Thứ sáu, 29/03/2024 17:42 (GMT+7)
Thứ năm, 15/12/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 15/12

Theo dõi KTMT trên

Từ 17/12, miền Bắc chuyển rét sâu, có nơi dưới 0 độ C; Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển ở Quảng Ngãi; 50 doanh nghiệp xi măng tham gia tập huấn kiểm kê khí nhà kính... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

Từ 17/12, miền Bắc chuyển rét sâu, có nơi dưới 0 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, bộ phận không khí lạnh mạnh tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo, khoảng trưa chiều 16/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến một số nơi vùng núi phía Bắc Bắc Bộ, chiều tối đến đêm 16/12 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi thuộc Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3- 4, vùng ven biển cấp 4 - 5.

Từ ngày 17/12, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại; khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trời rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 8 - 11 độ C; khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ phổ biến 3 - 7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 12 - 15 độ C; khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi nhiệt độ từ 16 - 18 độ C.

Cụ thể, ngày và đêm 17/12, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nhiệt độ thấp nhất từ 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ C, nhiệt độ trung bình từ 10 - 13 độ C, vùng núi có cao nơi dưới 10 độ C.

Các nơi khác ở Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 10 - 12 độ C, nhiệt độ trung bình từ 13 - 15 độ C. Bắc Trung Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 11 - 13 độ C, nhiệt độ trung bình từ 14 - 16 độ C.

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm không khí lạnh. Theo đó, từ đêm 16/12 đến đêm 17/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông; từ ngày 18/12 mưa lớn giảm dần.

Từ ngày 17 - 23/12, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trời rét. Vùng núi Bắc Bộ có khả năng xảy ra băng giá, sương muối.

Trên biển: từ chiều tối ngày 16/12, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 4 - 6 m, riêng vịnh Bắc Bộ từ 2 - 4 m; biển động mạnh; khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 5 - 7 m; biển động mạnh.

Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển ở Quảng Ngãi

Chiều 15/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã ban hành Quyết định 1744/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, kết quả kiểm tra hiện trường xác định khu vực sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ có chiều dài khoảng 400m, ăn sâu và xâm thực vào đất liền với nhiều đoạn từ 20m đến 50m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 11 hộ dân (47 khẩu), trong đó có 2 nhà bị sạt lở, ngã đổ hoàn toàn và 9 nhà có nguy cơ tiếp tục ngã đổ và có khoảng 70 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng gián tiếp của vùng sạt lở bờ biển.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 15/12 - Ảnh 1
Quảng Ngãi công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Ngoài ra, tại điểm cuối phía nam của công trình Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (đưa vào sử dụng từ năm 2020), vị trí khung kè số 20 đến 22 bị sập đổ hoàn toàn với chiều dài khoảng 30m; các khung kè còn lại sát khung kè bị sập có nguy cơ sụp lún, hư hỏng tiếp theo do triều cường xâm thực.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng do thiên tai gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, đồng thời đề nghị Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Đức Phổ khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp để ngăn chặn bước đầu nhằm giảm thiểu các thiệt hại.

Tăng cường bảo vệ chim hoang dã, di cư tại Thừa Thiên – Huế

Ngày 15/12, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thông qua dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức hội nghị “Tăng cường thực thi các giải pháp để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua với áp lực từ nhiều phía trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép mà tài nguyên rừng, động vật và chim hoang dã bị suy giảm đáng kể, nguy cơ tuyệt chủng. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị ngày 9/1/2020 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời. Mới đây ngày 4/10/2022, UBND tỉnh cũng ban hành công văn về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

“Việc bảo tồn các khu bảo tồn và sinh cảnh loài gắn với việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh “xanh” cho Thừa Thiên - Huế. Căn cứ vào những giải pháp được thảo luận hôm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành những văn bản chỉ đạo thực thi các giải pháp bảo vệ các loài động vật và chim hoang dã trên địa bàn”, ông Lê Ngọc Tuấn kết luận.

50 doanh nghiệp xi măng tham gia tập huấn kiểm kê khí nhà kính

Trong hai ngày 14- 15/12, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo Tập huấn Kiểm kê và Giảm phát thải Khí nhà kính cho các Doanh nghiệp trong lĩnh vực Xi măng.

Tham dự có đại diện 50 công ty xi măng có tên trong Quyết định 01/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Các cơ sở này có trách nhiệm phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại Nghị định 06 /2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 15/12 - Ảnh 2
50 doanh nghiệp xi măng sẽ tham gia tập huấn kiểm kê khí nhà kính.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngước, đặc biệt nếu các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Dự kiến từ tháng 10/2023, tất cả hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu sẽ chịu cơ chế điều chỉnh carbon mới, và xi măng là một trong những lĩnh vực chịu tác động đầu tiên.

Thông qua hội thảo tập huấn, các doanh nghiệp được cập nhật các quy định và yêu cầu mới đối với doanh nghiệp về giảm phát thải, cách thức kiểm kê khí nhà kính. Ông Tấn cho biết thêm, trước đây, việc kiểm kê thường được thực hiện từ trên xuống, từ nay quy trình kiểm kê sẽ bắt đầu từ doanh nghiệp. Xi măng là lĩnh vực đầu tiên được tổ chức đào tạo tập huấn công tác này, có công cụ kiểm kê cụ thể giúp đồng bộ quá trình thực hiện, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng nhận định, sản xuất xi măng chiếm tới 70% phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và cũng là nguồn phát thải chủ yếu của lĩnh vực xây dựng. Trên cơ sở các văn bản quy định pháp luật hiện hành, tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ giúp các doanh nghiệp xi măng nắm bắt các phương pháp xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, nhằm phục vụ xây dựng báo cáo kiểm kê chung của toàn ngành xây dựng, nhằm đảm bảo hạn mức phát thải.

UNDP hỗ trợ 73 ngôi nhà chống bão, lụt cho người nghèo tại Quảng Bình

Hưởng ứng Ngày vì người nghèo năm nay (31/12/2022), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình và tổ chức World Share vừa bàn giao thêm 73 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho các hộ dân nghèo và cận nghèo. Tổng cộng trong vòng 2 năm qua, ba đơn vị đã xây mới và bàn giao 112 căn nhà an toàn.

Những căn nhà đảm bảo tiêu chuẩn “ba cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) có thể chống chịu nhiều đợt mưa bão. Sàn tránh lụt cao hơn mức ngập lụt cao nhất ở khu vực đó từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà. Mái nhà làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt như ngói hoặc tôn.

Phát biểu tại lễ bàn giao, ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ người dân nghèo của tỉnh giúp bà con ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là chủ động trong phòng, chống thiên tai.

Chia sẻ với khó khăn của người dân tỉnh Quảng Bình, ông Park Hyeon Mo - Tổng Giám đốc tổ chức World Share Hàn Quốc cho biết, sẽ nỗ lực cố gắng để có thể tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều người hơn nữa.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, theo một nghiên cứu về nhu cầu nhà ở có khả năng chống chịu bão lụt mà UNDP thực hiện với Bộ Xây dựng, hơn 110.000 hộ vẫn sống trong tình trạng không có nhà ở an toàn tại 28 tỉnh ven biển, trong đó hơn 1.000 hộ ở 6 huyện ven biển của tỉnh Quảng Bình. Đóng góp này của World Share là hỗ trợ thiết thực giúp tăng cường khả năng chống chịu của các hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương trước các cú sốc biến đổi khí hậu.

Trung Quốc: Nhiều tòa nhà rung lắc do động đất tại Đài Loan

Cơ quan Thời tiết Đài Loan (Trung Quốc) thông báo trận động đất có độ lớn 6,2 đã làm rung chuyển bờ biển phía Đông vùng lãnh thổ này sáng 15/12. Hiện chưa có báo cáo thương vong hay thiệt hại do trận động đất.

Theo cơ quan trên, tâm chấn nằm ở độ sâu 5,7km. Trong khi đó, các nhân chứng cho biết động đất khiến nhiều tòa nhà tại thành phố Đài Bắc rung lắc.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 15/12 - Ảnh 3
Trận động đất có độ lớn 6,2 đã làm rung chuyển bờ biển phía Đông vùng lãnh thổ Trung Quốc trong sáng 15/12. 

Trước đó, Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải - châu Âu (EMSC) thông báo trận động đất xảy ra tại khu vực Hoa Liên sáng 15/12 có độ lớn 6,1. Do nằm gần giao của 2 mảng kiến tạo, nên Đài Loan rất dễ xảy ra động đất. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong trận động đất ở miền Nam Đài Loan năm 2016.

Một trận động đất khác có độ lớn 7,3 xảy ra năm 1999 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 15/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.