Thứ hai, 25/11/2024 05:56 (GMT+7)
Thứ hai, 14/11/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 14/11

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc đón không khí lạnh từ đầu tuần, mưa kéo dài trong nhiều ngày; Bảo vệ loài linh trưởng trước nguy cơ bị tuyệt chủng; Nỗ lực giảm phát thải ở Đông Nam Á... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Bắc đón không khí lạnh từ đầu tuần, mưa kéo dài trong nhiều ngày

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc đang dần suy yếu. Kết hợp với rãnh áp thấp bị nén, hình thái trên gây ra trạng thái sương mù, nhiều mây và âm u ở Đông Bắc Bộ.

Ngày 14-16/11, nhiệt độ ở Đồng bằng Bắc Bộ duy trì ngưỡng cao nhất 30 độ C, thấp nhất 23 độ C. Trong khi miền núi rét về đêm và sáng sớm khi nhiệt độ xuống ngưỡng 17 độ C. Khu vực có mưa rào rải rác, trời âm u.

Hà Nội ngày hôm nay có mưa vài nơi, đêm có mưa rải rác. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-24 độ. Nhiệt độ cao nhất 27-29 độ.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 14/11 - Ảnh 1
Từ đêm nay, do tác động của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên miền Bắc tăng mưa.

Dự báo từ đêm nay, do tác động của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên miền Bắc tăng mưa. Đợt mưa dông này có thể kéo dài đến 19/11, riêng vùng núi cục bộ có mưa to.

Trang Accuweather dự báo Hà Nội duy trì kiểu thời tiết mưa rải rác, âm u và sương mù trong 3 ngày đầu tuần (14-16/11). Sau đó, thời tiết hửng nắng và nền nhiệt tăng nhẹ.

Đến cuối tuần (19-20/11), một đợt không khí lạnh mới tràn xuống chi phối thời tiết thủ đô khiến nhiệt độ giảm xuống mức 20-26 độ C. Hình thái này có thể khiến khu vực tiếp tục mưa dông.

Chuyên gia cho biết các đợt không khí lạnh thời kỳ này chủ yếu gây gió mạnh và sóng lớn trên vịnh Bắc Bộ và bắc Biển Đông. Trên đất liền, hình thái này chủ yếu gây giảm nhiệt về đêm và sáng sớm, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh rõ rệt vào ban ngày.

Theo dự báo, đợt rét đậm đầu tiên tại miền Bắc trong mùa đông năm nay xuất hiện vào nửa cuối tháng 12. Hiện tượng này sẽ xảy ra nhiều hơn vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023.

Trong vòng một tháng tới, Biển Đông khả năng hứng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Các hình thái này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Đồng Nai: Liên tiếp phát hiện phương tiện khai thác cát trái phép

Ngày 14/11, theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, Phòng Cảnh sát môi trường-Công an tỉnh đang củng cố hồ sơ xử lý hành vi khai thác và vận chuyển cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai, đoạn qua khu vực Cù lao Ba Xê, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa.

Theo thông tin ban đầu, vào 23 giờ 10 phút ngày 11/11/2022, tại khu vực Cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa), lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang một ghe gỗ đang bơm hút cát trái phép lên một thuyền số hiệu ĐN-1005 do ông Nguyễn Hùng Thanh, (sinh năm 1972, ngụ thành phố Biên Hòa) điều khiển; trên thuyền chứa khoảng 20m3 cát.

Khi bị phát hiện, các đối tượng trên ghe bơm hút cát đã điều khiển phương tiện bỏ chạy về hướng phường Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) rồi rẽ vào rạch nhỏ lợi dụng đêm tối, địa hình sông rạch phức tạp nhảy xuống sông tẩu thoát.

Phòng Cảnh sát môi trường đã tạm thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm, bàn giao cho Công an thành phố Biên Hòa tiếp tục điều tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 8/11/2022, vào 4 giờ 50 phút, lực lượng Công an đã phối hợp với Đội Cảnh sát đường thủy, Trạm Cảnh sát Đường thủy Long Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông và các Phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một ghe gỗ dài khoảng 15m có gắn thiết bị đặc thù để bơm hút cát trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua khu vực Vàm Cái Sứt, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa).

Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, các đối tượng đã nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Lực lượng chức năng đã phối hợp với các đơn vị tiến hành trục vớt phương tiện ghe gỗ bơm hút cát này.

Trước đó, rạng sáng 4/11/2022, trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua xã Tam An, huyện Long Thành), lực lượng công an đã phối hợp với các đơn vị phát hiện ghe gỗ có gắn thiết bị đặc thù bơm hút cát đang tiến hành hút cát dưới lòng sông bơm lên một thuyền vận chuyển.

Khi bị phát hiện, các đối tượng đã nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Do vị trí các đối tượng đánh chìm phương tiện ở lòng sông sâu, nước chảy xiết nên không thể trục vớt.

Theo công an tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý các hành vi tự ý hoán cải thay đổi công năng sử dụng của phương tiện hoặc lắp thêm các trang thiết bị để bơm hút cát, các hành vi liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản (cát) trái phép trên các tuyến sông.

Bảo vệ loài linh trưởng trước nguy cơ bị tuyệt chủng

Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã chính thức được khai mạc sáng nay (14/11) tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện được Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy tổ chức dưới sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp hy vọng Hội thảo Linh trưởng châu Á sẽ mang tới cho các nhà khoa học, chuyên gia diễn đàn để chia sẻ quan điểm, ý tưởng cũng như kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực bảo tồn các loài linh trưởng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong khi đó, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Hội thảo sẽ giúp các nhà khoa học, các cán bộ làm công tác bảo tồn trong nước và quốc tế đánh giá thực trạng cũng như các mối đe dọa đến các loài linh trưởng trong khu vực.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 14/11 - Ảnh 2
Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã chính thức được khai mạc sáng nay (14/11) nhằm giúp các nhà khoa học, các cán bộ làm công tác bảo tồn trong nước và quốc tế đánh giá thực trạng cũng như các mối đe dọa đến các loài linh trưởng trong khu vực.

Cũng tại phiên khai mạc, các chuyên gia hàng đầu đến từ Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)... cũng có những tham luận về tính nguy cấp cũng như sự cần thiết của công tác bảo vệ các loài linh trưởng tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung.

Hội thảo bao gồm nhiều phiên thảo luận chuyên môn như: Thuyết trình các nghiên cứu, ý tưởng, kinh nghiệm đến từ các chuyên gia về công tác bảo tồn các loài linh trưởng châu Á; đi thực địa tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long.

Bên cạnh đó, các triển lãm ảnh về sự đa dạng linh trưởng tại Việt Nam; các hoạt động bên lề nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức đại biểu tham dự Hội thảo nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và sự phát triển công tác bảo tồn linh trưởng châu Á cũng sẽ được tổ chức.

Thảo luận bàn tròn về nỗ lực giảm phát thải ở Đông Nam Á

 Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, Tổ chức Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á đã tổ chức buổi thảo luận bàn tròn về nỗ lực đóng cửa các nhà máy điện than tại khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu nhằm thảo luận sâu về việc dừng các nhà máy điện than để đạt phát thải ròng bằng “0” ở khu vực vào giữa thế kỷ; các thách thức của các quốc gia Đông Nam Á nhằm hướng tới một tương lai ít phục thuộc và điện than hơn.

Tham dự thảo luận bàn tròn có ông Pramudya, Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản của Indonesia; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; ông Abhishek Bbhaskar, Trưởng nhóm Chương trình Quỹ đầu tư khí hậu (CIF-ACT). Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á có nhiều đối tác tham gia bao gồm Chính phủ Pháp, Vương quốc Anh, Đức, Canada và một số tổ chức từ thiện.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, Việt Nam là nước cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và cần chuyển đổi năng lượng.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á nhưng có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lớn. Tiềm năng phát triển điện gió có thể nâng lên 600GW. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Đồng thời, Việt Nam đã đệ trình NDC cập nhật năm 2022, tổng lượng phát thải giảm 43,5% so với BAU năm 2030 (đóng góp có điều kiện).

Cũng như Inddonesia, Việt Nam đang đàm phán với các quốc gia G7 về Tuyên bố chính trị Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), và hy vọng cuối năm sẽ hoàn thành.

Tại buổi thảo luận, đại diện các bên cũng chia sẻ thách thức và cơ hội của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi than để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; cách thức tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa những nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng, nhằm đẩy nhanh quá trình giảm phát thải và nâng cao vị thế của khu vực.

Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á có nhiều đối tác tham gia bao gồm Chính phủ Pháp, Vương quốc Anh, Đức, Canada và một số tổ chức từ thiện.

Ba năm liền hứng chịu hiện tượng thời tiết La Nina, Australia liên tục phát cảnh báo lũ lụt

Mưa lớn gây lũ quét đã khiến một số thị trấn ở miền Đông Nam Australia bị cô lập vào ngày 14/11, buộc nhà chức trách phải ban hành các cảnh báo sơ tán mới đối với hàng nghìn người dân ở nông thôn.

Nhiều khu vực tại bang New South Wales (NSW) ở miền Tây Nam và bang Victoria ở Đông Bắc của Australia tiếp tục hứng chịu các trận mưa lớn trong đêm 13/11, khiến nước sông tràn bờ, trong bối cảnh người dân đã phải chống chọi với đợt lũ lụt thứ 4 trong năm nay ở nước này. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết lũ quét đã tạo ra "những điều kiện nguy hiểm" và chính phủ đang phối hợp chặt chẽ với các bang để triển khai công tác cứu hộ.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 14/11 - Ảnh 3
Mưa lớn gây lũ quét đã khiến một số thị trấn ở miền Đông Nam Australia bị cô lập vào ngày 14/11, buộc nhà chức trách phải ban hành các cảnh báo sơ tán mới đối với hàng nghìn người dân ở nông thôn.

Tại bang NSW, nhiều tuyến đường, trang trại và nhiều cây cầu đã bị chìm trong biển nước. Thị trấn Molong với hơn 2.000 dân cách thành phố Sydney khoảng 300 km về phía Tây Bắc là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy 1 container và nhiều hàng gia dụng đã bị trôi xuống khu vực trung tâm thị trấn. Lãnh đạo thị trấn cho biết container này dường như đã bị mắc kẹt trên tuyến đường chính gần thị trấn, khiến các đội cứu hộ khó tiếp cận khu vực chịu ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhiều người dân ở vùng Eugowra, nơi có khoảng 800 dân, đã được yêu cầu di chuyển đến nơi cao hơn vì nhà chức trách cho rằng việc sơ tán người dân có thể sẽ không an toàn do lũ quét.

Mưa lớn cũng xảy ra ở bang South Australia cuối tuần qua khiến hàng chục trường học phải đóng cửa và hàng nghìn hộ gia đình bị mất điện.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Australia hứng chịu hiện tượng thời tiết La Nina gây mưa lớn, đặc biệt là khu vực bờ biển miền Đông nước này. Hiện nhà chức trách đã ban hành hơn 100 cảnh báo lũ lụt ở bang NSW và 84 cảnh báo ở bang Victoria.

Trung Quốc gia hạn cảnh báo màu vàng về hạn hán

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc ngày 13/11 tiếp tục ban bố cảnh báo màu vàng về hạn hán ở nước này khi nhiều khu vực được dự báo sẽ ít mưa.

Theo đó, một số tỉnh, thành, khu tự trị của Trung Quốc như Chiết Giang, An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Phúc Kiến và Quảng Đông đã và đang hứng chịu hán hạn từ mức trung bình đến nghiêm trọng. Trong khi đó, một số nơi ở Hồ Nam, Quý Châu, Trùng Khánh, Giang Tây, Hồ Bắc và Quảng Tây đã trải qua những đợt hạn hán khắc nghiệt.

Tuy nhiên, trong thời gian từ ngày 15-17/11 tới, một số khu vực ở miền Tây Nam, miền Đông và miền Nam của Trung Quốc sẽ có mưa vừa đến mưa to. Trong khi đó, một số khu vực ở miền Nam tiếp tục có mưa rào từ ngày 21-22/11. Mặc dù mưa sẽ giúp “hạ nhiệt” tình trạng hạn hán nhưng những khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán vẫn được khuyến cáo tiếp tục theo dõi thời tiết chặt chẽ để phòng chống hiện tượng thời tiết bất lợi.

Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc cũng kêu gọi chính quyền các địa phương sử dụng nguồn nước dữ trữ cho trường hợp khẩn cấp và đảm bảo nguồn cung cấp nước, nhất là nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở một số khu vực.

Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp độ, được mã hóa bằng màu sắc, trong đó màu đỏ tượng trưng cho thời tiết khắc nghiệt nhất, tiếp theo là màu cam, vàng và xanh lam.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 14/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới