Chủ nhật, 24/11/2024 12:05 (GMT+7)
Thứ năm, 18/08/2022 18:00 (GMT+7)

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/8

Theo dõi KTMT trên

Giá vàng miếng trong nước tăng bất chấp giá thế giới lao dốc; FLC đưa ra kế hoạch 'giải cứu' cổ phiếu... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 18/8.

10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 365 tỷ đồng

Ngày 18/8, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM nhằm thực hiện đối thoại giữa 18 ngân hàng thương mại (NHTM) bao gồm: Vietbank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, HDBank, OCB, ACB… với hơn 100 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng.

Đây là dịp để các NHTM đồng hành cùng với chính quyền TP.HCM trong việc chung sức triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển ngành kinh tế, dịch vụ du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu khai mạc, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du Lịch TP.HCM cho biết, sau gần 5 tháng chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong trạng thái "bình thường mới", du lịch Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến nhưng chưa đảm bảo điều kiện vay vốn với nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp.

Để chính sách đi vào thực tiễn, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị các NHTM xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch để các doanh nghiệp trong ngành du lịch và ngân hàng cùng chung tay khôi phục du lịch và phát triển kinh tế TP.HCM.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 1
10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 365 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch đã có những trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan các chính sách, các khó khăn vướng mắc cũng như các đề xuất, kiến nghị hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp du lịch với các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn đưa số điện thoại trực tiếp để các doanh nghiệp liên hệ, nhận được những tư vấn cũng như tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn.

Về phía NHNN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, qua trao đổi thông tin tại hội nghị, ngân hàng và doanh nghiệp đã làm rõ phần nào các khó khăn, vướng mắc.

Qua đó, ông Lệnh đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng về Sở Du lịch, đây sẽ là đầu mối tổng hợp phản ánh về ngân hàng để ngành ngân hàng cùng phối hợp hỗ trợ tháo gỡ.

“Nếu vướng mắc liên quan cơ chế chính sách, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ báo cáo NHNN Việt Nam xem xét, điều chỉnh. Còn vướng mắc thuộc về các NHTM, cán bộ ngân hàng nếu có gây khó khăn, nhũng nhiễu thì NHNN chi nhánh TP.HCM tiếp nhận để xử lý", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

"Riêng các trường hợp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay không đúng mục đích… thì các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi tốt hơn để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì ngân hàng cho vay phải đúng quy định, đúng chuẩn. Đặc biệt là các gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì cần phải rà soát kỹ để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn để ngân hàng mới có thể quyết toán được với Bộ Tài chính”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành… đã được 10 NHTM tại TP.HCM ký kết hợp đồng cho vay với tổng số tiền 634,6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đồng thời áp dụng gói lãi suất hỗ trợ 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sau khi áp dụng các chính sách về lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp này được vay với lãi suất khoảng 6%- 7%/năm.

Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về sản xuất xi măng

Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” diễn ra ngày 18/8 cho thấy, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đạt trên 30 triệu tấn/năm. Riêng năm 2021, xuất khẩu xi măng và các sản phẩm clinker khoảng 42 - 45 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2020; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,1 tỉ USD, là con số xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Công suất sản lượng của ngành xi măng đã tăng từ khoảng 4,4 triệu tấn năm những năm đầu đổi mới lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga).

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 2
Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về sản xuất xi măng.

TS.Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng ngành xi măng gặp 3 thách thức lớn về nguyên nhiên liệu, cân đối cung cầu và thách thức về môi trường. Hiện nay, các nhà máy có năng lực vượt công suất thiết kế nên nhu cầu đá vôi đất sét tăng nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường không chấp nhận điều này. Các thủ tục liên quan đến khai thác đá vôi rất khó khăn, cần giải quyết sớm. Cần khai thác âm nhưng thủ tục khó khăn. Ngoài thủ tục Nhà nước, còn vấn đề môi trường. Chúng ta đưa rác nhưng lấy được rác rất khó khăn, ách tắc.

Thách thức nguyên nhiên liệu. Hiện giá than nhập khẩu 210 -220 USD, than chiếm 50-60%, giá than tăng nhiều dây chuyền dừng và thiếu xi măng; giá than tăng nhà thầu xây dựng kêu khó. Giải pháp giảm lượng clinker trong xi măng, sử dụng thêm phế thải để thay thế.

Thách thức thứ hai là mất cân đối cung cầu. Tổng công suất thiết kế 107 triệu tấn, nhưng ứng dụng công nghệ công suất lên đến 123 triệu tấn; hiện đang đầu tư 29 triệu tấn, nâng lên tổng công suất gần 150 triệu tấn; trong khi tiêu thụ 57 - 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm. Mất cân đối cung cầu nhưng nếu bỏ quy hoạch xi măng, chỉ xét duyệt dự án đầu tư; Bộ Xây dựng không còn vai trò. Điều này, cần xem lại, nếu không có quy hoạch xi măng sẽ “nguy hiểm”, thị trường tiếp tục mất cân đối trầm trọng.

Thách thức thứ ba theo ông Cung là môi trường, đầu tư vào môi trường ngành xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nhưng gặp khó khăn về thủ tục. Giảm clinker trong xi măng sẽ giảm phát thải tốt nhất.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để phát triển đáp ứng yêu cầu mới, ngành xi măng Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cơ cấu ngành; đổi mới công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội thông qua tăng cường liên kết và hợp tác, góp phần tạo động lực cho các ngành Kinh tế khác cùng phát triển bền vững.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đáp ứng các chuẩn mực tiên tiến nhất của thế giới.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là lộ trình cổ phần hóa; thực hiện thoái vốn xhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu tài chính và đầu tư có hiệu quả; có phương án hợp lý để giải quyết vấn đề nhà đất sau cổ phần hóa để bảo toàn và phát triển tài sản, vốn Nhà nước giao.

“Tôi đánh giá cao việc Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, đổi mới mô hình tổ chức, theo đó: Công ty mẹ - VICEM giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ngành xi măng cần nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nghiên cứu sản xuất và cung cấp những dòng sản phẩm mới, tạo sự khác biệt vượt trội về chất lượng và giá bán cạnh tranh.

Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh một ngành công nghiệp xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng; sử dụng chất thải của các ngành Công nghiệp khác thay thế nguyên, nhiên liệu khai thác từ tự nhiên trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.

FLC đưa ra kế hoạch 'giải cứu' cổ phiếu

Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trình bày về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 cũng như lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm.

Cụ thể, FLC cho biết tập đoàn đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 từ ngày 21/7. Đến nay, sau gần 1 tháng, việc kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã thống nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vụ việc cá nhân của một số cựu lãnh đạo tập đoàn chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, việc kiểm toán báo cáo tài chính này cần được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng nhằm đảm bảo tính chính xác, toàn diện, minh bạch.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 3
FLC đưa ra kế hoạch 'giải cứu' cổ phiếu.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ kiểm toán, hạn chế thiệt hại, tổn thất phát sinh cho doanh nghiệp và cổ đông, ngày 15/8, FLC đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn trong việc kiểm toán báo cáo tài chính.

Bộ Tài chính sau đó đã giao Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn doanh nghiệp niêm yết thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính phù hợp với các quy định hiện hành.

FLC đã đưa ra lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và công bố báo cáo tài chính nhằm "cứu" cổ phiếu khỏi án đình chỉ giao dịch. Ảnh: Đức Anh.

FLC đã đưa ra lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và công bố báo cáo tài chính nhằm "cứu" cổ phiếu khỏi án đình chỉ giao dịch. Ảnh: Đức Anh.

“FLC kỳ vọng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý cùng sự phối hợp đẩy nhanh tiến độ của Công ty TNHH Kiểm toán An Việt, doanh nghiệp có thể phát hành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 trong tháng 9 năm nay”, Tập đoàn này nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngay sau khi báo cáo này được phát hành, HĐQT FLC cho biết sẽ triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 11.

Tại cuộc họp này, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2022 và dự kiến phát hành, công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét vào tháng 12 năm nay.

Lộ trình kể trên được FLC đưa ra với mục đích chính là để khắc phục nguy cơ cổ phiếu FLC bị HoSE đình chỉ giao dịch.

Trong thông báo mới đây, HoSE cho biết tính đến ngày 15/8, Tập đoàn FLC vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 (quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính 31/12/2021. Đồng thời công ty cũng chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.

Trong khi đó, cổ phiếu FLC đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch buổi chiều) từ ngày 1/6 vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.

Do vậy, cổ phiếu FLC có thể bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch nếu công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Không riêng cổ phiếu FLC, cảnh báo tương tự cũng được HoSE đưa ra với công ty thành viên là Nông dược HAI. Theo đó, cổ phiếu HAI có khả năng bị đình chỉnh giao dịch nếu công ty tiếp tục vi phạm quy định công bố thông tin và buộc phải có văn bản giải trình về các nội dung tương tự FLC.

Giá vàng miếng trong nước tăng bất chấp giá thế giới lao dốc

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (18/8) đi ngang hoặc tăng nhẹ, dù giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh do đồng USD mạnh lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7. Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới vì thế tiếp tục kéo giãn.

Lúc hơn 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tương ứng đi ngang và tăng 50.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,2 triệu đồng/lượng và 53 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 4

Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi sáng nay đã giảm khoảng 350.000 đồng/lượng so với sáng qua. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,05 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn khoảng 16,7 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.764,7 USD/oz, tăng 2,1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 50,05 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Tư, giá vàng giảm 14 USD/oz, tương đương giảm 0,79%, còn 1.762,6 USD/oz.

Vàng tụt giá do đồng USD tiếp tục mạnh lên sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới đây nhất. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức hơn 106,6 điểm, từ mức 106,4 điểm vào sáng hôm qua.

Nội dung biên bản cho thấy Fed giữ vững quyết tâm chống lạm phát, nhưng phát tín hiệu có thể điều chỉnh tiến độ tăng lãi suất tùy theo điều kiện thị trường. Trước đó, giới đầu tư đã “phập phồng” hy vọng rằng Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất sau khi dữ liệu tháng về tháng 7 cho thấy lạm phát ở Mỹ đã dịu đi. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ giảm bớt độ cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ.

“Chúng tôi thuộc phe tin rằng Fed sẽ không xoay trục chính sách”, chiến lược gia Scott Wren của Wells Fargo Investment Institute phát biểu trên CNBC. “Biên bản cuộc họp của Fed không hề khiến chúng tôi thay đổi quan điểm chút nào. Tôi cho rằng mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vẫn có thể được áp dụng trong cuộc họp tháng 9, và chúng ta sẽ chứng kiến thêm những đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay”.

Chính sự hoài nghi này đã đẩy đồng USD tăng giá và gây áp lực mất giá lên vàng.

Môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu để chống lạm phát vẫn đang là nhân tố gây sức ép giảm giá đối với kim loại quý. Số liệu thống kê của Anh công bố ngày 17/8 cho thấy lạm phát ở nước này lên tới 10,1% trong tháng 7, cao nhất từ tháng 2/1982.

Để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đến nay đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp. Đầu tháng này, BoE có đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995, với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Giới phân tích dự báo bước nhảy lãi suất này sẽ lặp lại trong cuộc họp tiếp theo của BoE.

Tiếp tục phản ánh tâm trạng bi quan của giới đầu tư vàng, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 3 tấn vàng trong phiên ngày 17/8, giảm nắm giữ còn hơn 989 tấn. Trong hơn 1 tuần, quỹ này đã bán ròng gần 10 tấn vàng.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.265 đồng (mua vào) và 23.545 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới