Thứ tư, 11/09/2024 08:25 (GMT+7)
Thứ năm, 10/10/2019 07:15 (GMT+7)

Cảnh giác với trò lừa đảo bằng ứng dụng 'Bộ Công an'

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, một thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao đã được lực lượng công an phát hiện và điều tra đó là ứng dụng trên điện thoại thông minh mang tên "Bộ Công an" có khả năng nhận, đọc, gửi và xem tin nhắn văn bản của điện thoại. Các tin nhắn thường liên quan đến giao dịch chuyển tiền của ngân hàng, mã OTP…

Cảnh giác với trò lừa đảo bằng ứng dụng 'Bộ Công an' - Ảnh 1
(Ảnh: Báo SK&ĐS)

Theo đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.Hà Nội) nhận được nhiều đơn trình báo của các bị hại về việc bị nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thông qua ứng dụng giả danh "Bộ Công an". Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm là lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết về công nghệ của người dân, đầu tiên, chúng tìm kiếm thông tin cá nhân của nạn nhân như số điện thoại, địa chỉ, họ tên… rồi gọi điện giả danh cán bộ công an thông báo về các vi phạm mà chủ thuê bao đang "bị điều tra". Chúng liên tục đổi người, nối máy cho nhiều đối tượng tự xưng là cán bộ điều tra, lãnh đạo cơ quan công an… với giọng điệu gây hoang mang, hoảng sợ cho các nạn nhân. Các đối tượng còn thản nhiên yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ căn cước công dân… để phục vụ điều tra. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân phải mua một chiếc điện thoại mới, cài đặt ứng dụng "Bộ Công an", đồng thời sử dụng một số điện thoại khác để mở thẻ ngân hàng rồi chuyển tiền vào đó để cơ quan công an xác minh. Khi người bị hại làm theo yêu cầu, các đối tượng liền thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.

Một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn là chị M.A (trú tại Hà Nội). Theo trình báo của chị M.A, khoảng 11h ngày 11/8 vừa qua, chị nhận được một cuộc điện thoại vào số máy cố định của gia đình. Ðầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện cho biết, chị M.A có một bưu phẩm là thông báo nợ thẻ tín dụng số tiền 36 triệu đồng của một ngân hàng. Tuy nhiên, chị A khẳng định bản thân không mở thẻ tín dụng nào của ngân hàng trên thì được người này nối máy tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Ðối tượng lừa đảo này tự xưng tên Nguyên yêu cầu chị M.A cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ căn cước công dân, số điện thoại di động… Sau đó, đối tượng này dùng một số điện thoại di động gọi vào số di động của chị A và hẹn sáng hôm sau sẽ liên hệ lại. Khoảng 8h ngày 12/8, người tên Nguyên tiếp tục gọi điện cho chị M.A, thông báo đã xác minh thông tin và được biết chị A có một tài khoản ngân hàng khác. Tài khoản này theo như Nguyên nói là đã nhận được số tiền rất lớn đến hàng chục tỷ đồng từ các đối tượng trong một đường dây mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Trong khi chị A hoang mang, lo lắng và liên tục khẳng định không liên quan, và không có tài khoản nào nhận được số tiền lớn như vậy, thì đối tượng tiếp tục chuyển máy cho một người khác, giọng miền nam, được giới thiệu là cấp trên của Nguyên. Ðối tượng này yêu cầu chị A muốn chứng minh bản thân vô tội thì phải mua một chiếc điện thoại mới, cài đặt ứng dụng "Bộ Công an", đồng thời sử dụng một số điện thoại khác để mở thẻ ngân hàng rồi chuyển tiền vào đó để cơ quan công an xác minh. Chị M.A đã lập tức đi mua một chiếc điện thoại cùng với một sim mới và cài đặt ứng dụng có tên "Bộ Công an" theo đường link mà người lạ gửi tới. Ðến 14h cùng ngày, chị M.A đã đến một ngân hàng và nhanh chóng mở tài khoản mới rồi gửi vào đó số tiền tiết kiệm gần 500 triệu đồng. Sau đó, chị M.A tiếp tục nhắn tin cho đối tượng thông tin đăng nhập và mật khẩu tài khoản ngân hàng mới để chúng kiểm tra. Ba ngày sau, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị M.A mở một tài khoản ngân hàng khác và làm đúng như hướng dẫn trước đó. Lần này, cảm thấy mình đang bị lừa, chị M.A không làm theo, đồng thời làm đơn trình báo tới cơ quan công an.

Qua xác minh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP.Hà Nội phát hiện, ứng dụng "Bộ Công an" mà các đối tượng lừa đảo sử dụng có hình đại diện là huy hiệu Bộ Công an. Khi truy cập ứng dụng sẽ hiển thị "Hệ thống bảo vệ Bộ Công an" với các mục chọn nhưng đều báo lỗi. Bên cạnh đó, ứng dụng này có quyền nhận, đọc, gửi và xem tin nhắn văn bản (SMS) của điện thoại. Từ đó, đối tượng có thể đọc được tin nhắn OTP của ngân hàng và thực hiện các giao dịch chuyển tiền như chủ tài khoản ngân hàng. Lực lượng công an khẳng định, đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin để nắm được thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội. Hạn chế cho người lạ sử dụng hoặc can thiệp vào điện thoại của mình vì chúng có thể cài các phần mềm độc hại. Có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, tránh để bị lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và lộ lọt thông tin cá nhân quan trọng, nhất là các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng.

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác với trò lừa đảo bằng ứng dụng 'Bộ Công an'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

ITE HCM 2024 chào đón nhiều thị trường mới
Bên cạnh các thị trường du lịch trọng điểm như Úc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, khu vực Trung Đông…, lần đầu tiên ITE HCMC 2024 chào đón người mua quốc tế đến từ Brazil, Cộng hòa Czech, Bangladesh, Pakistan.
An Giang bứt phá, kinh tế - xã hội khởi sắc
Nhờ thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang duy trì xu hướng tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng và quý tiếp theo.
Cổ phiếu của Công ty VNG giảm sốc
Phiên giao dịch hôm nay 6/9, cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG bất ngờ giảm mạnh vào cuối phiên chiều. Tính đến 13h45ph, cổ phiếu VNZ giảm gần 11%.

Tin mới