Thứ sáu, 29/03/2024 22:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/09/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/9

Theo dõi KTMT trên

Biển Đông sắp hứng cơn bão số 4 trong năm; Xử lý hơn 16 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại Tiền Giang; Lũ quét tại vùng bờ Đông Australia... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Đông sắp hứng cơn bão số 4 trong năm, nhiều vùng có mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, một vùng thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines vào chiều 22/9 sẽ mạnh thành bão và đi vào Biển Đông trong vài ngày tới.

Ngày 23/9, áp thấp nhiệt đới có vị trí ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 132,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu – Dông (Philippin) khoảng 1200km về phía Đông, cường độ cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi về phía Tây và có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất trên 80%. Đến khoảng tối và đêm 25/9, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông, gây ra gió mạnh, sóng lớn và mưa to cho khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), sau đó bão còn có khả năng tiếp tục di chuyển nhanh về phía Tây, hướng về phía đất liền nước ta.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/9 - Ảnh 1
Vùng thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines vào chiều 22/9 sẽ mạnh thành bão và đi vào Biển Đông trong vài ngày tới.

Cơ quan khí tượng dự báo, miền Trung khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này. Tuy nhiên vẫn còn quá xa để nhận định về mức độ ảnh hưởng của gió, mưa, do đó, người dân cần theo dõi thường xuyên trên phương tiện truyền thông của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Cảnh báo mưa lớn từ Thừa Thiên Huế, đồng bằng Bắc Bộ, mưa dông và mưa lớn cục bộ, lốc sét, gió giật mạnh ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hiện nay (23/9) ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 00h đến 08h ngày 23/9 có nơi trên 50mm như: Nam Thịnh (tỉnh Thái Bình) 137mm, Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) 89mm, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) 56mm…

Dự báo từ ngày 23/9 đến sáng ngày 25/9, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 200-350mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.

Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt trượt kè Miếu Cụ

Ngày 23/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt trượt kè Miếu Cụ, đoạn K18+624 đến K19+104 đê tả Thương thuộc xã Xuân Phú (Yên Dũng).

Trong các năm 2018 và 2021, kè Miếu Cụ liên tục xảy ra hiện tượng sạt trượt tại nhiều vị trí khác nhau. Cụ thể, vị trí 1 tại khu vực K18+820 có chiều dài cung sạt 2,5 m, cung sạt ăn sâu vào phần đất đắp dưới chân kè 1 m và cách chân kè 1,8 m. Cao trình đỉnh cung sạt thấp hơn chân kè 0,5 m, cung sạt trượt sâu xuống từ 0,2 - 1,0 m.

Vị trí 2 cách vị trí 1 là 10 m về phía hạ lưu, chiều dài cung sạt 10 m, cung sạt ăn sâu vào phần đất đắp dưới chân kè 0,8 m và cách chân kè 2,1 m; cao trình đỉnh cung sạt thấp hơn chân kè 0,5 m, cung sạt trượt sâu xuống từ 0,3 - 1 m.

Để ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Dũng cắm biển cảnh báo các khu vực sạt trượt mái, chân kè; tổ chức phát quang, cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt. Cử lực lượng theo dõi sự cố, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động xử lý khi diễn biến sự cố tiếp tục diễn biến uy hiếp đến an toàn đê.

Cùng với công bố tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt trượt kè Miếu Cụ đoạn K18+624 đến K19+104 đê tả Thương, huyện Yên Dũng. Theo đó, giao Chi cục Thủy lợi quản lý, thực hiện khắc phục tình trạng sạt lở bằng giải pháp kè hộ chân, lát mái trong hệ khung dầm bê tông cốt thép (phạm vi xử lý sẽ được xác định chính xác sau khi có tài liệu khảo sát). Tổng kinh phí dự kiến đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn xử lý cấp bách sự cố đê điều năm 2022; thời gian hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022.

Tiền Giang: Xử lý hơn 16 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại Cai Lậy

Đặt mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã liên tục tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nông dân.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay, trong hệ thống các biện pháp bảo vệ thực vật việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, đôi khi còn là yếu tố quyết định trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều hệ lụy cho sản xuất, môi trường, môi sinh, sức khỏe cộng đồng do mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/9 - Ảnh 2
Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy.

Nhằm khuyến khích nông dân trên địa bàn tham gia vào hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường, chung tay hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững lâu dài, từ đầu năm 2022 cho đến nay, riêng huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tổ chức nhiều đợt thu gom, xử lý hơn 16 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đa dạng các loại.

Theo đó, trên toàn địa bàn huyện Cai Lậy đã xây dựng được hơn 1.230 bể dùng để chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Bên cạnh đó, tích cực vận động nông dân thu gom, xử lý đúng quy định, hạn chế tình trạng vứt bừa bãi ra khu vực vườn nhà, ruộng và xuống hồ, kênh, rạch.

Trung Quốc phát cảnh báo đỏ ở hồ lớn nhất nước này

Chính quyền tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) ngày 23/9 lần đầu phải ra cảnh báo đỏ về nguồn cung nước sau khi mực nước ở hồ Bà Dương - hồ lớn nhất Trung Quốc - chạm mức thấp kỷ lục.

Hồ Bà Dương đã phải đối mặt với hạn hán kể từ tháng 6, Reuters cho biết. Ở một trạm quan trắc chính, mức nước đã giảm từ 19,43 m xuống còn 7,1 m trong ba tháng qua.

Theo giới chức Giang Tây, mực nước hồ Bà Dương - nơi cũng là một nguồn cung cấp nước cho sông Trường Giang - sẽ còn tiếp tục giảm trong những ngày tới khi lượng mưa ở mức thấp. Lượng mưa trong tháng 7 năm nay chỉ bằng 60% năm 2021.

Lưu vực sông Trường Giang đang phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng thủy điện lẫn mùa màng. Hồi cuối tháng 8, tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh phải đối mặt với tình trạng hạn hán và nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ ở một số khu vực lên tới 45 độ C.

Nhiều nhà máy ở hai tỉnh trên đã phải đóng cửa do tình trạng thiếu điện, trong khi người dân cũng phải chịu cảnh cắt điện luân phiên.

Giờ đây, khi khu vực Tây Nam Trung Quốc đã có mưa trở lại, khu vực miền Trung nước này vẫn tiếp tục chịu cảnh khô hạn. Tại Giang Tây, đợt hạn kéo dài hơn 70 ngày, theo Reuters. Trong khi đó, 10 hồ chứa ở tỉnh An Huy đã xuống dưới “mực nước chết” và không còn có khả năng đưa nước xuống hạ nguồn, cơ quan thủy lợi địa phương cho biết.

Theo cơ quan khí tượng Trung Quốc, tình trạng hạn hán sẽ còn tiếp tục ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Trường Giang trong thời gian tới.

Lũ quét tại vùng bờ Đông Australia

Ngày 22/9, lũ quét xảy ra tại các bang Queensland và New South Wales (NSW) của Australia khiến nhà chức trách phải ban bố cảnh báo thời tiết và tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Tại bang NSW, lũ quét xảy ra sau khi mưa lớn trút xuống khu vực phía Bắc của bang này trong đêm với lượng mưa hơn 200mm. Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp bang NSW (SES) đang tiến hành công tác tìm kiếm, cứu nạn tại đây. Kể từ sáng 22/9, SES đã thực hiện 14 cuộc tìm kiếm, cứu nạn và nhận được hơn 190 cuộc gọi xin cứu trợ.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/9 - Ảnh 3
Cơ quan khí tượng (BOM) đã ban bố nhiều cảnh báo lũ trên khắp khu vực Đông Nam của bang Queensland.

Trong một thông báo, SES cho biết nhiều người bị mắc kẹt trong ô tô phải gọi xin cứu trợ. Cơ quan này khuyến cáo mọi người thận trọng khi đi qua các tuyến đường bị ngập lụt. SES đang chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra, như triển khai nhân viên và phương tiện đến các khu vực Port Macquarie và Lismore. Lực lượng tại các địa phương cũng được bố trí sẵn sàng để hỗ trợ các cộng đồng.

Trong khi đó tại bang Queensland, nhiều khu vực thuộc thành phố Gold Coast ghi nhận lượng mưa hơn 300mm. Cơ quan khí tượng (BOM) đã ban bố nhiều cảnh báo lũ trên khắp khu vực Đông Nam của bang này. Mưa lớn khiến nhiều người tại một khu cắm trại ở khu vực Helensvale gần Gold Coast phải sơ tán vào nửa đêm.

Đến sáng 23/9, mưa có dấu hiệu giảm. BOM đã bãi bỏ cảnh báo thời tiết khắc nghiệt, song vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.