Thứ bảy, 20/04/2024 20:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/05/2023 09:05 (GMT+7)

Chính phủ quyết liệt gỡ ‘sợi dây vô hình’ trói tay, trói chân doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Trước việc có nhiều quy định, quy chế trở thành “sợi dây vô hình” trói tay trói chân các doanh nghiệp, Chính phủ đã phải ra tay gỡ rối một cách rất quyết liệt

Khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp và bộ, ngành đã nhiều lần lên tiếng, phản ánh về khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt, trong đó có những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách. Đặc biệt, khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm do xung đột Nga - Ukraine, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những khó khăn trên càng thêm hiện hữu. Lúc này, hậu quả của “sợi dây vô hình” đang trói tay, trói chân doanh nghiệp càng bộc lộ rõ.

Biểu hiện rõ nhất là những quy định không còn phù hợp trong đầu tư trái phiếu, chứng khoán; quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, phòng cháy chữa cháy… Sự bất cập của các quy định đối với những ngành nghề nêu trên đã tác động cực kỳ lớn đối với xã hội, điển hình như việc hàng ngàn cơ sở phải đóng cửa vì quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy hay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vừa qua…

Chính phủ quyết liệt gỡ ‘sợi dây vô hình’ trói tay, trói chân doanh nghiệp - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1. (Ảnh: MAUR).

Trước tình hình này, Chính phủ - đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vào cuộc một cách kịp thời, hành động quyết liệt và mạnh mẽ. Sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ trong việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc cho sự phát triển của nền kinh tế.

Những quyết sách, giải pháp căn cơ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có thể kể đến như cho phép các cá nhân, tổ chức gia hạn thời gian từ 3 - 6 tháng trong thanh toán các loại thuế khác nhau. Đây thực sự là tín hiệu vui cho những doanh nghiệp vốn gặp muôn vàn khó khăn sau chuỗi ngày dài chống chịu cùng đại dịch Covid-19 và đương đầu với suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu.

Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ cũng kịp thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất chính sách từ 50 - 100 điểm cơ bản. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn (lãi suất chính sách quan trọng nhất ở Việt Nam) giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%. Không chỉ vậy, lãi suất tối đa mà ngân hàng được phép trả cho người gửi tiết kiệm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn lên đến 6 tháng giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%.

Hay mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế 450 tỷ USD của Việt Nam.

Chính phủ quyết liệt gỡ ‘sợi dây vô hình’ trói tay, trói chân doanh nghiệp - Ảnh 2
Lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Song song với những quyết sách cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã lùi một số quy định mới được đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm áp đặt các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, Ngành giải quyết nhiều nút thắt hành chính hiện đang cản trở việc phát triển bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đến nay, có thể khẳng định việc Chính phủ cắt giảm thuế và lãi suất chính sách là những hành động cụ thể nhất để hỗ trợ tăng trưởng. Và chính biện pháp này sẽ tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo.

Trong lĩnh vực bất động sản, ngành vốn chiếm gần 10% GDP của Việt Nam đã bị đình trệ rất nghiêm trọng, các doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn trong việc xin phê duyệt làm dự án. Lỗi do doanh nghiệp chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cũng có, nhưng một nguyên nhân quan trọng là do chính quyền các cấp đùn đẩy, “chuyền bóng” cho nhau, không ai chịu ký duyệt… Đó là thực trạng đáng buồn ở nhiều địa phương.

Nhận thấy thực trạng này, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để khắc phục. Trong số đó, biện pháp nghiêm khắc nhất là “phải thay thế người đứng đầu” nếu để xảy ra tình trạng đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp và sự phát triển của xã hội.

Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ định hướng giải quyết các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho các dự án bất động sản nhà ở, sự chậm trễ trong việc thẩm định giá trị đất đai để xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền chuyển đổi phải nộp cho Chính phủ.

Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra gói cho vay trợ cấp trị giá 5,1 tỷ USD hỗ trợ phát triển hơn một triệu nhà ở xã hội mới, tạo sinh kế cho người thu nhập thấp. Các khoản vay hỗ trợ lãi suất sẽ được cung cấp cho người mua nhà và chủ đầu tư thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ngoài ra, các tổ nhóm công tác mới được Chính phủ thành lập để xem xét, loại bỏ những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản gặp phải khi tiến hành dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công trong năm nay với mục tiêu tăng giải ngân cho đầu tư công khoảng 40% vào năm 2023 (lên 30 tỷ USD).

Tâm Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ quyết liệt gỡ ‘sợi dây vô hình’ trói tay, trói chân doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới