bị phá vỡ khi chính quyền cho phép xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải dẫn đến cống sập, cây xanh bị chặt hạ và các phương tiện giao thông bị “hút” vào.
Ở Hà Nội, điển hình phải kể đến đường Nguyễn Chí Thanh từng được mệnh danh “kiểu mẫu”, đẹp nhất Thủ đô. Với chiều dài 1,8 cây số, các lợi thế về cây xanh, mặt nước, không gian… kể từ khi được “phong hạng”, bây giờ đã “bị” người ta cấy vào đó đủ loại công trình đồ sộ. Mật độ dân số tăng vọt, giao thông quá tải, đường Nguyễn Chí Thanh đang có nguy cơ bị “xuống hạng”.
Bức tranh “nhà nhà làm quy hoạch” lộ rõ khiến đô thị lem nhem. Trong cơn quay cuồng đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị bị “bỏ quên”, nhiều nơi trở thành “điểm đen” úng ngập mỗi khi mưa xuống.
Gia tăng ngập lụt
Một thực tế khác mà các nhà khoa học cảnh báo là tình trạng lún dần của các đô thị cũ cũng khiến gia tăng tình trạng ngập lụt. Tại TP.HCM, mức lún mặt đất trong những năm qua đã đạt khoảng 0,5 mét. Mặt đất của Hà Nội cũng bị lún tương tự, và mực nước ngầm của thành phố đã hạ sâu so với 10 năm trước đây khoảng 12 mét….
Thêm nữa, sự mất đi của hệ thống sông hồ tại các đô thị cũ cùng sự quá tải khi chồng lấn trên bề mặt những khối nhà cao tầng ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến các khu vực phố cũ lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đã đến lúc cần tính đến những tác động xấu của sự phát triển thái quá trong các vùng lõi đô thị. Đặc biệt, cần hướng khôi phục và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên (ao hồ, mặt đất…) để “trả lại” cho đất một phần nước ngầm mà chính con người đã lấy đi.
Những đợt triều lên bất thường đang khiến TP.HCM hoảng hốt khi con nước cứ dâng cao và vào sâu trong thành phố. Chỉ một cơn mưa đầu mùa cũng khiến Hà Nội với nhiều nơi phải bì bõm trong nước. Những dấu hiệu đó là lời cảnh báo cho các đô thị ở Việt Nam sẽ đối chọi với nguy cơ úng ngập ngày một khốc liệt. |
Chẳng hạn, với TP.HCM, cần tập trung khai thác nguồn nước mặt cung cấp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An và giảm dần là khai thác nước thô từ các giếng đặt cách thành phố khoảng 50 km trong khi chờ nguồn nước khác. Hạ mức ngước ngầm quá mức, còn làm cho mức ngập triều cường thêm sâu. Làm giảm được việc hạ mức nước ngầm sâu gây sụt lún mặt đất cho TP.HCM là có lợi kép.
Chất thải lên các đô thị cũ, khai thác cùng kiệt tài nguyên trong lòng đất… những điều đó đã và đang để lại những hệ quả xấu cho chính các đô thị - Đó là tình trạng ngập lụt, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Kỳ vọng những giải pháp căn cơ
Vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã có Tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Theo đó, quy hoạch thoát nước của thành phố sẽ được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095 km2 bao gồm 23 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ), rộng gấp ba lần so với diện tích quy hoạch cũ.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc điều chỉnh này nhằm lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Điều chỉnh này còn làm cơ sở cho việc phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.
Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020. |
Đô thị miền Trung tăng sức chống chịu
Vùng duyên hải miền Trung chịu tác động của nhiều loại thiên tai, hiểm họa, tuy vậy, qua thực tiễn bão, lũ lụt, nước dâng luôn là mối đe dọa rất lớn về người và tài sản trong khu vực.
Chính vì vậy, tại tỉnh Quảng Nam, cơ quan ngành chức năng đã khởi động và thực hiện dự án do Hoa Kỳ hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ven biển miền Trung trước những tác động của thiên tai. Dự án Lá Chắn Xanh đã tác động trực tiếp tới hàng chục ngàn người dân trong 12.000 hộ gia đình tại Quảng Nam và Bình Định - hecta trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nhiều nhất của lũ lụt và mưa lớn.
Dự án hỗ trợ nâng cao khả năng của cộng đồng, chính quyền cấp xã, huyện và tỉnh trong việc chuẩn bị và ứng phó với thiên tai thông qua các hoạt động xây dựng, nâng cao năng lực cho xấp xỉ 300 cán bộ tỉnh, huyện và xã cũng như người dân trong cộng đồng. Dự án có trị giá rên 400.000 USD sẽ hỗ trợ nâng cao việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn, hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương bảo vệ cuộc sống và sinh kế của mình trước thiên tai, tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm.
Còn tại TP.Đà Nẵng, thông qua Ban Chỉ đạo các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng (CCCO) Đà Nẵng và Công ty Tư vấn Asconit (Pháp), đôi bên đã tiến hành hợp tác và nghiên cứu nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch khí hậu của TP.Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Trong những năm qua, với kinh phí 136.000 Euro, Pháp đã hỗ trợ Đà Nẵng đánh giá về cơ cấu tổ chức quản lý; đưa ra kế hoạch hành động, xây dựng tiêu chí để đề xuất hệ thống đánh giá các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Kinh nghiệm ứng phó của Cần Thơ
TP.Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án để ứng phó với ngập lụt do mưa, lũ và triều cường.
Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Phòng Quản lý Hạ tầng, Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho biết: “Việc nâng cấp, cải tạo được hàng trăm tuyến đường, hẻm cùng với khôi phục lại rạch Cái Khế, rạch Ngỗng, rạch Bà Bộ, rạch Hàng Bàng, kết nối với hồ Sáng Thổi, hồ Bún Xáng đã tăng dung tích chứa nước và thoát nước, hạn chế ngập lụt cho các khu vực dân cư”.
Khi dự án kè hai bên sông Cần Thơ được hoàn thành sẽ giúp TP.Cần Thơ nâng cao năng lực ứng phó ngập lụt do lũ, triều cường. |
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ cho biết, bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước, miệng cống, hố ga để tăng khả năng thoát nước khi mưa lớn; đồng thời, đầu tư đắp bờ bao ứng phó với lũ, triều cường.
Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục của Dự án phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Khi Dự án này hoàn thành sẽ giúp thành phố kiểm soát ngập lụt do lũ, triều cường cho trên 2.657 hecta thuộc vùng lõi của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy bằng công trình kè kiên cố dọc tuyến sông Cần Thơ và một số kênh, rạch kết hợp với các âu thuyền, cống ngăn triều, van ngăn triều, trạm bơm.
Ths. Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ cho rằng, để ứng phó với ngập lụt cho khu vực đô thị Cần Thơ do lũ và triều trường, giải pháp hiệu quả nhất là làm bờ đê kết hợp với hệ thống cống, trạm bơm điều tiết nước. Đồng thời, Cần Thơ cũng cần dự trù một vùng để xả lũ tự nhiên, trường hợp nước lên quá cao thì mở vùng đó ra để cho ngập vùng đó, tránh gây ngập cho vùng quan trọng khác. |
So với các quận, huyện khác trên địa bàn TP.Cần Thơ, quận Ninh Kiều là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi tình trạng ngập lụt do mưa, lũ, triều cường. Ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều cho biết: “Hàng năm, quận cùng nhân dân triển khai nâng cấp được nhiều tuyến hẻm, góp phần ứng phó ngập lụt vào mùa mưa. Bên cạnh đó, Phòng Quản lý Đô thị còn phối hợp chặt chẽ với các phường rà soát, cập nhật các tuyến đường, kênh mương, cống rãnh thoát nước cần nạo vét trình UBND quận Ninh Kiều kịp thời triển khai đầu tư”.
Ngọc Lý - Quỳnh Lam Hùng