Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 13/12
Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mạnh nhất trong mùa đông năm nay; TP.Cần Thơ: Công bố 64 hồ, kênh rạch không được san lấp; Liên minh châu Âu đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.
Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mạnh nhất trong mùa đông năm nay
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do tác động của đợt không khí lạnh rất mạnh, từ sáng ngày 17/12 các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng và kéo dài; khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 8-11 độ C, vùng núi, trung du Bắc Bộ 3-5 độ C, vùng núi cao có nơi thấp dưới 0 độ C, nguy cơ xảy ra băng giá, sương muối.
Chuyên gia khí tượng cũng nhận định, khối không lạnh rất mạnh cuối tuần này được đánh giá sẽ là một trong những khối không khí lạnh mạnh nhất trong mùa đông năm nay khi vùng rét sẽ khơi sâu xuống tận Bình Định.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về dự báo thời tiết và biến đổi khí hậu cho biết thêm, sau đợt lạnh này, khoảng 23/12 trời sẽ nắng khắp cả nước. Nhiều khả năng dịp Giáng sinh năm nay, thời tiết sẽ ấm. Tuy nhiên đây là giai đoạn cần cẩn thận bảo vệ sức khỏe vì việc tăng nhiệt độ đột ngột lên hơn 10⁰C trong quãng thời gian ngắn. Một điểm lưu ý nữa là dịp giáng sinh sẽ ấm vào ban ngày và lạnh về ban đêm nên nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm cũng khá lớn.
Trước khi đón đợt không khí lạnh cuối tuần, từ nay đến 16/12, miền Bắc duy trì thời tiết ngày nắng hanh với nhiệt độ cao nhất phổ biến 20-22 độ, đêm rét buốt với nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng từ 11-14 độ, vùng núi 8-11 độ, vùng núi cao dưới 8 độ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trước thời tiết rét đậm, rét hại, người dân cần giữ ấm cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ; ăn uống thức ăn nóng ấm, tốt nhất là uống trà gừng nóng có thêm ít đường phèn. Giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc, tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho người thân.
Đồng thời, người dân cần chú ý uống đủ nước, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi, duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết, giữ gìn sức khỏe...
Thanh Hóa: Xử phạt Công ty Hiền Linh hơn 500 triệu đồng do vi phạm trong khai thác cát
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4066/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hiền Linh Grannit Marble với tổng số tiền là 557.100.000 đồng do vi phạm quy định trong khai thác, tận thu khoáng sản.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, bắt giữ 02 tàu vỏ sắt đang khai thác cát trái phép trên tuyến sông Mã, đoạn chảy qua xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy.
Cụ thể, tàu số 01 có số hiệu TH 1398 VS16062196 do Võ Ngọc Thi (trú tại xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân) là chủ sở hữu phương tiện, đang cùng Khương Bá Hải (SN 1995) và Nguyễn Văn Lý (SN 1999) cùng trú tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy đang tiến hành khai thác cát trên sông Mã. Khi các đối tượng đang hút cát thì lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra các đối tượng đã hút được 40 m3 cát.
Tàu số 02 không có có số hiệu do Âu Văn Điệp (trú tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hóa, tỉnh Bắc Giang) là chủ sở hữu. Tại thời điểm kiểm tra trên, tàu có 03 thành viên gồm chủ tàu và Nguyễn Văn Thiện, SN 1988 ở xã Hoàng Vân và Âu Văn Đình ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hóa, tỉnh Bắc Giang đang tiến hành hút cát trên sông Mã. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng đã khai thác được khoảng 35,7 m3 cát.
Qua làm việc, các đối tượng khai nhận được ông Mai Đức Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Hiền Linh Grannit Marble (có địa chỉ tại xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) gọi điện thuê các chủ phương tiện điều khiển tàu lên Khu vực nạo vét số 03 thuộc Dự án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 để khai thác cát và vận chuyển về đắp bờ bãi tập kết.
Được biết, ngày 02/11/2020 UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận phương án cho Công ty CP đầu tư hạ tầng và giao thông nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn sét làm vật liệu san lấp gồm 04 khu vực nạo vét và 03 bãi tập kết thuộc địa phận xã Cẩm Lương, Cẩm Bình, Cẩm Thạch và Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Thời gian thực hiện là 05 năm; thời gian được phép nạo vét trong năm là từ 15/10 năm trước đến 15/5 năm sau; thời gian được phép khai thác trong ngày là từ 07h00 đến 17h00.
TP.Cần Thơ: Công bố 64 hồ, kênh rạch không được san lấp
Ngày 12/12, Sở TN&MT TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 3771/QĐ-UBND ngày 02/11/2022 của UBND TP.Cần Thơ về việc phê duyệt, công bố danh mục hồ, kênh rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố với sự tham dự của đại diện các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và UBND các quận, huyện.
Thực hiện theo quy định tại khoản 7, Điều 60 Luật Tài nguyên nước; Công văn số 3129/BTNMT-TNN ngày 10/6/2021 của Bộ TN&MT về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; UBND TP.Cần Thơ giao Sở TN&MT tổ chức rà soát và trình UBND thành phố danh mục hồ, kênh rạch không được san lấp. Ngày 02/11/2022, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3771/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố danh mục hồ, kênh rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố. Theo đó, trên địa bàn TP.Cần Thơ có tổng cộng 64 hồ, kênh rạch tự nhiên và nhân tạo không được san lấp, trong đó tập trung chủ yếu ở các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn…
Nhằm sớm đưa các nội dung của Quyết định 3771/QĐ-UBND của UBND TP.Cần Thơ vào thực tiễn, tại Hội nghị, lãnh đạo Sở TN&MT TP.Cần Thơ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị đăng tải danh mục hồ, kênh rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến danh mục hồ, kênh rạch không được san lấp đến chính quyền địa phương, người dân biết để thực hiện; đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường đối với các hồ, kênh rạch.
Cùng với đó, Sở TN&MT TP.Cần Thơ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là UBND các quận, huyện thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, kênh rạch không được san lấp trên địa bàn quản lý và gửi về Sở TN&MT tổng hợp trình UBND TP.Cần Thơ xem xét phê duyệt; đồng thời, hàng năm, các quận, huyện báo cáo về Sở TN&MT công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường đối với các hồ, kênh rạch không được san lấp.
Cũng tại Hội nghị, Sở TN&MT TP.Cần Thơ đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu liên quan đến việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường đối với các hồ, kênh rạch thuộc danh mục không được san lấp; đồng thời, Sở TN&MT cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn xử lý triệt để các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường các hồ, kênh rạch để bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn trong việc cấp nước sinh hoạt, phòng chống ngập úng...
Bắc Ninh hỗ trợ 100% chi phí xử lý chất thải rắn ở làng nghề
Nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức nghiêm trọng như như làng nghề giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), làng nghề giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du), làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (huyện Yên Phong)…
Nguyên nhân chủ yếu là do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, bã nhôm, nước thải có chứa hóa chất như axit, sút chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường; ống khói xây dựng chưa đạt tiêu chuẩn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trong làng.
Đa số các làng nghề trong tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ thủ công và lạc hậu; thiết bị công nghệ chế biến thô sơ; các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp vừa giải quyết công tác bảo vệ môi trường.
Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về một số chính sách đầu tư, hỗ trợ để xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn.
Tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến khu xử lý và chi phí xử lý. Đối với khu vực làng nghề, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Với các khu vực ô nhiễm môi trường ở mức độ nghiêm trọng, địa phương sẽ được nâng cấp thành nông thôn mới với sự hỗ trợ, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, các dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình hạ tầng phía ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề. Trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống như làng nghề gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê. Thu nhập từ sản phẩm tạo ra của mỗi năm hơn 12.000 tỷ đồng. Các làng nghề của địa phương với trên 28.000 hộ tham gia, tạo việc làm cho khoảng 74.000 lao động với thu nhập hơn 8 triệu đồng/người/tháng.
Liên minh châu Âu đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu
Ngày 13/12, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Theo Hội đồng châu Âu, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
CBAM cũng sẽ được áp dụng đối với những hàng hóa nhập khẩu có quy trình sản xuất gián tiếp phát thải carbon ra môi trường.
Nghị viện châu Âu (EP) cho biết CBAM là cơ chế đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Cơ chế này được thiết kế để tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ. Nghị sỹ châu Âu Mohammed Chahim khẳng định CBAM sẽ là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu.
Ông nhấn mạnh đây là một trong những cơ chế duy nhất mà EU có để khuyến khích các đối tác thương mại khử cacbon trong lĩnh vực sản xuất.
Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023. Việc lên thời gian biểu để thực hiện cơ chế này sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Lan Anh