Thứ bảy, 20/04/2024 13:10 (GMT+7)
Thứ ba, 06/04/2021 07:07 (GMT+7)

Người bạn nhỏ trên đảo Trường Sa

Theo dõi KTMT trên

Những đứa trẻ ngoài đảo xa, là những cột mốc sống của Việt Nam giữa biển khơi.

Si mập, 8 tuổi, da sạm nắng, mình gặp Si khi vừa đặt chân xuống đảo được vài phút. Si đang gò lưng chở bạn bằng chiếc xe đạp màu hồng trên đường băng vừa mới ráo cơn mưa biển. Bạn ấy dễ thương đến kỳ lạ.

Si mập đầu nghiêng nghiêng, nụ cười bẽn lẽn, mắt nheo nheo bởi nắng biển, mũ lưỡi trai đội lệch, lúng búng trong bộ quần áo hải quân con nít, Si có mặt hầu hết trong các bức hình của nhiều đoàn ghé thăm Trường Sa Lớn.

Si lên đảo từ lúc bản thân nào cũng không nhớ chính xác, cậu bé ấn tượng mạnh liệt về đất liền, quê nhà. Mười câu thì có hai câu nhắc đến “đất liền”. Chị gái của Si là bé Sen, mập tương tự, tay lúc nào cũng cầm một thứ gì đó ăn được, khi thì là gói bim bim, lúc là quả dưa chuột, đây là hai trường hợp thiếu nhi đặc biệt thừa dinh dưỡng trên đảo Trường Sa Lớn.

Hai chị em còn có sáu người bạn đồng trang lứa, trước là bảy nhưng một bạn vừa về đất liền tuần trước để chữa bệnh.

Ở trên hòn đảo vỏn vẹn 0.5 km2 này không được phép ốm, nếu ốm sẽ thật vất vả cho các chú bộ đội quân y. Ngay từ cái chuyện nhỏ xíu là cái xe đạp của Si bị tuột xích, xịt lốp là lại mồ hôi mồ kê nhễ nhại bê mấy trăm mét tới phân xưởng cơ khí nhờ chú bộ đội sửa. 

Đồ chơi của Si là sỏi và san hô, cậu mê mẩn khi nhắc đến những nhân vật siêu nhân mà hay thấy trên tivi, các đoàn khách ra đảo toàn mang tặng trẻ con đều là kẹo bánh, gấu bông và búp bê. Si có tiêu chuẩn nhưng nhường các bạn nữ.

Mười ngày trên đảo, Si có đồ chơi mới của mình đưa cho mượn, đó là ba chiếc bộ đàm. Đã quá lâu rồi mình mới được thấy lại ánh mắt của trẻ con no căng niềm vui như thế. Giao cho Si là yên tâm, cậu bé chia đều mỗi bạn chơi một lúc, lũ trẻ chạy như ong vỡ tổ tóe ra các góc trên đảo để bấm “A lô, Si đây... Sen nghe thấy không... hi hi hi.”

Câu chuyện qua bộ đàm lúc nào cũng nhạt thếch, đám trẻ chả có thông tin gì mới, sống chung, học chung và chơi chung với nhau mấy năm rồi. Bộ đàm hết pin là Si gom lại hết đặt lại lên bàn phòng mình ở, đi về nhìn thấy là sạc pin, rồi lại để ngoài cốc sạc... cứ như vậy ngày qua ngày.

Sáng nào đi ra khỏi doanh trại là thấy Si đứng cửa đợi sẵn với chiếc xe đạp mini màu hồng: “Chú, chú đi đâu con đưa chú đi.” Đành chiều cậu bạn tử tế leo lên chiếc xe đạp trẻ con để sang hội trường cách đó vài chục mét. Si ngồi trước thư thả đạp.

Mình có ghé lớp học của Si, chỗ Si ngồi có cửa sổ nhìn ra biển, gió thổi ào ào từng nhịp sóng bạc đầu, tiếng những cánh quạt điện gió ồn ào như máy bay trực thăng bay trên đầu, Si học giỏi nhất lớp, bởi lớp ba có mỗi mình cậu ta mà thôi.

Giáo trình ngoài đảo lớn mới có đến lớp 5, không biết sau này anh bạn  sẽ tiếp tục con đường học hành như thế nào.

Mấy ngày liên tục biển động, ào ạt sóng, Si dẫn mình ra biển chơi đắp ụ cát rồi lại cuống lên kéo nhau chạy trước mỗi con sóng lớn thủy triều lên sát bờ. Si thích ngồi nghe chú nhạc sĩ Lê Tâm hát bài trẻ con bằng guitar bên biển. Chú Lê Tâm tặng Si chiếc đàn vì suy cho cùng thì chẳng biết Si có chơi được không, quan trọng nhất là Si có niềm vui khi có cây đàn làm bạn. Si thích nó. Thế là đủ. Cây đàn đó đã ở lại Trường Sa Lớn với Si và mỗi tối nằm lẫn đâu đó với đống đồ chơi toàn sỏi, san hô, lá cây tra, quả bàng vuông của Si. Mình luôn nhớ Si và các bạn nhỏ vô cùng.

Các chú bộ đội quanh năm ăn cơm hạt to với thịt hộp, với rau lá tra chát ngắt miệng, mình thật đoảng khi không hỏi Si mỗi ngày ăn cơm với gì?

Mấy ngày cuối biển động mạnh, ào ạt sóng, tàu không thể cập cảng, mình rất sốt ruột về đất liền, Si hay mò sang phòng cười ỏn ẻn bên cạnh vỗ về:

- Chú mệt con dẫm lưng cho chú nhé?

Buổi sáng ngày thứ mười biển lặng, tàu chuẩn bị rời bến mà không báo trước, mình sẽ về với đất liền, với gia đình, bàn bè quen thuộc. Si vẫn đang trong lớp học, mình trốn chào tạm biệt Si vì sợ rằng sẽ lại rơm rớm nước mắt, nếu như vậy có lẽ cả 2 đều sẽ rất buồn. 

Những đứa trẻ ngoài đảo xa, là những cột mốc sống của Việt Nam giữa biển khơi.

4/2014

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân tác giả.

Hoàng Minh Trí

Bạn đang đọc bài viết Người bạn nhỏ trên đảo Trường Sa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới