Thứ năm, 28/03/2024 18:02 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/05/2021 09:43 (GMT+7)

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa

Theo dõi KTMT trên

46 năm sau ngày giải phóng năm (1975-2021), quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã khoác lên mình chiếc áo mới. Không chỉ có màu xanh của biển, trên các đảo đã phủ kín màu xanh của cây, của những “vườn rau chiến sỹ”.

Đặc biệt là tại các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn có 4 cây xanh có tuổi đời hơn 300 năm đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “ Cây di sản Việt Nam”.

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Ảnh 1
cây xanh tại đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa) có mặt từ lúc có đảo đến nay phát triển tốt cho bóng mát, dịu hẳn oi bức ngày hè giữa muôn trùng biển khơi . 

Cây che chở cho nhân dân, bộ đội

Chúng tôi đến thăm đảo Song Tử Tây, dưới cái nắng 38 độ C, gió biển như tát vào mặt, chỉ ít phút đứng ngoài trời, mồ hôi đã ướt sũng. Nắng gió là vậy, nhưng khi đặt chân lên đảo, đứng dưới tán cây phong ba cảm giác như thời tiết dịu lại.

Đang dọn dẹp vệ sinh dưới gốc cây phong ba, binh nhất Nguyễn Văn Quang, chiến sỹ đảo Song Tử Tây cho biết: “Ngày nào các chiến sỹ cũng phân công nhau làm vệ sinh và chăm sóc cây phong ba. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi được đứng đây, dưới gốc cây phong ba có tuổi đời hàng trăm năm. Không những làm đẹp cho cảnh quan môi trường trên đảo, cây phong ba còn là nơi các chiến sỹ ngồi hóng mát, sinh hoạt văn hóa văn nghệ mỗi ngày”.

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Ảnh 2
Lớp lớp bàng non mọc lên dưới tán cây bàng vuông trên đảo Đảo Đá Tây A (quần đảo Trường Sa).

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cây phong ba trên đảo Song Tử Tây có chiều cao 25 mét, chu vi thân cây 3,8 mét, tán rộng 35 mét, cây có tuổi đời trên 300 năm.

Cây bàng vuông trên đảo Nam Yết cũng có tuổi đời tương tự. Cây bàng vuông có một gốc to và chẻ ra thành 9 thân đều nhau, tán rộng che mát cả một khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông ngay trước cột mốc chủ quyền trên đảo.

“Đảo có cây bàng vuông được công nhận là Cây di sản. Đối với cán bộ, chiến sỹ ở đảo, mỗi lần đứng dưới gốc cây đều cảm thấy rất vinh dự và tự hào bởi cây bàng vuông di sản vừa có ý nghĩa về giá trị đa dạng sinh học, giá trị lịch sử, còn là cột mốc chủ quyền vững chãi trên đảo”, Đại úy Đinh Tiến Thành, Chính trị viên đảo Nam Yết cho biết.

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Ảnh 3
Hoa phong ba nở giữa nắng tháng 5 trên quần đảo Trường Sa.

Hai cây mù u tại đảo Sơn Ca và Sinh tồn cũng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản. Cả hai cây mù u này đều có tuổi đời trên 300 năm, thân cây to khoảng 4 người ôm, tán rộng che mát cả một khoảng sân.

Cây bàng vuông, mù u và phong ba là những loài có sức sống mãnh liệt ở những nơi có môi trường sống khắc nghiệt. Đây là những loài cây đặc thù tạo màu xanh trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Ảnh 4
Hoa bàng vuông - biểu tượng sức sống xanh, trường tồn mãnh liệt của hệ thực vật trên quần đảo Trường Sa.

“Đảo Sơn Ca chúng tôi rất phấn khởi và tự hào vì trên đảo có một cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây là nét văn hóa đặc trưng và giá trị rất lớn đối với cán bộ, chiến sỹ trên đảo, vì cây di sản có giá trị về nguồn gene, giá trị về văn hóa đặc biệt đó còn là cột mốc chủ quyền biển đảo của chúng ta”, Trung tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca chia sẻ.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa cho biết trên quần đảo Trường Sa có 4 cây di sản đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận, gồm cây bàng vuông, cây phong ba và hai cây mù u. Đây là những cây xanh đã sinh trưởng và bám rễ hàng trăm năm tại quần đảo Trường Sa. “Để gìn giữ, bảo tồn và chăm sóc những cây di sản này, chúng tôi luôn quan tâm đến việc cắt tỉa, chăm bón gìn giữ Cây di sản, để cây ngày càng xanh tốt. Đây cũng là cột mốc chủ quyền quyền thiêng liêng của chúng ta trên quần đảo Trường Sa”, ông Lê Đình Hải tâm sự.

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Ảnh 5
Cây bão táp vẫn xanh thắm giữa giữa nắng gió của biển khơi.

Theo các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa, với thời tiết khắc nghiệt, có những trận bão gió giật cấp 12 tuy nhiên những cây cổ thụ trên đảo vẫn đứng vững, không bị quật gốc.

“Nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cây di sản trên đảo, chúng tôi đã tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ cán bộ chiến sỹ trên đảo giữ gìn, chăm sóc, tiếp tục bảo vệ cây xanh nói chung và Cây di sản nói riêng để đây là một điểm đến đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị”, Trung tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết.

Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Ảnh 6
Rau xanh được cán bộ chiến sĩ Đảo Đá Nam, quần đảo Trường Sa che chắn bằng lồng kín để cây có thể phát triển tốt trong điều kiện nắng gắt của mùa hè.

Giờ đây, những cây cổ thụ, cây di sản trên quần đảo Trường Sa không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và đa dạng sinh học, là cột mốc chủ quyền thiêng liêng, những cây xanh này còn là mái nhà che chở cho quân và dân trên đảo, là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ và chứng kiến biết bao thế hệ chiến sỹ từng công tác giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Cây bàng vuông bốn mùa tốt tươi
Bên cha ngày đêm gác canh đảo nhỏ
Cây bàng vuông chính là cha đó
Hiên ngang ngạo nghễ nơi đảo tiền tiêu”.

Lời bài hát “Hoa bàng vuông của cha” như thay lời những chiến sỹ đang ngày đêm canh gác nơi đảo xa “hiên ngang ngạo nghễ nơi đảo tiền tiêu” như “cây bàng vuông bốn mùa tươi tốt”.

Sỹ Tuyên, Phan Sáu, Thắng Trung

Bạn đang đọc bài viết Cây di sản - cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.