Thứ năm, 25/04/2024 16:49 (GMT+7)
Thứ hai, 23/08/2021 16:06 (GMT+7)

Bộ TN&MT: Cấp thiết đẩy lùi ‘ô nhiễm trắng’

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ TN&MT, tình trạng rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia ven biển.

70% rác thải nhựa chìm xuống biển sẽ phá hủy hệ sinh thái

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, bởi những ảnh hưởng tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.

Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam nhận định, với lượng rác thải nhựa 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm.

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT vừa công bố cho biết, tình trạng rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia ven biển.

Bộ TN&MT: Cấp thiết đẩy lùi ‘ô nhiễm trắng’ - Ảnh 1
Ước tính khoảng 80% chất thải nhựa đại dương hằng năm có nguồn gốc từ đất liền. (Ảnh minh họa)

Ước tính hơn 80% chất thải nhựa đại dương hằng năm có nguồn gốc từ đất liền, trong đó đóng góp chính là rác thải nhựa có kích thước lớn, bao gồm các vật dụng hàng ngày như vỏ chai, đồ uống và các loại bao bì đóng gói khác; bên cạnh đó là vi nhựa. Phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển, trong đó chủ yếu là từ hoạt động khai thác thủy sản ví dụ như ngư cụ bị thất lạc hoặc thải bỏ.

Chất thải nhựa đại dương trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi có số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Ước tính, mỗi km2 mặt nước đại dương thế giới hiện nay chứa từ 13.000 tới 18.000 mẩu rác thải nhựa. 70% rác thải nhựa ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển.

Thực tế, trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng.

Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế, đời sống, sinh kế cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với hệ sinh thái biển.

Đáng quan ngại, tại Việt Nam hiện nay rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để quản lý, thu gom và xử lý trong tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển do rác thải nhựa đại dương ngày càng nghiêm trọng.

Báo cáo môi trường hiện trạng môi trường biển của Bộ TN&MT cũng chỉ rõ, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Đáng lo ngại, trong rác thải nhựa, loại chiếm tỉ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ, tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại rác thải nhựa dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi ny lông.

Các bãi có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư như bãi Cửa sông Cái, bãi Vĩnh Hòa – Nha Trang hoặc tập trung nhiều hoạt động du lịch như bãi Tây, bãi Hang Câu trên và Hang Câu dưới – Lý Sơn, Hòn Mun – Nha Trang. Đáng chú ý, tại khu vực đảo xa bờ, ít hoạt động du lịch như Côn Đảo, Hòn Cau, Bái Tử Long cũng bị ô nhiễm rác thải nhựa với số lượng và khối lượng rác cao hơn so với các bãi nằm trên đất liền (Ninh Thuận, Quảng Trị) hoặc đảo ven bờ (Cát Bà, Cù Lao Chàm).

Chung tay đẩy lùi “ô nhiễm trắng”

Rác thải nhựa đại dương hiện đang là vấn nạn toàn cầu, là thách thức môi trường lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Tổng cục Thủy sản sẽ đồng hành cùng với ngư dân, tuyên truyền trên 28 tỉnh, thành ven biển, để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay vì một nghề cá phát triển bền vững.

Bộ TN&MT: Cấp thiết đẩy lùi ‘ô nhiễm trắng’ - Ảnh 2
Việt Nam đang hành động để đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, chung tay vì một nghề cá phát triển bền vững. (Ảnh: Zingnews)

TS Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Có thể kể đến như: Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương”. Theo đó, mục tiêu đề ra là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lượng rác thải nhựa đại dương có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040

Theo nghiên cứu của tổ chức The Pew Charitable Trusts và SYSTEMIQ đến năm 2040, lượng rác thải nhựa tồn tại trong đại dương sẽ lên đến 600 triệu tấn.

Lượng nhựa sản xuất hằng năm tăng nhanh kể từ khi tổng sản lượng nhựa toàn cầu đạt 2 triệu tấn năm 1950, cho đến năm 2017 đã lên tới 348 triệu tấn, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2040. Nếu con người không có những giải pháp kịp thời để hạn chế hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhựa, lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần, từ 11 triệu tấn mỗi năm lên 29 triệu tấn/năm trong 20 năm tới.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ TN&MT: Cấp thiết đẩy lùi ‘ô nhiễm trắng’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.