Thứ tư, 24/04/2024 05:15 (GMT+7)
Thứ năm, 29/12/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/12

Theo dõi KTMT trên

Lại xảy ra động đất mạnh 4.0 độ richter ở Hòa Bình; Miền Bắc chuyển sang rét khô dài ngày; NABU công bố sự kiện bị coi là thảm hoạ môi trường của năm... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Lại xảy ra động đất mạnh 4.0 độ richter ở Hòa Bình

Vào lúc 14 giờ 52 phút 14 giây (giờ Hà Nội) chiều nay (29/12), một trận động đất có độ lớn 4.0 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 20.858 độ Vĩ Bắc - 105.100 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.

Động đất được xác định xảy ra tại khu vực huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình). Trận động đất gây rung chấn nhẹ cho Hòa Bình và khu vực xung quanh.

Hiện, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Được biết, đây là lần thứ 2 khu vực này xảy ra động đất trong tháng 12/2022. Trước đó, vào 15 giờ 8 phút 19 giây, ngày 14/12, tại tọa độ 20.861 độ Vĩ Bắc - 105.112 độ Kinh Đông, thuộc huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3.9 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 12km. Trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/12 - Ảnh 1
Vào lúc 14 giờ 52 phút 14 giây (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 4.0 richter xảy ra tại Hòa Bình, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định tại Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.

Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

UBND các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực. Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn. UBND các cấp cần phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích.

Đồng thời, chính quyền các cấp tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền. Từ đó, đưa ra chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Miền Bắc chuyển sang rét khô dài ngày

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đêm qua và sáng nay (29/12), khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên đã có mưa, mưa rào và có nơi có dông, riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to.

Lượng mưa tính từ 19h ngày 28/12 đến 15h chiều nay (29/12) có nơi trên 80mm như Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) 86.4mm, Phong Xuân (Thừa Thiên Huế) 145.2mm, Bà Nà (Đà Nẵng) 95.2mm.

Dự báo từ chiều nay đến ngày mai (30/12), khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-100mm, có nơi trên 150mm.

Dự báo từ đêm ngày 30/12, mưa lớn giảm dần. Tuy nhiên, từ đêm 31/12, các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác. Từ ngày 1-8/1/2023, khu vực này xuất hiện mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Tại các tỉnh miền Bắc đêm nay và ngày mai tiếp tục chìm sâu trong đợt không khí lạnh tăng cường, trời tiếp tục rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 10-13 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ.

Đêm nay và ngày mai, khu vực Bắc Trung Bộ trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 11-14 độ, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ.

Dự báo từ 31/12, miền Bắc chuyển sang rét khô, ban đêm trời vẫn rét buốt với nhiệt độ thấp nhất phổ biến ở vùng đồng bằng từ 11-14 độ, vùng núi 5-8 độ, vùng núi cao dưới 5 độ. Tuy nhiên, ban ngày trời hửng nắng, ấm áp hơn, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 20-22 độ.

Cộng đồng sống nhờ rừng ở Bắc Trung Bộ sẽ hưởng lợi 50 triệu đồng/năm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, định mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.

Nghị định nêu rõ, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) ký kết vào ngày 22/10/2020.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/12 - Ảnh 2
Cộng đồng sống nhờ rừng ở Bắc Trung Bộ sẽ hưởng lợi 50 triệu đồng/năm.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên (hay còn gọi là chuyển nhượng kết quả giảm phát thải) cho Quỹ Đối tác cacbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Lượng giảm phát thải ký kết là 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có).

Theo nguyên tắc, việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải được xác định theo thỏa thuận trong ERPA. Kết quả giảm phát thải đã được chuyển nhượng theo ERPA thì không được chuyển nhượng cho đối tác khác.

Ngân hàng IBRD sẽ chuyển giao lại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ “Hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất ròng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh” theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam sẽ tiếp nhận nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Quỹ cấp tỉnh tiếp tục điều phối và thực hiện chi trả cho đối tượng hưởng lợi.

Quảng Nam: Khắc phục sự cố cầu Sông Vầu bị sụt lún

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn số 8716/UBND-KTN về việc khắc phục sự cố cầu Sông Vầu tại Km0+500, tuyến ĐH1.ĐG (xã Ba - xã Tư), huyện Đông Giang.

Theo đó, thống nhất chủ trương hỗ trợ cho huyện Đông Giang 90% tổng mức đầu tư (nhưng không vượt quá 22,5 tỷ) từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh để xây dựng lại cầu Sông Vầu tại Km0+500, tuyến ĐH1.ĐG (xã Ba - xã Tư), huyện Đông Giang do cầu cũ đã xây dựng từ lâu, bị hư hỏng bởi đợt thiên tai ngày 1/11/2022 nên không thể khắc phục được.

Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp vào phương án phân bổ nguồn tăng thu còn lại năm 2022, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xin ý kiến thống nhất của cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện.

UBND huyện Đông Giang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để sớm triển khai đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời, có trách nhiệm xây dựng đường tạm đảm bảo an toàn trong khi chưa hoàn thành xây dựng cầu Sông Vầu mới.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện Đông Giang thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng cầu Sông Vầu mới theo đúng quy định và xây dựng đường tạm đảm bảo an toàn phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân khi chưa xây dựng hoàn thành cầu Sông Vầu mới.

NABU công bố sự kiện bị coi là thảm hoạ môi trường của năm

Hiện tượng cá chết hàng loạt dọc sông Oder chảy qua Ba Lan và Đức đã nhận một giải thưởng không ai mong muốn, mang tên "Khủng long của năm" 2022, do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (NABU) trao.

Tình trạng cá chết hàng loạt ở sông Oder, đoạn gần thị trấn Olawa của Ba Lan, bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng Bảy vừa qua. Khoảng 2 tuần sau đó, khu vực hạ lưu sông Oder ở Đức cũng ghi nhận tình trạng cá chết bất thường. Cho đến nay, hàng tấn cá chết đã được vớt khỏi sông.

Theo báo cáo của giới chuyên gia Đức, hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Oder là do sự phát triển của loài tảo độc nước lợ khi nước sông đột ngột tăng độ mặn.

NABU, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Đức, cảnh báo nhiều con sông và dòng chảy tự nhiên ở Đức đang trong tình trạng sinh thái kém.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/12 - Ảnh 3
Cá chết nổi ở vùng nước nông của sông Oder ở biên giới Đức-Ba Lan. (Nguồn: DPA)

Chủ tịch NABU Joerg-Andreas Krueger cho rằng các con sông và dòng chảy đang bị ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái tạo sông Oder để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu và ngăn chặn thiệt hại đối với hệ sinh thái.

Tháng 10 vừa qua, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng (BMUV) Đức cho biết chỉ có 10% số sông, hồ và vùng nước ven biển của nước này được ghi nhận sinh thái tốt.

Khoảng 20% số nguồn nước ngầm ở Đức được chứng minh là có hàm lượng nitrat quá cao. Mặc dù tình trạng ô nhiễm hóa chất trong nước ngầm đã giảm nhẹ, nhưng vẫn còn "những thách thức lớn".

Kể từ năm 1993, NABU trao giải "Khủng long của năm" cho những nhân vật của công chúng, hoặc những dự án thể hiện thiếu cam kết đối với bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.