Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 12/12
Miền Bắc sắp đón không khí lạnh mạnh, nhiệt độ giảm sâu; Nghệ An: Sông Lam sạt lở nghiêm trọng, người dân không dám canh tác; Núi lửa Fuego ở Guatemala phun trào, cột tro bụi cao đến 2 km... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 12/12.
Miền Bắc sắp đón không khí lạnh mạnh, nhiệt độ giảm sâu
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, miền Bắc đang bước vào cao điểm của mùa rét năm nay, không khí lạnh liên tục bổ sung khiến trời rét kéo dài.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Trời rét, có nơi rét đậm, rét hại.
Phía Đông Bắc Bộ đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù; riêng phía Bắc trưa chiều trời nắng. Phía Bắc trời rét, phía Nam trời lạnh.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định có mưa rào vài nơi; riêng đêm 12/12 có mưa, mưa rào rải rác. Phía Bắc trời lạnh. Các khu vực khác thì chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng.
Trước khi đón không khí lạnh tăng cường mạnh vào cuối tuần, trong tuần (12 - 16/12), miền Bắc trời hửng nắng nhưng nền nhiệt đêm ngày khá chênh lệch với thấp nhất vùng đồng bằng từ 11 - 14 độ C, vùng núi từ 8 - 11 độ C và cao nhất từ 18 - 20 độ C.
Đến khoảng cuối tuần (16-17/12), một đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh được bổ sung, khiến toàn miền Bắc chìm sâu trong giá rét.
Theo đó, vùng núi và trung du Bắc Bộ từ ngày 17 - 22/12 trời rét đậm, rét hại. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 17 - 22/12 trời rét đậm, có nơi rét hại. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ từ ngày 16 - 22/12 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự báo, từ nửa cuối tháng 12 đến nửa đầu tháng 1/2023, không khí lạnh sẽ gia tăng cường độ và tần suất hoạt động, các tỉnh miền Bắc có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại. Nhiệt độ trung bình trên cả nước thời kỳ này được nhận định thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.
Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê.
Hiện các làng nghề có trên 28.000 hộ tham gia, với gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa trên 12.000 tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ở mức "báo động đỏ" như làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, làng nghề giấy Phú Lâm, huyện Tiên Du, làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ bản không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh. Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng (làng nghề thép Châu Khê và làng nghề giấy Phong Khê). Chất thải của các làng nghề làm ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khí khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn và làng nghề giấy Phong Khê.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp thực tiễn cơ sở, nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản, căn cơ công tác bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến khu xử lý và kinh phí xử lý; nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển theo quy định. Đối với khu vực làng nghề, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Nghệ An: Sông Lam sạt lở nghiêm trọng, người dân không dám canh tác
Cánh đồng bãi ven sông Lam trên địa bàn xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên trước đây người dân thường tập trung trồng các cây màu như ngô, đậu, lạc, rau màu,… Tuy nhiên, hiện dù đang là chính vụ đông nhưng không có cây trồng nào được canh tác tại khu vực này vì người dân sợ công “Dã Tràng”.
Ghi nhận thực tế, khu vực mép sông Lam, từng lớp đất, cát bị sạt lở mạnh, có những mảng đất đã bị cuốn trôi, để lại bờ sông nứt nẻ, trống hoác. Theo người dân địa phương, sau những đợt mưa lớn vừa qua, bờ sông Lam bị sạt lở nặng hơn khiến diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp.
Theo một số người dân nơi đây chia sẻ: Hàng năm, tại cánh đồng màu này, chúng tôi thường gieo trồng 2 vụ màu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chúng tôi không dám canh tác vì bờ sông bị sạt lở nặng, có thời điểm sau mưa lũ, đất, cát, cây giống đều bị cuốn trôi. Nhìn cánh đồng màu dần bị thu hẹp khiến chúng tôi vô cùng lo lắng.
Một số hộ dân còn bám trụ thì cũng đã dời khu vực trồng cây vào sâu để đảm bảo an toàn. Nếu không có biện pháp khắc phục thì việc mất đất sản xuất của bà con sẽ ngày càng diễn ra nghiêm trọng, diện tích đất sản xuất có hạn, không thể lùi vào mãi được.
Theo thống kê, khu vực sạt lở ven bờ sông Lam có chiều dài khoảng 700m, vào sâu khoảng 30m, diện tích sạt lở khoảng hơn 2 ha. Đây là đất 5% do xã quản lý và đất sản xuất rau màu truyền thống của người dân địa phương. Hiện, khu vực này hiện bà con không còn dám canh tác.
Được biết, tình hình sạt lở, mất đất sản xuất ven sông Lam diễn ra nhiều năm nay, sau đợt mưa lũ vừa qua lại trầm trọng hơn. Địa phương đã 2 lần di chuyển biển báo khoảng cách an toàn. Hiện phương án khả thi nhất là tiến hành thi công, kè lại bờ sông, tuy nhiên, năng lực của địa phương không thể thực hiện được.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 4 trận động đất liên tiếp
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ngày 11/12, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy ra 4 trận động đất có độ lớn từ 2,8 đến 3,4. Các trận động đất trên đều không gây rủi ro thiên tai.
Trận động đất thứ nhất có độ lớn 2,8 xảy ra vào lúc 00 giờ 41 phút 8 giây, tại tọa độ 14.738 độ Vĩ Bắc-108.412 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Trận động đất thứ hai có độ lớn 3,3 xảy ra vào lúc 00 giờ 45 phút 4 giây, tại tọa độ 14.823 độ Vĩ Bắc-108.274 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Trận động đất thứ ba có độ lớn 2,9 xảy ra vào lúc 2 giờ 28 phút 57 giây, tại tọa độ 14.733 độ Vĩ Bắc-108.398 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Trận động đất thứ tư có độ lớn 3,4, xảy ra vào lúc 5 giờ 40 phút 50 giây, tại tọa độ 14.851 độ Vĩ Bắc-108.246 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Kể từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng trăm động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,7.
Núi lửa Fuego ở Guatemala phun trào, cột tro bụi cao đến 2 km
Fuego - một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở khu vực Trung Mỹ đã hoạt động trở lại vào cuối tuần qua, phun ra dòng dung nham nóng và cột tro bụi cao đến 2km. Giới chức Guatemala phải đóng cửa sân bay lớn nhất nước này trong thời gian ngắn trước khi hoạt động của núi lửa giảm bớt vào ngày 11/12.
Trong tiếng Tây Ban Nha, Fuego có nghĩa là "lửa" bắt đầu hoạt động trở lại từ đêm 10/12 sang ngày 11/12. Gió đã thổi tro bụi phun ra từ núi lửa về phía thủ đô Guatemala City cách đó 35 km khiến sân bay quốc tế La Aurora (cách thủ đô 6 km về phía Nam) phải đóng cửa tạm thời vào giữa buổi sáng 11/12 với lý do có tro bụi gần đường băng. Ít nhất 2 chuyến bay đến sân bay La Aurora đã phải chuyển hướng trước khi sân bay mở cửa trở lại vào giữa trưa cùng ngày khi gió đổi hướng và cuốn tro bụi khỏi khu vực này.
Ngoài ra, nhà chức trách Guatemala cũng đóng cửa tuyến đường nối với miền Trung và miền Nam nước này để đề phòng rủi ro. Sau đó, tuyến đường này đã được mở cửa trở lại vào chiều 11/12 khi hoạt động của núi lửa giảm bớt.
Núi lửa Fuego phun trào trung bình 4 - 5 năm một lần. Vụ phun trào năm 2018 đã tạo ra những dòng dung nham đỏ rực chảy xuống sườn núi, phá hủy làng San Miguel Los Lotes, khiến 215 người thiệt mạng và số người mất tích tương tự. Do đó, nhà chức trách Guatemala cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ đợt phun trào mới nhất này của núi lửa Fuego nhưng chưa có lệnh sơ tán người dân.
Chiều 11/12, Viện nghiên cứu núi lửa Guatemala cho biết hoạt động của núi lửa hiện đã giảm bớt, không còn phun ra các dòng nham thạch hay cột tro bụi. Theo một chuyên gia tại viện nghiên cứu trên, sau vài giờ "tương đối yên tĩnh, hoạt động phun trào này có thể được coi là kết thúc".
Tại Guatemala còn có 2 núi lửa đang hoạt động khác gồm Santiaguito ở miền Tây và Pacaya ở miền Nam.
Ở khu vực Trung Mỹ có hơn 100 núi lửa, trong đó phần lớn là các điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, mặc dù đôi khi hoạt động của chúng gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Lan Anh