Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 15/9
Kon Tum: Tiếp tục xảy ra động đất độ lớn 3,8 tại huyện Kon Plông; Miền Bắc sắp đón liên tiếp 2 đợt mưa dông; Hà Nội chấm dứt thực hiện 6 dự án do vi phạm Luật Đất đai... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 15/9.
Kon Tum: Tiếp tục xảy ra động đất độ lớn 3,8 tại huyện Kon Plông
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vào lúc 10 giờ 40 phút 34 giây, ngày 15/9, tại toạ độ 14.855 Vĩ Bắc - 108.283 Kinh Đông, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3,8, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, không gây rủi ro thiên tai.
Kể từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng trăm động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,7.
Chiều 23/8/2022, khu vực này đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4,7, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trận động đất có độ lớn cao thứ hai tại khu vực này xảy ra vào trưa 18/4/2022 với độ lớn là 4,5.
Mới đây, ngày 10/9, khu vực này cũng liên tiếp xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,5; ngày 11/9 xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,4; ngày 13/9 xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 2,6 và 2,8.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết từ tháng 6/2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra.
Ngày 9/9, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn.
Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0.
Viện cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.
Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Hà Nội chấm dứt thực hiện 6 dự án do vi phạm Luật Đất đai
Đây là thông tin từ thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp ngày 8/9/2022 xem xét về việc chấm dứt, dùng thực hiện đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, UBND Thành phố cơ bản thống nhất với báo cáo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Văn bản số 3379/KH&ĐT-ĐT ngày 26/7/2022) chấm dứt, dừng thực hiện đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố, đã được các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện thống nhất tại cuộc họp.
Các dự án chấm dứt thực hiện gồm: Dự án Tòa nhà hỗn hợp dành một phần để bán cho cán bộ chiến sỹ Văn phòng Interpol Việt Nam tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh tại các xã: Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh, huyện Mê Linh; Dự án Khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh; Dự án Khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh; Dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã: Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng, huyện Mê Linh; Dự án Khu đô thị Quang Minh Bắc và Dự án Khu đô thị Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín.
Đối với Dự án Khu đô thị mới Mê Linh – Đại Thịnh và Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 tại các xã: Đại Thịnh, Thanh Lâm và Mê Linh, huyện Mê Linh có phạm vi nghiên cứu khoảng 202,489ha; theo báo cáo không thuộc diện Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND Thành phố.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá xem xét việc báo cáo Thành ủy theo Quy chế làm việc số 05-QC/TU ngày 15/6/2022 của Thành ủy; đồng thời làm việc với Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng để có văn bản thống nhất dừng thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Miền Bắc sắp đón liên tiếp 2 đợt mưa dông
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp vùng hội tụ gió trên cao nên từ đêm 15/9 đến ngày 17/9, khu vực Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên) và khu vực Việt Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng) có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.
Những nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.
Hà Nội từ ngày 16/9 đến ngày 17/9 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm.
Dự báo từ đêm 17/9 mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ giảm dần. Tuy nhiên sau đó, khoảng từ 19/9 đến 21/9, do rãnh áp thấp có trục qua miền Trung hoạt động mạnh dần lên, kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên miền Bắc có mưa rào và dông rải rác, vùng núi cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét và gió giật mạnh.
Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, dự báo từ ngày 20-25/9 cũng có mưa rào và dông rải rác, riêng 23-25/9 cục bộ có mưa to.
Trong khi đó tại khu vực phía Tây các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ, do gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên chiều tối nay tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Dự báo mưa dông ở phía Tây khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone
Ngày 15/9, tại TP.HCM, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trái đất sẽ không có sự sống nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ozone ở tầng bình lưu thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên trái đất. Cũng nhờ có lớp ozone, trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời làm gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, phá hủy cây trồng, hoa màu...
Để bảo vệ tầng ozone, năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ozone trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời trong khuôn khổ Công ước Viên. Sau 35 năm thực hiện Nghị định thư Montreal, sự suy giảm tầng ozone đã được ngăn chặn và đang dần phục hồi, tiếp tục bảo vệ nhân loại khỏi bức xạ cực tím của mặt trời. Hàng triệu người đã được bảo vệ khỏi ung thư da và đục thủy tinh thể, giúp duy trì các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ sự sống trên trái đất và góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính.
Về kết quả thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, ông Hoàng Minh Quân – đại diện Ban Quản lý Dự án HPMPII cho biết, trong thời gian qua, cơ quan chủ quản xem xét, thông qua tài liệu hướng dẫn thực hiện sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động thực hiện. Bên cạnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý dự án, Ngân hàng thế giới, các đơn vị liên quan và các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ khi thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn.
Bão Muifa dự báo đổ bộ lần thứ ba vào Trung Quốc
Sau khi đổ bộ vào Chu Sơn, Chiết Giang vào khoảng 20h30 ngày 14/9, cơn bão số 12 của Trung Quốc trong năm nay với tên gọi quốc tế Muifa, đã đổ bộ tiếp vào bờ biển Phụng Hiền, Thượng Hải vào khoảng 0h30 sáng 15/9 với sức gió tối đa gần tâm bão giật cấp 12.
Theo cơ quan khí tượng thành phố, bão Muifa là cơn bão mạnh nhất khi đổ bộ vào Thượng Hải trong số 10 cơn bão tấn công trực tiếp thành phố này kể từ năm 1949. Khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, bão Muifa đã di chuyển vào tỉnh Giang Tô và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới mạnh. Sáng 15/9, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã hạ cảnh báo bão từ màu đỏ - mức cao nhất, xuống màu vàng – mức thứ 2 trong 4 cấp.
Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan khí tượng nước này, bão Muifa sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 25-30 km/giờ và có thể tiếp tục đổ bộ lần thứ 3 vào bờ biển phía Nam Bán đảo Sơn Đông vào đêm nay.
Trong ngày 14/9, giao thông và các lớp học ở nhiều địa phương của Trung Quốc đã bị đình chỉ, hơn 1,2 triệu người ở Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang, miền Đông nước này đã phải sơ tán sau báo động đỏ - mức cảnh báo bão cao nhất đầu tiên trong năm – được Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc ban bố sáng cùng ngày đối với bão Muifa.
Là cơn bão mạnh nhất trong năm đổ bộ vào Trung Quốc cho đến nay, Muifa có thể gây ra những cơn mưa xối xả và gió giật mạnh, cũng như nước biển dâng cao ở Chiết Giang, Thượng Hải và Giang Tô, do vậy cần giảm thiểu tác động tiêu cực của gió mạnh và mưa bão đối với hoạt động đô thị, vận tải, khai thác thủy sản và các cơ sở nuôi trồng xa bờ, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh.
Tính đến 6 giờ sáng 15/9, khoảng 426.000 người ở Thượng Hải đã được di dời. Ban chỉ huy phòng chống lũ lụt thành phố đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lên cấp II vào lúc 4 giờ chiều 14/9. Gần 838.000 người cũng phải di dời ở Chiết Giang tính đến 10 giờ sáng cùng ngày, theo truyền thông địa phương.
Lan Anh