Thứ bảy, 23/11/2024 08:45 (GMT+7)
Thứ tư, 17/03/2021 15:00 (GMT+7)

Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Tiềm năng của Hàn Quốc và những 'quân bài' bí mật (Kỳ 5)

Theo dõi KTMT trên

Tại châu Á, Hàn Quốc đã chứng minh hướng tiếp cận cho các chính sách phát triển bền vững của họ là đúng đắn, từ đó, đẩy mạnh tín dụng xanh và hoàn thiện hơn nữa hệ thống tài chính xanh.

Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Tiềm năng của Hàn Quốc và những 'quân bài' bí mật (Kỳ 5) - Ảnh 1
Hàn Quốc đã chứng minh hướng tiếp cận cho các chính sách phát triển bền vững của họ là đúng đắn.  (Ảnh: Korea times)

Thị trường trái phiếu xanh và bền vững của Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ. Dù vậy, không giống như thị trường nợ xanh đang bùng nổ của Trung Quốc, Hàn Quốc lại có những bước đầu phát triển khá chậm rãi.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã bán trái phiếu xanh đầu tiên vào năm 2013. Sau đó, phải đến năm 2018, các tổ chức phát hành mới tung ra thị trường một cách sôi nổi.

Trong năm 2019, các tổ chức phát hành của Hàn Quốc đã bán gần 6 tỉ USD trái phiếu xanh, bền vững và xã hội trên thị trường trái phiếu công khai G3, theo Dealogic. Giao dịch vào tháng 4 của LG Chem đã huy động được hơn 1,5 tỉ USD, khiến nó trở thành một trong những giao dịch xanh lớn nhất trong năm 2019.

Ngược lại, những tổ chức phát hành của Trung Quốc lại chỉ bán được 3,7 tỉ USD trong cùng thời điểm đó.

Một phần thành công của Hàn Quốc đến từ việc các nhà phát hành sẵn sàng mở rộng sang loại trái phiếu khác ngoài "xanh". Nhiều bên đã chọn sử dụng trái phiếu "bền vững", cho phép áp dụng số tiền thu được cho các dự án xã hội và môi trường, tăng tính linh hoạt cho người vay và nhà đầu tư.

Những cách tiếp cận sáng tạo và đổi mới như vậy sẽ phát triển thị trường xanh và bền vững. Thị trường này không có nghĩa là tĩnh, nơi nhãn "xanh" được dán trên các sản phẩm thông thường. Thị trường này được cho là sẽ phát triển theo hướng mở rộng các sản phẩm mới, qua đó tiếp cận các nhà đầu tư và tổ chức phát hành khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của họ. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ tiêu tốn của các quốc gia hàng nghìn tỉ USD, vì vậy cần có nhiều lựa chọn để huy động vốn.

Hàn Quốc đã thực sự đẩy mạnh chính sách của mình theo khía cạnh đó. Không chỉ vậy, với tư cách là thị trường trái phiếu trưởng thành nhất ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ về quy mô, Hàn Quốc đã tự đặt họ vào một vị trí thuận lợi để phát triển thị trường hơn nữa.

Các nhà đầu tư ở châu Á đã chậm phát triển quỹ dành riêng cho các sản phẩm bền vững, một phần do thị trường còn sơ khai và sự nhầm lẫn về cách các sản phẩm có thể phù hợp với danh mục đầu tư. Dù vậy, thị trường này của Hàn Quốc vẫn phát triển vô cùng thuận lợi, chính là nhờ vào mối quan hệ lâu dài của nước này với các nhà đầu tư Mỹ.

Tất nhiên, thị trường Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Bao gồm cả việc phát hành xanh trong nước, Trung Quốc vẫn dễ dàng vượt qua Hàn Quốc. Nhưng trên thị trường quốc tế, sự tăng trưởng của Đại lục dường như đã bị đình trệ.

Ngoài ra, hầu hết các khoản vay xanh ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi các ngân hàng lớn và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính trị. Dù vậy, Trung Quốc vẫn có một số cách để trấn an các nhà đầu tư về tính xanh của nguồn vốn tiếp cận thị trường của họ.

Ngược lại, việc Hàn Quốc lựa chọn bán trái phiếu được dán nhãn xanh và bền vững trong năm 2019, chính là một bước tiến lớn cũng như báo hiệu sự nỗ lực ngày càng tăng của nước này đối với thị trường xanh.

Trong năm 2019, số liệu phát hành trái phiếu xanh ở Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi so với tổng mức tích lũy của năm trước đó. Theo đó, tổng giá trị trái phiếu xanh đã lên tới 6,4 nghìn tỉ won (5,7 tỉ USD). Con số này cao hơn gần 2,5 lần so với giá trị trái phiếu xanh trong cả năm 2018. Khoảng 60% tổng số trái phiếu xanh được phát hành trong năm 2019 là do các công ty năng lượng và hóa chất.

Quy mô của thị trường trái phiếu và sự đa dạng của các tổ chức phát hành ở Hàn Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây khi các công ty thúc đẩy việc cải thiện hình ảnh doanh nghiệp của họ và khiến các nhà đầu tư cảm thấy có ý thức về môi trường.

Đây có thể chỉ là sự khởi đầu, vì Hàn Quốc vẫn đang sở hữu rất nhiều tiềm năng phát triển thị trường này. Nước này có thể thiết lập các tiêu chuẩn, hướng dẫn và thực tiễn tốt nhất về xanh và bền vững cho các tổ chức phát hành. Trong khu vực, chính Trung Quốc cũng đã được hưởng lợi từ việc có các tiêu chuẩn - ngay cả những tiêu chuẩn bao gồm than sạch - vì họ khuyến khích vay nhiều hơn.

Hàn Quốc cũng có thể xem xét các ưu đãi thuế và các kế hoạch để tiếp cận thị trường, giúp bù đắp một số chi phí gia tăng để đạt được chứng nhận xanh từ bên thứ ba, cũng như duy trì các tài liệu bổ sung để theo dõi việc sử dụng tiền thu được.

Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đã lập ra một tổ chức bảo lãnh tín dụng phi lợi nhuận gọi là Tổng Công ty Công nghệ Tài chính (KOTEC). Tổ chức này hoạt động như một quỹ bảo lãnh tín dụng, giải quyết các vấn đề thiếu hụt nguồn tài chính do hạn chế về tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp khi vay vốn tại ngân hàng thương mại.

Đặc biệt hơn, KOTEC là tổ chức tài chính duy nhất được đánh giá và cấp giấy phép xanh cho các doanh nghiệp. Mỗi công ty nhận được giấy phép xanh có thể áp dụng mức bảo lãnh lên đến 7 tỉ Won.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, Hàn Quốc là quốc gia đi đầu trong thị trường tài chính bền vững theo nhiều cách. Nếu nước này 'chơi tốt các quân bài của mình', tiềm năng phát triển của họ sẽ là rất lớn.

Những chính sách mới của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy tài chính xanh

Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã tiết lộ kế hoạch thúc đẩy tài chính xanh vào năm 2021, bao gồm tăng cường vai trò của khu vực công, thúc đẩy tài chính xanh trong khu vực tư nhân và cải thiện khuôn khổ quy định.

Theo đó, các chính sách nhằm tăng cường vai trò của khu vực công sẽ bao gồm: Chuẩn bị chiến lược đầu tư cho các tổ chức tài chính được nhà nước hậu thuẫn để tăng gấp đôi đầu tư vào các lĩnh vực xanh từ 6,5% hiện tại lên khoảng 13% (6 tháng đầu năm 2021) và xem xét triển khai chương trình cho vay tài chính xanh mới khi K- taxonomy cho các ngành công nghiệp xanh có hiệu lực.

Bên cạnh đó, thiết lập các nhóm tài trợ xanh trong các tổ chức tài chính được nhà nước hậu thuẫn để cải thiện tính nhất quán trong công việc và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức khác nhau.

Ngoài ra, thành lập cơ quan tham vấn về tài chính xanh giữa các tổ chức tài chính được nhà nước hỗ trợ khác nhau (nửa đầu năm 2021) để giúp vạch ra chiến lược tổng hợp về tài chính xanh, thúc đẩy chia sẻ thông tin và tăng cường quan hệ với xã hội quốc tế trong khi chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh P4G Seoul năm 2021.

Trong khi đó, để thúc đẩy tài chính xanh trong khu vực tư nhân, Hàn Quốc sẽ phát triển và triển khai K-taxonomy để phân biệt rõ ràng giữa các ngành và hoạt động xanh và không xanh và tìm ra các cải tiến cho hệ thống.

Đồng thời, chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn thực hành tốt nhất về tài chính xanh để áp dụng bình đẳng cho tất cả các lĩnh vực tài chính (6 tháng đầu năm 2021) và thúc đẩy nội bộ hóa các quy tắc sau một thời gian điều chỉnh.

Cuối cùng, xây dựng kế hoạch quản lý và giám sát rủi ro khí hậu cho các tổ chức tài chính (tháng 3/2021), qua đó tiến hành các cuộc kiểm tra về tác động của việc phá giá các ngành sử dụng nhiều carbon đối với sự lành mạnh của các tổ chức tài chính.

Đặc biệt, Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh việc cải thiện khuôn khổ quy định. Theo đó, nước này sẽ tiến hành tăng cường dần việc công bố thông tin doanh nghiệp về các yếu tố môi trường (quý 1/2021) và yêu cầu tất cả các công ty niêm yết KOSPI tiết lộ dữ liệu môi trường của họ từ năm 2030.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ xem xét đưa ra các sửa đổi đối với quy tắc quản lý để khuyến khích hơn nữa đầu tư có trách nhiệm với môi trường của các nhà đầu tư tổ chức. Xây dựng mô hình đánh giá để thực hiện phân tích tác động môi trường hiệu quả đối với các công ty trong nước (6 tháng đầu năm 2021).

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét thiết lập một nền tảng về tài chính xanh (6 tháng đầu năm 2021) để thúc đẩy chia sẻ thông tin, mạng lưới và kết nối quỹ giữa các doanh nghiệp xanh, tổ chức tài chính và nhà đầu tư.

Kỳ tiếp theo: Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Bài 6 - Nhật Bản với cam kết trung hòa carbon vào 2050

Thanh Trần

Bạn đang đọc bài viết Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Tiềm năng của Hàn Quốc và những 'quân bài' bí mật (Kỳ 5). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới