TP. HCM: Khẩn trương đầu tư xử lý nước thải nhằm cải tạo môi trường các tuyến kênh rạch
Với quyết tâm cải tạo môi trường kênh rạch trên địa bàn TP. HCM, UBND TP đã và đang tập trung đầu tư nhiều dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng.
Phải nắm rõ thuỷ hệ mới giải quyết được vấn đề
Trên toàn địa bàn TP. HCM hiện có khoảng 2.000km đường sông, kênh, rạch, mang vai trò quan trọng trong công cuộc hỗ trợ thoát nước và cân bằng hệ sinh thái TP.
Trải qua quá trình đô thị hóa trong nhiều năm, số lượng dân cư tăng nhanh, nhiều kênh rạch dần rơi vào trạng thái bị “bức tử”, ô nhiễm trầm trọng, chủ yếu do tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh.
Dù cho đã nhiều lần được cơ quan chính quyền ra sức “cứu”, nhưng những dòng kênh này lại phải đối mặt với vấn nạn muôn thuở : xả thải, từ một bộ phận người dân thiếu ý thức. “Vòng tuần hoàn” khiến nhiều con kênh vẫn luôn tiếp tục ngập trong rác thải, dòng nước đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi...
Lần này, với quyết tâm phải cải tạo lại môi trường kênh rạch trên địa bàn, TP. HCM đã có kế hoạch tập trung đầu tư nhiều dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng.
Trong đó, bàn về kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - TS Phạm Viết Thuận cho biết: Hiện kênh này có hai nhánh chính và chịu hai chế độ chảy khác nhau.
Cụ thể, khi thủy triều lên, nước sẽ chảy từ hướng quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp sang quận 12. Ngược lại, dòng chảy tự nhiên của con kênh này lại theo hướng từ quận 12 về quận Tân Phú và Bình Tân. Vì vậy, muốn giải cứu được con kênh này phải nắm rõ thủy hệ của nó mới đấu nối đưa nước về xử lý hợp lý.
Theo ông Thuận, cần phải tách rời việc xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Tân Bình ra khỏi dự án, bởi việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp hoàn toàn khác: “Nếu cứ để nước thải từ Khu công nghiệp Tân Bình hòa chung vào, sẽ không nhà máy nào có thể xử lý nổi.”
Nhiều dự án trọng điểm về đích
Về dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn một cũng đã được khánh thành năm 2012. Toàn bộ lượng nước thải được gom vào cống bao hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Tuy nhiên, do nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức chưa được xây dựng nên toàn bộ nước thải trên bơm trở lại sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm.
Cống bao này đi chung với hệ thống cống thoát nước mưa, vì vậy một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh khiến kênh chưa thoát khỏi ô nhiễm. Hiện tại nhà máy này vẫn đang thi công, do đó kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè muốn thoát khỏi ô nhiễm phải chờ nhà máy khánh thành hoạt động.
Thông tin về dự án cải tạo kênh tàu Hủ - bến Nghé, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, đây là một dự án cải tạo dài hơi, chia làm nhiều giai đoạn. Tại giai đoạn một đã hoàn tất đưa vào phục vụ người dân từ năm 2011 đến nay. Lúc đó dự án đã giúp cải tạo một phần của tuyến kênh này. Khối công việc của giai đoạn một là tập trung xử lý bao gồm các hạng mục đường ven kênh, cải tạo, nạo vét, kè bờ, làm hệ thống cống bao thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý.
Cũng theo ông Phúc, hiện nay TP đang tiếp tục giai đoạn hai của dự án để khép kín công đoạn xử lý nước thải. Từ đó sẽ giải quyết được toàn diện môi trường tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
Dự án thực hiện bốn mục tiêu chính gồm: tái định cư cho bà con sống vùng ven tuyến kênh; làm các tuyến đường dọc theo kênh bao gồm mảng xanh, bờ kè, đường đi bộ, cảnh quan, chiếu sáng, công viên; chỉnh trang kênh, nạo vét lòng kênh để sau này khai thác du lịch đường thủy và thu gom xử lý nước thải - đây là bước cuối cùng để kênh không còn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt xả thẳng ra kênh, như vậy màu xanh dòng kênh sẽ khôi phục
"Năm sau kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật, chúng tôi sẽ khánh thành Nhà máy nước thải Bình Hưng giai đoạn hai. Hiện nay giai đoạn một nhà máy cho công suất xử lý nước thải là 146.000m3/ngày đêm, còn giai đoạn hai sẽ là 469.000m3/ngày đêm. Khi giai đoạn hai hoàn thành, toàn bộ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đến bến Phú Định nước thải sẽ được thu gom lại, như vậy màu xanh dòng kênh sẽ được trả lại", ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết thêm: "Tiếp theo chúng tôi đã được UBND TP giao chuẩn bị giai đoạn ba của dự án. Khi hoàn thành giai đoạn ba chúng ta sẽ có trọn vẹn lưu vực sông vùng trung tâm TP. HCM, đó là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được xử lý nước thải".
Đồng thời, UBND TP. HCM cũng vừa văn bản gửi các đơn vị liên quan về triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể là dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày sẽ được đầu tư xây dựng. Các dự án này hứa hẹn sẽ xử lý được nước thải cho khu Đông TP.
Mai Anh