Chợ Mới - Bắc Kạn: Nhiều cơ sở chế biến gỗ bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường
Một số cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn xã Quảng Chu huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn hoạt động gây ô nhiễm môi trường, chưa tuân thủ quy định về luật đất đai.
Xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, mang lại giá trị cho địa phương như giải quyết việc làm cho người dân bản địa, nộp thuế cho ngân sách.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hệ lụy về vấn đề môi trường khi chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, chưa chú ý đến việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề khói bụi, tiếng ồn khiến nhiều người dân bức xúc.
Trên địa bàn xã có 12 doanh nghiệp sản xuất gỗ. Tuy nhiên các thủ tục pháp lý về xây dựng môi trường bị phản ánh là chưa được các cơ sở này chú trọng. Một số cơ sở sản xuất còn xây dựng trên đất chưa được chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Theo ông Lục Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Chu, trong thời điểm dịch Covid-19 các cở sở sản xuất, chế biến gỗ ở Hà Nội đã lên trên này mua đất của các hộ dân và xây dựng nhà xưởng, cũng tạo được công ăn việc làm cho một số người lao động ở địa phương.
Về công tác bảo vệ môi trường có một số tồn tại, xã đã xử lý theo thẩm quyền và báo cáo lên huyện để có hướng xử lý.
Theo tìm hiểu của PV, những năm gần đây Hà Nội siết chặt về công tác bảo vệ môi trường và quản lý đất đai, nhất là các huyện ngoại thành của Hà Nội. Các cơ sở chế biến và sản xuất gỗ ép khu vực Gia Lâm đã ồ ạt di chuyển lên Bắc Kạn.
Các chủ cơ sở sản xuất thường "giao kèo" mua đất có mặt bằng "sạch" từ các hộ dân. Các hộ dân phải san gạt mặt bằng, chi phí do doanh nghiệp bỏ ra.
Chính vì vậy, việc quản lý của chính quyền địa phương chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm của các chủ hộ có đất và không nắm rõ được các chủ cở sở là ai trong thời gian xử lý các vi phạm.
Dưới đây là một số hình ảnh PV đã ghi nhận cho thấy việc mất an toàn trong phòng, chống cháy nổ tại xã Quảng Chu:
Việc xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm, chưa tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, đất đai sẽ được các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Kạn thực hiện ra sao trong thời gian tới.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được phép là vi phạm
Theo một số chuyên gia về kinh tế môi trường nhìn nhận, việc các cơ sở chế biến gỗ chưa hoàn thiện pháp lý về chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp mà đã tiến hành xây dựng nhà xưởng là vi phạm vào các quy định hiện hành. Các cấp chính quyền địa phương phải tiến hành xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, các cơ quan này cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất cũng được đặt ra trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, nét mới trong dự thảo trong tích tụ ruộng đất sẽ giúp bà con đi lên sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Nhưng điều khiến bà con băn khoăn, đó là liệu sửa Luật đất đai đã giải quyết được cái gốc để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, hay lại khiến ngành nông nghiệp mắc kẹt giữa các quy định pháp luật khác.
Một điều khiến bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ sự lo lắng, đó là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “cho phép cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng nếu không đảm bảo tích tụ được đất nông nghiệp”. Đây là vấn đề rất dễ bị trục lợi và đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa.
"Ví dụ, ký duyệt dự án làm trường học nhưng để một vài năm không làm được trường học xin chuyển đổi mục đích làm thương mại. Trong khi đó, giá bồi thường cho người dân là giá theo công trình công cộng. Có thể lấy ví dụ đó để thấy được việc chuyển đổi tích tụ đất nông nghiệp, để một thời gian không làm được, không phát triển được, trồng cây thì chết… thì xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong khi đất của nông dân thì đã lấy rồi", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Quang Huy