Thứ tư, 08/05/2024 10:04 (GMT+7)
Thứ năm, 08/09/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/9

Theo dõi KTMT trên

Hơn 3.600 học sinh ở Đồng Nai nghỉ học do nước lũ dâng cao; Công ty CP Dệt lưới Sài Gòn bị xử phạt 300 triệu đồng vì xả thải; Ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng do nắng nóng và cháy rừng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 8/9.

Hơn 3.600 học sinh ở Đồng Nai nghỉ học do nước lũ dâng cao

Ngày 8/9, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, do ảnh hưởng của nước lũ dâng cao nên toàn bộ học sinh Trường Trung học cơ sở Phước Tân 1, phường Phước Tân đã được cho nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Trước đó, ngày 7/9, nước từ thượng nguồn sông Buông dâng cao khiến nhiều nơi trên địa bàn phường Phước Tân bị ngập nặng, trong đó có Trường trung học cơ sở Phước Tân 1.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/9 - Ảnh 1
Hơn 3.600 học sinh ở Đồng Nai nghỉ học do nước lũ dâng cao.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh, từ chiều 7/9, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học. Trong ngày 8/9, toàn bộ hơn 3.600 học sinh các khối của Trường Trung học cơ sở Phước Tân 1 tiếp tục được cho nghỉ học để thực hiện dọn dẹp, tổng vệ sinh sau khi nước rút. Dự kiến, ngày 9/9, học sinh sẽ quay lại trường học bình thường.

Đại diện UBND phường Phước Tân cho biết, qua thống kê bước đầu trên địa bàn có hơn 1.100 nhà dân bị ngập trong ngày 7/9. Trong đó, khoảng 100 hộ bị ngập từ 1m đến 1,2m, 3 công ty và 6 dãy phòng trọ bị ngập nặng.

Nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị nước cuốn trôi và hư hỏng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời nhiều tài sản lên nơi an toàn.

Đến sáng 8/9, nước tại các khu vực ngập đã rút, cuộc sống của người dân đã dần trở lại bình thường.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên hôm nay (8/9), khu vực ven biển, đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa to đến rất to và dông. Nhiều nơi mưa trên 100mm như Cao Răm (tỉnh Hòa Bình) 264mm, Yên Lương (tỉnh Phú Thọ) 125mm, Hợp Tiến (TP.Hà Nội) 209mm, Hải Triều (tỉnh Hưng Yên) 105mm, Ba Sao (tỉnh Hà Nam) 101mm, Tân Bình (tỉnh Thanh Hóa) 126mm, Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) 113mm.

Dự báo từ chiều tối nay (8/9) đến đêm 9/9, khu vực ven biển, đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Các khu vực khác của Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.

Thủ đô Hà Nội từ chiều tối nay (8/9) đến đêm 9/9 có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Do mưa lớn kéo dài, dự báo từ nay (8/9) đến ngày 10/9, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông từ Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-4m, hạ lưu từ 1-2m. Các sông suối nhỏ ở Bắc Bộ từ 2-4m.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, đợt mưa diện rộng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/9, sau mưa giảm dần. Riêng khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ, trong các ngày từ 11-13/9, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió nên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.

Công ty CP Dệt lưới Sài Gòn bị xử phạt 300 triệu đồng vì xả thải

UBND quận 4, TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 300 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Dệt lưới Sài Gòn (mã chứng khoán SFN) vì đã thực hiện hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 921/QĐ-UBND-XPHC ngày 24/08/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 4 đã xác định Công ty Cổ phần Dệt lưới Sài Gòn (trụ sở chính tại 89 Nguyễn Khoái, P1, Q4, TP.HCM) do ông Lê Hữu Phước là người đại diện pháp luật đã thực hiện hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ký thuật từ 05 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10m3/ngày đến dưới 20m3/ngày.

Cụ thể, nội dung quyết định xử phạt nêu rõ: Chỉ tiêu amoni = 84,1mg/l (nông độ tối đa cho phép là 18,8mg/l) vượt 7,79 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, được quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/9 - Ảnh 2
Xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Dệt lưới Sài Gòn với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Đồng thời, Công ty Cổ phần Dệt lưới Sài Gòn còn bị phạt tăng thêm 30% của mức phạt tiền cao nhất đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 đến dưới 5 lần, đối với chỉ tiêu Coliform=17.000 vi khuẩn/100ml (nồng độ cho phép là 5400 vi khuẩn/100ml) vượt 3,15 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT.

Ngoài ra, căn cứ vào quy định, ngành chức năng còn phạt tăng thêm 20% của mức phạt tiền cao nhất đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 03 lần, đối với chỉ tiêu BOD5=132mg/l (nồng độ cho phép là 54mg/l), vượt 2,44 lần; đối với chỉ tiêu COD=278mg/l (nông độ cho phép là 162mg/l) vượt 1,72 lần; đối với chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng=270mg/l (nồng độ cho phép là 108mg/l) vượt 2,44 lần;  đối với chỉ tiêu nitơ=88,06mg/l (nồng độ cho phép là 43,2mg/l) vượt 2,95 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, tất cả được quy định tại điểm a khoản 13 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/05/2021 của Chính phủ.

Thanh Hóa: Khai thác cát trái phép, Công ty Quỳnh Phương bị xử phạt hơn 400 triệu đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 400 triệu đồng đối với Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn, địa chỉ tại Khu 5, TT. Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) về hành vi Khai thác cát, sỏi ngoài hành lang bảo vệ luồng, phạm vi luồng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tịch thu phương tiện vi phạm.

Trước đó, Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp quyền khai thác thời hạn 03 năm từ ngày 15/01/2018 đến 15/01/2021 tại mỏ cát trên sông Lò, ở bản Bon (Km39), xã Sơn Lư (nay là thị trấn Sơn Lư), huyện Quan Sơn. 

Hiện mỏ cát này đã hết hạn quyền khai thác nhưng trong năm 2021 Công ty Quỳnh Phương vẫn lợi dụng để khai thác cát trái phép trên sông Lò, đoạn chảy qua bản Bon (Km39), TT Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022, Công ty Quỳnh Phương đã khai thác trái phép khoảng 320 m3 cát, sỏi. Với hành vi vi phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định xử phạt số 2379/QĐ-XPHC, đồng thời tịch thu phương tiện vi phạm là máy xúc và toàn bộ khoáng sản được quy đổi thành tiền đối với Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn. Tổng số tiền phạt là 404.880.000 đồng.

Ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng do nắng nóng và cháy rừng

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố một báo cáo cho thấy, sự gia tăng tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng sẽ không chỉ làm gia tăng các vụ cháy rừng trong thế kỷ này mà còn làm chất lượng không khí xấu đi - gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Ảnh hưởng của khói lửa cháy rừng năm ngoái đã làm tăng thêm các đợt nắng nóng của năm nay. Trong khi đó, ông Taalas chỉ ra các đợt nắng nóng ở châu Âu và Trung Quốc trong năm nay đã làm gia tăng ô nhiễm.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/9 - Ảnh 3
Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than làm gia tăng ô nhiễm không khí ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. (Ảnh: ADB)

Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về khí hậu - chủ yếu là châu Á - là nơi sinh sống của khoảng 1/4 dân số thế giới. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm ôzôn, dẫn đến những tác động xấu đến sức khỏe của hàng trăm triệu người.

Ngoài báo cáo về tình trạng chất lượng không khí và mối liên hệ chặt chẽ của nó với biến đổi khí hậu, Bản tin đã chỉ ra một loạt các kết quả chất lượng không khí có thể xảy ra trong các kịch bản phát thải khí nhà kính cao và thấp. Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cũng đưa ra các kịch bản về diễn biến của chất lượng không khí khi nhiệt độ tăng trong suốt thế kỷ này.

Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn ở mức cao, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C so với mức tiền công nghiệp vào nửa sau của thế kỷ 21, mức độ ôzôn bề mặt dự kiến ​​sẽ tăng lên ở các khu vực bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là ở châu Á. Trong đó, Pakistan, miền Bắc Ấn Độ và Bangladesh tăng 20% và phía Đông Trung Quốc tăng 10%.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 8/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới