Thứ hai, 06/05/2024 09:56 (GMT+7)
Thứ năm, 01/12/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 1/12

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc chính thức bước vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài; Vi phạm môi trường, Công ty Matsuda Sangyo bị phạt hơn 500 triệu đồng; Sạt lở đất làm ít nhất 2 người thiệt mạng tại Brazil... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Bắc chính thức bước vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài

Tối 30/11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, sáng 1/12, thời tiết Hà Nội còn khoảng 14 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 1/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phần phía Bắc của Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất ảnh hưởng đến khu vực kể từ đầu mùa.

Ngày 1/12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình trời rét.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 1/12 - Ảnh 1
Miền Bắc chính thức bước vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi và trung du Bắc Bộ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C, vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 11-13 độ C. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình 14-17 độ C.

Ngày 1-2/12 là hai ngày trời rét sâu nhất, khu vực Bắc Bộ khả năng rét đậm, vùng núi rét hại. Sang ngày 3/12, vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời rét. Từ ngày 1-3/12, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Trong hai ngày 1/12, nhiệt độ tại Hà Nội chỉ dao động từ 12-16 độ, ngày 2/12 từ 14-16 độ. Sang đến ngày 3/12, nền nhiệt tăng lên 15-22 độ, trời hửng nắng.

Dự báo sau đợt rét này, khoảng đêm 4-5/12, và 8-9/12, miền Bắc liên tục đón các đợt không khí lạnh tăng cường, gây mưa rải rác. Trời rét trong nhiều ngày tới.

Nhận định xa hơn cho thấy, trong tháng 12, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất, các tỉnh miền Bắc có nhiều ngày trời rét, trong đó rét đậm có khả năng tập trung trong thời đoạn ngắn vào thời kỳ đầu và cuối tháng.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, khoảng từ ngày 4-5/12 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Vi phạm môi trường, Công ty Matsuda Sangyo bị phạt hơn 500 triệu đồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuda Sangyo (Việt Nam) do không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, với tổng số tiền phạt 505 triệu đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuda Sangyo (Việt Nam) có địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Thăng Long II, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Công ty này bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm như: Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; báo cáo không đúng, không đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không cung cấp tài khoản theo dõi thiết bị định vị vệ tinh của phương tiện vận chuyển.

Đặc biệt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuda Sangyo (Việt Nam) không thực hiện đúng các quy định trong Giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Riêng với hành vi này, phía công ty bị xử phạt 200.000.000 đồng đồng thời bị đình chỉ hoạt động xử lý chất thải nguy hại của cơ sở 1 tháng.

Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuda Sangyo (Việt Nam) không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại trong các bao bì, thiết bị lưu chứa phù hợp, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuda Sangyo (Việt Nam) khắc phục các lỗi vi phạm. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do phía công ty chi trả.

“Công ty phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu nhấn mạnh.

Thanh Hóa: Chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022- 2023

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 17574/UBND-NN về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023.

Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi: Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023, trong đó cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể, phù hợp.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 1/12 - Ảnh 2
Thanh Hóa tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023.

Căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn, kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước của từng công trình đầu mối (trạm bơm, hồ, đập) cho các nhu cầu dùng nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; xác định cụ thể vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, kiên quyết không cấy cưỡng đối với diện tích không đủ nguồn nước.

Điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí; tăng cường công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, giám sát nhằm giảm tổn thất nước trên kênh, cân đối giảm định mức tưới cho một ha; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; tuyệt đối không tháo cạn nước kênh, ao, hồ,… để thi công công trình hoặc bắt cá vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm soát chặt chẽ độ mặn để lấy nước tưới đảm bảo yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời ở các vùng triều. Làm tốt công tác tu sửa, bảo dưỡng trạm bơm đảm bảo sẵn sàng bơm tưới, căn cứ vào tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn và kinh nghiệm trong quản lý tưới, làm tốt công tác dự báo, tăng cường bơm nước vào giờ thấp điểm, tranh thủ bơm nước trữ vào đồng để tránh tình trạng gây hạn giả tạo trong suốt vụ Đông Xuân năm 2022-2023, đặc biệt vào thời kỳ đổ ải tập trung, thời kỳ khô hạn cuối tháng 3 đầu tháng 4/2023 và kéo dài cho đến đầu vụ Mùa năm 2023.

Sạt lở đất làm ít nhất 2 người thiệt mạng tại Brazil

Nhà chức trách Brazil cho biết có ít nhất 2 người thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích sau khi xảy ra sạt lở đất tại một đoạn cao tốc ở miền Nam nước này.

Vụ sạt lở đất trên xảy ra tại bang Parana. Sau nhiều ngày mưa lớn, ngày 28/11, bùn đất đã đổ ập từ một sườn đồi dốc ở bang này xuống cao tốc BR 367, đoạn đi qua thị trấn Guaratuba, cuốn trôi khoảng 20 ô tô và xe tải và nguyên một đoạn đường. Vụ sạt lở đất đã khiến cho một cảng biển lớn được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc và đường ở bang Parana, bị cô lập.

Theo lực lượng cứu hộ, thời tiết xấu và vị trí xảy ra vụ việc khá hẻo lánh gây khó khăn cho nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Hiện lực lượng này đang sử dụng các máy bay không người lái có gắn thiết bị dò thân nhiệt để tìm kiếm những người sống sót. Đến nay, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy 2 thi thể nạn nhân và 6 người sống sót, trong đó có thị trưởng của thành phố ven biển Guaratuba, nơi nằm gần khu vực xảy ra lở đất nhất.

Các vụ sạt lở đất chết người thường xuyên xảy ra tại Brazil. Tháng 2 vừa qua, tại thị trấn du lịch Petropolis phía Đông Nam Brazil đã xảy ra vụ lở đất khiến hơn 200 người thiệt mạng.

COP15 - Cơ hội để bảo vệ Trái Đất trước khủng hoảng đa dạng sinh học

Tuần tới, phái đoàn của gần 200 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) tại Montreal (Canada) nhằm thảo luận về một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới để bảo vệ các hệ sinh thái và các sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người.

Sau khi Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập không đạt được đột phá nào trong việc giảm quy mô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải khiến toàn cầu ấm lên, các nhà quan sát hy vọng rằng COP15 tại Montreal sẽ đem lại một thỏa thuận lịch sử để bảo vệ tự nhiên và đảo ngược những tổn hại mà con người gây ra cho các khu rừng, đầm lầy, sông nước, hàng triệu sinh vật đang sống tại những khu vực này.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 1/12 - Ảnh 3
Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) tại Montreal (Canada) nhằm thảo luận về một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới để bảo vệ các hệ sinh thái và các sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người.

Khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào tự nhiên, song các nhà khoa học cảnh báo rằng con người cần khẩn trương xem xét lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên khi mối lo ngại về kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang lớn dần.

Trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị COP15, Thư ký điều hành Công ước về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (CBD) Elizabeth Maruma Mrema cảnh báo Trái Đất đang rơi vào khủng hoảng và thỏa thuận toàn cầu về đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tương lai của nhân loại trên hành tinh xanh.

Thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu trên, còn được gọi là khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020, đã bị trì hoãn trong 2 năm do đại dịch COVID-19.

Thỏa thuận sẽ vạch ra kế hoạch chính thức cho hầu hết các nước về bảo tồn tự nhiên cho đến giữa thế kỷ này.

Mỹ đã không ký kết tham gia thỏa thuận. Kế hoạch này sẽ bao gồm các mục tiêu then chốt cần đáp ứng vào năm 2030.

Trong bối cảnh các quy định mới ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, và bao trùm nhiều vấn đề từ sở hữu trí tuệ, đến ô nhiễm và thuốc trừ sâu, các phái đoàn đang gặp khó khăn trong việc thống nhất các điểm chính.

Cho đến nay, các bên mới chỉ nhất trí có 2 trong 22 mục tiêu trong khuôn khổ thỏa thuận mới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 1/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới