Thứ bảy, 20/04/2024 02:14 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 16:55 (GMT+7)

Câu chuyện trăm năm về Công tử Bạc Liêu bao giờ được viết tiếp?

Theo dõi KTMT trên

Trải qua hơn 1 thập kỷ và qua tay nhiều chủ đầu tư, nhưng hiện Dự án Cụm nhà Công tử Bạc Liêu (phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vẫn "dậm chân tại chỗ". Thông điệp "Viết tiếp câu chuyện trăm năm về Công tử Bạc Liêu" của chủ đầu tư vẫn là dấu hỏi.

Bao giờ dự án mới hoàn thành?

Khu nhà Công tử Bạc Liêu được biết đến là thương hiệu du lịch nổi tiếng trên địa bàn TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Để khai thác có hiệu quả khu nhà Công tủ Bạc Liêu, năm 2011, tỉnh Bạc Liêu giao dự án này (trên 18.000m²) cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH một thành viên (Saigontourist) và Công ty cổ phần đầu tư du lịch và sinh thái Rồng Việt (TP. HCM) để tôn tạo, khôi phục nhằm phát triển nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch trong thời gian 49 năm.

Tuy nhiên, do chậm thực hiện nên dự án đã bị rút giấy phép đầu tư vào đầu năm 2013. Trong thời gian chờ nhà đầu tư mới, cụm nhà Công tử Bạc Liêu được chuyển về cho Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu tiếp tục quản lý. Được biết, khi rút khỏi dự án, phía Saigontourist cho biết đã đầu tư 4 tỉ đồng vào cụm nhà Công tử Bạc Liêu; UBND tỉnh Bạc Liêu đã thành lập đoàn công tác thẩm định số tiền này để quyết toán.

Câu chuyện trăm năm về Công tử Bạc Liêu bao giờ được viết tiếp? - Ảnh 1
Dự án cụm nhà Công tử Bạc Liêu ì ạch triển khai sau nhiều năm giao cho nhà đầu tư.

Đến giữa năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin dự án khu du lịch cụm nhà Công tử Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được giao cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH thương mại dịch vụ và du lịch Cẩm Quyên (viết tắt là Công ty Cẩm Quyên) để lên phương án tôn tạo, khai thác.

Ngoài việc được giao thực hiện tôn tạo, khai thác dự án cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Công ty Cẩm Quyên còn được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch Công tử Bạc Liêu (diện tích hơn 12.000m2 chưa giải tỏa, kế bên cụm nhà Công tử Bạc Liêu).

Sau khoảng 6 năm được giao thực hiện dự án nhưng không hiệu quả, năm 2019, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thu hồi dự án này và giao lại cho Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu (thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng) tiếp tục đầu tư và khai thác dự án.

Sau đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Công tử Bạc Liêu tổ chức khởi công xây dựng dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu trên khuôn viên rộng hơn 18.000 m2, tại Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Công trình bao gồm các hạng mục như cụm nhà văn hóa, bảo tàng lịch sử, khu nghỉ dưỡng khách sạn 4 sao, khu vườn Pháp, khu vui chơi, quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà hàng… Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và thời gian thi công là 24 tháng.

Câu chuyện trăm năm về Công tử Bạc Liêu bao giờ được viết tiếp? - Ảnh 2
Một phần đất dự án cụm nhà Công tử Bạc Liêu đã được thu hồi nhưng bị bỏ hoang gây lãng phí.

Tại thời điểm khởi công, chủ đầu tư cho biết, sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động, công trình hứa hẹn sẽ là "đòn bẩy" góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch của tỉnh, là điểm đến ấn tượng không thể bỏ qua khi du khách trong nước và quốc tế đến Bạc Liêu.

Phát biểu tại lễ khởi công này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Vương Phương Nam đã nhấn mạnh, công trình Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu là dự án có quy mô khá lớn, đầu tư vào khu vực được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu chủ đầu tư tập trung tối đa các nguồn lực để triển khai dự án đúng quy hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Cần xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

Theo chủ trương đầu tư được UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Công tử Bạc Liêu thì thời gian thực hiện dự án này là 24 tháng. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian được giao thực hiện đầu tư theo quy định, nhưng dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu vẫn “im lìm”, nhiều hạng mục tại công trình đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt.

Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Từ Minh Phúc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu thừa nhận dự án này đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Dự án được chia làm hai khu, hiện nay khu A đang được triển khai, riêng khu B (PV - phần diện tích 12.000 m2 kế cạnh cụm nhà Công Tử Bạc Liêu) đang còn vướng mắc ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. Gần đây, TP. Bạc Liêu đã mời chủ đầu tư dự án lên họp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng và giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai.

“Về lý do chậm tiến độ, chủ đầu tư cho rằng vì vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại các cuộc họp thì chủ đầu tư cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành dự án. Trong trường hợp việc đầu tư tiếp tục chậm tiến độ thì việc này UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nắm thủ tục và chờ xem tiến độ tới đây cụ thể như thế nào. Nếu vẫn chậm tiến độ thì UBND tỉnh cương quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu Từ Minh Phúc cho biết.

Câu chuyện trăm năm về Công tử Bạc Liêu bao giờ được viết tiếp? - Ảnh 3
Dự án cụm nhà Công tử Bạc Liêu "chưa hẹn ngày về đích".

Chia sẻ với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về những hệ lụy của các dự án chậm tiến độ, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, Luật Đầu tư, luật Xây dựng đều đã quy định rất rõ ràng đối với những dự án treo, quy hoạch treo dẫn đến tài nguyên đất bị lãng phí, thất thu ngân sách thì chính quyền địa phương về quản lý đất đai trên địa bàn đó và chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu hồi theo quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ kéo dài trong nhiều năm gây lãng phí đầu tư đang trì trệ rất nhiều. Việc kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương đến nay vẫn chưa rõ ràng và nhà đầu tư có đủ lý do để biện minh cho việc chậm tiến độ.

“Luật quy định cho phép gia hạn đầu tư, nhưng nhiều dự án khi quá thời gian gia hạn đầu tư thì dự án vẫn còn nằm trên giấy hoặc xây dựng dở dang, để hoài không có ai ngó ngàng và có trách nhiệm với sự chậm trễ đó.

Hệ lụy kéo theo đó là những xì xào, đánh giá từ dư luận và người dân tại khu vực đó. Ví dụ, người dân sẽ tự nhận định rằng dự án này có tiêu cực, dự án giao cho nhà đầu tư không có năng lực hoặc có sự móc nối giữa chính quyền với nhà đầu tư hay mục đích của nhà đầu tư là để bán dự án nhưng bán chưa được,… dẫn đến sự thiếu lòng tin từ người dân. Đồng thời, những dự án chậm tiến độ sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai rất lớn, lãng phí nguồn ngân sách của nhà nước”, ĐBQH Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hòa, trong mỗi kỳ họp, các ĐBQH đều đặt câu hỏi với Chính phủ về nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng nêu trên. “Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy những vấn đề và đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ, cốt lõi. Nhưng e là những giải pháp đó vẫn còn nằm trên giấy, còn tổ chức thực hiện thì tôi cho rằng vẫn còn rất “ì ạch”, ông Hòa nói.

Để có thể xử lý dứt điểm đối với những dự án đầu tư chậm tiến độ, theo ĐBQH Nguyễn Văn Hòa, với trách nhiệm của người đứng đầu, của bộ ngành, chính quyền địa phương phải thật sự quyết liệt, thật sự vào cuộc để xử lý nhanh chóng những dự án treo, những dự án “đắp chiếu” chậm tiến độ. Trước khi giao đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền phải rà soát, kiểm tra và khách quan minh bạch trong việc xem xét năng lực, trách nhiệm của những nhà đầu tư đó.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xử lý nghiêm những chủ đầu tư để xảy ra những sai phạm trong đầu tư chậm tiến độ, ngoài biện pháp hành chính nếu phát hiện hành vi tiêu cực thì truy cứu trách nhiệm hình sự, làm mạnh tay thì tiến độ của các dự án sẽ thành công.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện trăm năm về Công tử Bạc Liêu bao giờ được viết tiếp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới