Chiếc "bẫy" rác khổng lồ dài 600m được đưa vào Thái Bình Dương
Thiết bị đặc biệt có khả năng "bẫy" được 1,8 triệu đơn vị rác thải nhựa mà không gây hại cho sinh vật biển.
Nằm trong khuôn khổ dự án làm sạch biển Ocean Cleanup, đây là lần thứ hai thiết bị đặc biệt này được đưa vào vận hành, với kỳ vọng sẽ dọn sạch một “đảo” rác khổng lồ ở Thái Bình Dương, khu vực giữa California và Hawaii (Mỹ).
Chiếc "bẫy" rác thải nhựa Wilson được đưa vào vận hành lần thứ hai. Ảnh: Ocean Cleanup. |
Theo những thành viên của dự án, thiết bị có tên là Wilson, dạng hình ống dài 600 mét, cong hình chữ U, có khả năng thu được 5 tấn rác một tháng. Wilson dịch chuyển nhờ sức gió và sóng. Được trang bị đèn năng lượng mặt trời, camera, hệ thống cảm biến và ăng-ten vệ tinh, thiết bị này có thể dễ dàng định vị từ đất liền mọi lúc, mọi nơi, cho phép các tàu hỗ trợ đến thu “chiến lợi phẩm” sau 6 tuần.
Bên cạnh phần nổi dài 600 mét, các nhà khoa học còn trang bị thêm cho Wilson một tấm lưới chắn dài 3 mét, hoạt động phía dưới mặt nước biển để "bẫy" các mảnh rác nhỏ. Như vậy, tất cả các loại rác thải nhựa có kích thước trên 1 cm đều không thể thoát khỏi thiết bị khổng lồ này.
Theo ông Boyan Slat - người sáng lập dự án Ocean Cleanup, trong lần thử nghiệm đầu tiên vào tháng 9/2018, thiết bị này đã bị vỡ do sức gió và sóng quá mạnh sau 4 tháng lênh đênh trên biển.
Mặc dù vậy, lần thử nghiệm đầu tiên đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho các nhà khoa học. Họ nhận thấy rằng, thiết bị mang tên Wilson không gây ra bất cứ tác hại nào đến đời sống của các loài sinh vật biển.
Các nhà khoa học thuộc dự án Ocean Cleanup đều bày tỏ niềm hy vọng vào thành công của chiếc “bẫy” rác khổng lồ Wilson. Ông Slat cho biết, nếu lần vận hành thứ hai này thành công, sẽ có khoảng 60 thiết bị tương tự được đưa vào sử dụng để cứu đại dương khỏi cơn khủng hoảng rác thải nhựa.
Diệu Anh