Các mỏ cát khiến loạt cán bộ tỉnh An Giang liên quan bị bắt hiện giờ hoạt động thế nào?
Sau khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng nhiều cán bộ bị bắt giam vì nhận hối lộ, mỏ cát của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới cũng đang trong tình trạng "đứng hình".
Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu 68) được cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 tại mỏ cát thuộc xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Khối lượng cát này có mục tiêu để cung cấp cho bốn dự án giao thông đang triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A-B; dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Để bạn đọc rõ hơn về vụ việc, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã quay lại khu vực mỏ cát sông Tiền, đoạn chảy qua xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang để ghi nhận tình hình khai thác cát tại khu vực này.
Tại thời điểm ghi nhận, hàng loạt các phương tiện tàu, thuyền, xà lan nhằm phục vụ cho việc khai thác cát trên sông Tiền đoạn qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới đã “bất động”, không còn hoạt động rầm rộ. Một lượng nhỏ cát đã khai thác cũng được tập kết, che chắn và chưa được vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo người dân tại khu vực này, trước kia các xà lan thay phiên nhau múc cát 24/24, nhưng kể từ khi nhiều cán bộ bị bắt thì hoạt động khai thác cát ở đây đã dừng hẳn.
“Từ ngày Phó Chủ tịch tỉnh bị bắt đến bây giờ hoạt động khai thác đã "không còn nóng" không phương tiện nào dám thọc cần xuống múc. Họ múc đi làm đường cao tốc, nhưng lại mang bán ngoài nhiều. Mấy ghe khai thác cát này họ đều che hết biển số”, một người dân nuôi cá bè gần khu vực khai cát chia sẻ.
Cũng theo người dân chia sẻ: "Hút quá thì người dân cũng bức xúc lắm, vì hút quá về lâu dài sẽ làm sạt lở bờ. Bên cạnh đó, việc hút cát như vậy còn ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản của bà con. “Máy hút rầm rộ, cá sợ không giám ăn gây thiệt hại kinh tế cho bà con”.
Đi dọc khu vực khai thác cát, Phóng viên còn ghi nhận tình trạng bờ sông đang có dấu hiệu sụt lún. Để giữ đất, nhiều hộ dân đã phải đóng cọc, đắp bờ bao để ngăn sóng và tránh sạt lở. Một số căn nhà nằm ở mép sông Tiền luôn trong tình trạng có thể thể bị nhấn chìm bất kì lúc nào.
Sau sự việc của Công ty Trung Hậu 68, tỉnh An Giang cũng ra quyết định thu hồi 7 giấy phép gia hạn khai thác các mỏ cát trên địa bàn tỉnh, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Việc này cũng đã khiến nguồn cát cung ứng cho các công trình trọng điểm tại khu vực ĐBSCL rơi vào tình trạng khan hiếm, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép; Không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông; Không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
"Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép, bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí, có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý...”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Thanh Tùng