Thứ sáu, 27/12/2024 11:09 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 16/9

Theo dõi KTMT trên

Thừa Thiên – Huế: Tiêu hủy hàng ngàn dụng cụ bẫy chim hoang dã; Tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng; Số vụ phá rừng gia tăng trên toàn thế giới... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 16/9.

Thừa Thiên – Huế: Tiêu hủy hàng ngàn dụng cụ bẫy chim hoang dã

Lực lượng kiểm lâm, công an tại một số địa phương của huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã ra quân thu gom và tiêu hủy các dụng cụ bẫy như phao xốp, que dính nhựa, nhằm cứu các loài chim hoang dã thoát nạn “tận diệt”.

Tại huyện Phú Lộc, nạn tận diệt chim trời đã tồn tại nhiều năm, đến mức nhiều người xem đó là cái nghề để kiếm sống. Nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp để xử lý, nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt chim trời nhằm giữ gìn môi sinh, trả lại cân bằng sinh thái trong tự nhiên

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 16/9 - Ảnh 1
Thừa Thiên – Huế tiêu hủy các dụng cụ bẫy như phao xốp, que dính nhựa, nhằm cứu các loài chim hoang dã thoát nạn “tận diệt”.

Thượng tá Đoàn Minh Hải, Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho biết, để ngăn chặn vấn nạn này, công an huyện đã yêu cầu công an các xã, thị trấn tăng cường tham mưu cho chính quyền tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc bảo vệ các loài chim di cư. Đồng thời, ra quân xử lý nghiêm tình trạng săn bắt chim trời tại các địa phương

Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật mức phạt từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng…

Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, lực lượng kiểm lâm địa bàn sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép; triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền người dân không săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã...

Mưa lớn trong nhiều giờ tại Hà Giang làm hàng chục ngôi nhà bị đổ sập

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì có hai người tại thôn Khu Chợ, xã Thông Nguyên bị thương do đất đá sạt lở làm đổ nhà. Hai nạn nhân đã được người dân đưa đến Phòng khám Đa khoa xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì chăm sóc, hiện sức khỏe đang dần hồi phục.

Tại các huyện Quang Bình, Yên Minh, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, mưa lớn đã làm 12 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn; hơn 20 ngôi nhà bị ngập, gần 40 ngôi nhà bị đổ tường, sạt lở. Hàng trăm ha hoa màu, chủ yếu là diện tích lúa, ngô, lạc tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình bị ngập úng, gãy đổ. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị đất đá sạt lở với khối lượng hàng nghìn mét khối, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Mưa lớn trong nhiều giờ đã khiến trôi, sập hai cây cầu ở huyện Quang Bình. Một ngôi trường ở xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì bị thiệt hại nặng. Mưa lớn khiến trôi hai xưởng sản xuất chè của nhân dân ở huyện Quang Bình. Ngoài ra, hàng chục m3 đất đá taluy dương ở Đài hương 468 tại thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên bị sạt lở.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, dự báo trong chiều và tối 16/9, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Hà Giang tiếp tục có mưa, có nơi mưa to đến rất to, nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lũ xảy ra rất cao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương vận động người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và xử lý thông tin kịp thời; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để xử lý kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

Tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng

Sáng 16/9, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Góp ý cho dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng tại Việt Nam”. Thông tư mới sẽ thay thế Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (Thông tư 27) nhằm tăng cường kiểm soát của chuỗi cung, bao gồm gỗ rừng trồng.

Việt Nam hiện có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng và con số này bao gồm trên 1 triệu ha rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hằng năm, diện tích đó đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn. Nguồn gỗ này chiếm phần lớn nguồn cung gỗ đầu vào cho các doanh nghiệp trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ nội địa, xuất khẩu gỗ dăm, viên nén và ván ép, ván bóc.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 16/9 - Ảnh 2
Toàn cảnh hội thảo “Góp ý cho dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng tại Việt Nam”.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 27, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Nhìn chung, thông tư này đi theo hướng đưa ra các quy định thông thoáng về chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm từ khâu khai thác tới khâu cuối cùng của chuỗi.

Tuy nhiên, tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trong chuỗi cung không chỉ ràng buộc bởi Thông tư 27 mà còn phụ thuộc vào khâu trung gian tham gia chuỗi cung thực hiện các nghĩa vụ pháp lý ra sao. Đặc biệt là các trách nhiệm về thuế được quy định trong các thông tư của Bộ Tài chính, nhất là Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với hộ kinh doanh.

Để giải quyết vướng mắc, Tổng cục Lâm nghiệp đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đồng thời, xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, mục tiêu hàng đầu của thông tư mới là tạo sự thông thoáng cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Bên cạnh đó, Thông tư mới cần đảm bảo hài hòa với các quy định của quốc tế.

Rác thải sinh hoạt ùn ứ giữa TP.Cần Thơ

Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, rác thải sinh hoạt thường xuyên bị ùn ứ trên nhiều tuyến đường, trong các con hẻm trên địa bàn quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Không chỉ gây mất mỹ quan, mà những đống rác thải còn phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Tình trạng ùn ứ bắt đầu từ khi Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ trúng thầu thu gom rác trên địa bàn quận vào ngày 1/9/2022. Mỗi ngày, trên địa bàn quận Bình Thủy phát sinh từ 90 - 95 tấn rác thải sinh hoạt.

Bến Tre cần kinh phí hỗ trợ khẩn cấp chống sạt lở đê biển

Bờ biển khu vực huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, do thay đổi dòng chảy, sóng đập mạnh ảnh hưởng bởi gió chướng (gió mùa đông nam), đã gây xói lở nghiêm trọng, đe dọa an toàn cho đê biển vốn từng bị sạt lở trong nhiều năm qua, cũng như tính mạng và cuộc sống người dân vùng biển…

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, dân sinh của người dân. Cụ thể, sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 114,5 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc ba huyện ven biển.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 16/9 - Ảnh 3
Sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, dân sinh của người dân.

Các năm 2019 và 2020, tỉnh Bến Tre đã ban hành các quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và thành phố Bến Tre, gồm 4 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 6,9 km; tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam với chiều dài sạt lở gần 3 km…

Đến nay, trong 65 km bờ biển, Bến Tre đã triển khai đầu tư xây dựng năm dự án khắc phục tình trạng xói lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 4,5 km, tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng.

Riêng tại huyện Ba Tri, năm nay do chịu tác động mạnh của sự thay đổi dòng chảy, cùng với gió mùa đông nam hoạt động mạnh, sóng biển đập mạnh, nhiều khu vực bờ biển bị sạt lở, xói mòn nghiêm trọng.

Đơn cử trường hợp ở ven bãi biển cồn Nhàn (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri) hiện đang là tâm điểm của xói lở, nhiều hộ dân phải mất nhà, mất đất và đến nơi khác ở, hiện chỉ còn duy nhất một gia đình còn bám trụ lại dù đã bị thủy triều cuốn trôi mất khoảng 1 ha đất xuống biển, còn lại khoảng 0,1 ha đất (một công đất) để tạm cư trong cảnh lo sợ có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Nhiều quốc gia ghi nhận số vụ phá rừng gia tăng

Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, sự tàn phá rừng kinh hoàng đang xảy ra không chỉ trên khắp Amazon, mà còn ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Indonesia.

Theo các nhà nghiên cứu, có khoảng 3.264 km2 rừng nhiệt đới đã bị mất do khai thác từ năm 2000 đến 2019, lớn hơn diện tích của Vườn quốc gia Yosemite (Mỹ).

Ngoài ra, 4/5 vụ phá rừng này chỉ xảy ra ở 4 quốc gia: Indonesia, Brazil, Ghana và Suriname. Trong đó, Indonesia xếp vị trí đầu tiên, chịu trách nhiệm cho 58,2% số vụ phá rừng nhiệt đới do việc mở rộng các mỏ công nghiệp.

Dữ liệu nghiên cứu bao gồm 26 quốc gia khác nhau, chiếm 76,7% tổng số vụ phá rừng nhiệt đới liên quan đến khai thác mỏ xảy ra từ năm 2000 đến năm 2019. Các hoạt động khai thác này bao gồm khai thác than, vàng, quặng sắt và bauxite.

Mức độ phá rừng do khai thác mỏ hiện đang giảm xuống. Mất rừng do khai thác công nghiệp tại Indonesia, Brazil và Ghana đều đã đạt đỉnh từ năm 2010 đến năm 2014, riêng khai thác than vẫn tiếp tục phát triển ở Indonesia.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tại một số nước nhiệt đới, các hoạt động thâm dụng đất khác, như chăn nuôi gia súc hoặc sản xuất dầu cọ và đậu tương, gây ra nạn phá rừng nhiều hơn khai thác.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 16/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới