Thứ năm, 02/05/2024 09:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/10/2023 17:00 (GMT+7)

Chấn chỉnh tình trạng thuê đất để khai thác khoáng sản trái phép ở Bình Thuận

Theo dõi KTMT trên

Theo UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết, có nhiều trường hợp lấy cớ cải tạo đất, mượn đất canh tác nông nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép rồi tập kết về mỏ hợp pháp của doanh nghiệp, gây thất thoát tài nguyên, bức xúc trong dư luận.

Mới đây, ông Phan Văn Đăng Phó - Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Hàm Tân.

Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận nhận định, thời gian qua lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, thế nhưng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Hàm Tân vẫn diễn biến hết sức phức tạp, công khai với quy mô lớn trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Thậm chí, để đối phó với lực lượng chức năng, các điểm khai thác khoáng sản trái phép luôn có người trông coi, sử dụng những phương tiện không có giấy tờ, nguồn gốc không rõ ràng để vận chuyển hoạt hoặc lợi dụng đêm tối, các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ và chọn những khu vực vắng vẻ xa khu dân cư, ít người qua lại để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra có tình trạng, lấy cớ cải tạo đất, mượn đất canh tác nông nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép.

Chấn chỉnh tình trạng thuê đất để khai thác khoáng sản trái phép ở Bình Thuận - Ảnh 1
Khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Hàm Tân vẫn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, đại diện UBND huyện Hàm Tân thừa nhận, thực tế có xuất hiện tình trạng chủ đất không cư trú tại địa phương, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép sẽ thuê lại quyền sử dụng đất của chủ đất và tiến hành khai thác khoáng sản trái phép. Khoáng sản trái phép sau khi khai thác xong sẽ được tập kết về mỏ đất hợp pháp của doanh nghiệp.

Để giải quyết thực trạng trên, UBND huyện Hàm Tân đã và đang chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh, làm rõ chủ sử dụng đất, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tuy nhiên, một số chủ đất khi làm việc với cơ quan chức năng khai báo do bị bệnh, đi làm việc ngoài địa phương nên không có thời gian trông coi, quản lý đất thường xuyên, không biết việc thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình bị khai thác khoáng sản trái phép.

Sau khi lắng nghe báo cáo của địa phương và các đơn vị sở ngành có liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu địa phương và ngành chức năng vẫn phải kiểm soát quyết liệt những khu vực khai thác khoáng sản trái phép đã tạm ngưng, đặc biệt phải rà soát lại các quyết định đã xử phạt hành chính, giao công an điều tra, kể cả nơi tiêu thụ khoáng sản trái phép và địa bàn giáp ranh giữa huyện Hàm Tâm với các địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Đồng thời, trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, ngành có liên quan, trong thời gian tới UBND tỉnh Bình Thuận sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể để phân công từng nhiệm vụ, công việc cho các cơ quan chức năng, mục tiêu là sớm giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Hàm Tân, không để tình trạng này tiếp diễn gây bức xúc trong nhân dân.

Có thể bị xử lý hình sự

Hành vi khai thác khoáng sản trái phép ngoài việc bị xử lý hành chính thì các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015. Hành vi này sẽ cấu thành tội trên nếu có đầy đủ 04 dấu hiệu pháp lý như sau: Mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể và khách thể.

Tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định cụ thể về mức phạt áp dụng với Tội khai thác khoáng sản trái phép đối với cá nhân như sau:

Hình phạt chính

-Phạt tiền từ 300 triệu – 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 100 – dưới 500 triệu đồng; Khoáng sản trị giá từ 500 triệu – dưới 01 tỷ đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% – 121%; Đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

-Phạt tiền từ 1,5 – 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 – 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; Khoáng sản trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên; Có tổ chức; Gây sự cố môi trường; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 122% trở lên.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 500 triệu đồng.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Chấn chỉnh tình trạng thuê đất để khai thác khoáng sản trái phép ở Bình Thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới