Chủ nhật, 28/04/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ ba, 19/09/2023 15:27 (GMT+7)

Bộ GTVT: Cát sông vẫn là vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc đến năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông.

Thiếu vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm 

Thông tin từ Bộ GTVT, giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc trên khu vực ĐBSCL sẽ cùng triển khai nên chuẩn bị cát đắp nền là rất cần thiết. Cụ thể, các dự án cao tốc không khu vực ĐBSCL cần khoảng 53,7 triệu m3 cát.  

Hiện nay hai dự án thành phần đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau, với tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18 triệu m3 đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu. Cụ thể tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau cần xử lý gần 92km nền đất yếu. Tổng khối lượng cát đắp nền hơn hơn 13 triệu m3 và tổng khối lượng đào hơn 2,3 triệu m3.

Bộ GTVT: Cát sông vẫn là vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc đến năm 2024 - Ảnh 1
Nhiều dựa án trọng điểm đang thiếu cát để san lấp mặt bằng. (Ảnh: minh họa)

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc cũng chung tình trạng trên khi ban đầu dự tính cần cát đắp nền đường khoảng 29,73 triệu m3; cát xây dựng khoảng 0,99 triệu m3; đá xây dựng các loại khoảng 4,48 triệu nhưng đang phải thực hiện cầm chừng vì thiếu cát. Dự án đường tỉnh 918 và dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng chung tình trạng trên khi đang thiếu khoảng 7 triệu m3 cát.

Thêm nữa mới chỉ có 24/64 mỏ khai thác tại ĐBSCL đáp ứng được yêu cầu, công suất hàng năm khoảng 8,25 triệu m3. Nếu tăng công suất khai thác thêm 50% mỗi năm, danh 100% cho dự án thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Chưa kể, chất lượng cát tại khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu kém, lẫn nhiều tạp chất cùng hàm lượng bùn sét lớn. 

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 794/CĐ-TTg về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.   

Cụ thể giao Bộ Giao thông và vận chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông, chủ động nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong thời gian tới. 

Thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông 

Để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cát sông, Bộ GTVT đã cùng Bộ ngành liên quan triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm  làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. Theo mẫu kết quả thí nghiệm cát biển tại Sóc Trăng và Trà Vinh thì cát biển đáp ứng đầy đủ yêu cầu cơ bản để đắp nền đường. 

Ngoài ra, Bộ cũng thí nghiệm sử dụng cát biển trên tuyến ĐT 978 thuộc dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với chiều dài 300m lấy từ mỏ Trà Vinh. Cơ quan chuyên môn sẽ quan trắc đến tháng 11, nhanh nhất đến cuối năm mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển.

Bộ GTVT nhấn mạnh, “nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án. Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và năm 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông”. 

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu khả năng khai thác cát biển trên khu vực bờ biển nằm cách bờ 10-25km, độ sâu 10-30m nhằm đáp ứng nhu cầu san lấp dự án vùng ĐBSCL. Kết quả sẽ cho biết khả năng đáp ứng của cát biển trong việc thay thế cát sông làm vật liệu san lấp. 

Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Văn Nguyên, Cục phó Địa chất Việt Nam (trước đây là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ tính chất của cát sông và cát biển là đều có nguồn gốc phong hóa giống nhau từ các đá trong lục địa, có chung thành phần khoáng vật chính (khoáng vật thạch anh).

Tuy nhiên, cát biển trước nay ít được chọn làm vật liệu xây dựng do hạt nhỏ, mịn, kèm theo lượng mùn, sét nhiều hơn cát sông. Cát biển thường chứa vụn sinh vật biển và đặc biệt bị nhiễm mặn. Cát sông thô hơn, hạt đa dạng, sắc cạnh, rất phù hợp cho các công trình xây dựng mà không cần qua quá trình xử lý. Bên cạnh đó cát biển chưa được sử dụng nhiều trong xây dựng là có một số thành phần hóa học có hại, gây ăn mòn kim loại như SiO3 cao hơn nhiều so với cát sông.

Cục phó Địa chất Việt Nam nhấn mạnh, đối với nhu cầu làm vật liệu san lấp thì cát biển và cát sông đều sử dụng được. Tuy nhiên, với nhu cầu làm cốt liệu xây dựng (vữa và bê tông) thì việc sử dụng cát biển phải được nghiên cứu ở từng mỏ để đề ra giải pháp xử lý đáp ứng theo yêu cầu của cốt liệu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia.

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT: Cát sông vẫn là vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc đến năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới