Thứ bảy, 21/12/2024 21:58 (GMT+7)
Thứ tư, 01/06/2022 06:55 (GMT+7)

Cần cuộc ‘đại phẫu’ để ‘vá lá phổi xanh’ cho Thành phố

Theo dõi KTMT trên

Từ chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, TP.Hà Nội đã có những việc làm thiết thực để bảo vệ ao, hồ, cải tạo môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài, Hà Nội cần một chiến lược bài bản, tương tự một cuộc “đại phẫu” để bảo vệ “lá phổi xanh” của TP.

Chung tay bảo vệ ao, hồ

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm sông, hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, từ năm 1995 đến nay, Thành phố triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi doanh nghiệp hợp tác cải tạo nhiều ao, hồ bị ô nhiễm, xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung. Hệ thống ao, hồ điều hòa - những "lá phổi xanh" của Thành phố được hồi sinh là nhờ có sự chỉ đạo, thực hiện kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp  nhân dân.

Trong đó, có thể kể đến mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ hồ ở Hà Nội do Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) khởi xướng từ năm 2010 và được thực hiện rất thành công. Thông qua đó, Hội đã tổ chức việc giám sát diện tích ao, hồ, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, trồng hoa và cây cảnh quanh hồ Đền Lừ. Cùng với đó, Hội đã phát động phong trào xanh – sạch – đẹp – nở hoa, bố trí các thùng rác quanh hồ và giao cho từng hộ quản lý khuôn viên hồ trước cửa nhà mành.

Đặc biệt, Hội thường xuyên tổ chức vệ sinh làm sạch quanh hồ vào các buổi cuối tuần để tạo dựng thói quen, nếp sống cho các cộng đồng quanh hồ về ý thức tự giác bảo vệ hồ. Hoạt động đã thu hút được sự tham gia của nhiều Người dân và nhận được sự đồng tình ủng hộ của Chính quyền phường.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức của các cấp chính quyền và nhất là người dân trong bảo vệ môi trường, Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo".

Cần cuộc ‘đại phẫu’ để ‘vá lá phổi xanh’ cho Thành phố - Ảnh 1
Hồ Ngòi Cầu Trại. (Ảnh: Nguyễn Cường)

Theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, khu vực nội thành có 125 hồ lớn nhỏ, khu vực ngoại thành có khoảng 1.000 hồ. Hiện nhiều hồ trên địa bàn Thành phố được xây kè hoàn toàn hoặc một phần, tạo cảnh quan đẹp cho Thành phố nói chung và từng khu vực dân cư nói riêng.

"Sở Xây dựng cũng sẽ tiếp tục đề nghị các quận, huyện, thị xã có kế hoạch duy tu, cải tạo và tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn để hồ luôn sạch sẽ, bảo đảm đúng chức năng điều hòa, là “lá phổi xanh” cho Thủ đô", ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Từ chủ trương, chính sách của Thành phố, nhiều cấp ngành, địa phương của Hà Nội đã có những việc làm thiết thực để bảo vệ ao, hồ, cải tạo môi trường. Cụ thể, hồ sinh thái Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên nay được thay đổi diện mạo mới với bờ kè, đường dạo, ghế đá xung quanh sạch, đẹp.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên) Nguyễn Văn Luyện cho hay, bên cạnh nỗ lực của người dân trong việc tổng vệ sinh môi trường, lực lượng chức năng của phường cũng ra quân chỉnh trang các hoa viên, giải phóng các tuyến đường, hành lang bị lấn chiếm nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị quanh khu vực hồ và giúp người dân lưu thông thuận tiện, an toàn. Việc này nhằm từng bước nâng cao ý thức, thói quen trong cộng đồng đối với việc bảo vệ môi trường ở các khu dân cư trong địa phương.

Ngoài ra, người dân còn trồng hoa xung quanh hồ, thả bè thủy sinh và lắp thêm đài sen phun nước, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng cảnh sắc ở hồ. "Chính quyền đã khích lệ sự tự giác của cộng đồng trong bảo vệ hồ, là bảo vệ chính cuộc sống của người dân", ông Nguyễn Văn Luyện chia sẻ.

Xét ở quy mô rộng hơn, từ nhiều năm nay, huyện Thanh Trì đã duy trì phong trào "ngày cuối tuần xanh". Theo đó, nhằm hưởng ứng phong trào trên, từ lãnh đạo huyện đến các xã, thôn sẽ dành một buổi vào cuối chiều cuối tuần để thực hiện việc thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, trồng lại cây xanh.

Đáng chú ý, phong trào đặc biệt trú trọng đến việc làm sạch các kênh mương, ao, hồ với phương châm "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu". Thông qua phong trào này, gần 2.000 m3 rác thải tại khúc sông Tô Lịch (đoạn qua địa phận huyện Thanh Trì) đã được dọn dẹp, xử lý, góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đối với những đoạn bờ sông bị sạt lở đã được xây kè, trồng hoa, làm khu vui chơi cho người dân, từ đó vẻ đẹp tự nhiên vốn có của con sông Tô Lịch đang dần trở lại.

Không chỉ ngoại thành, cùng chung ý chí giữ môi trường hồ nước trong sạch, tại các quận nội đô như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng, từ nhiều năm nay đã đi tiên phong trong phong trào xây dựng kế hoạch chỉnh trang, cải thiện môi trường mặt nước, quang cảnh xung quanh các ao, hồ.

Cần cuộc ‘đại phẫu’ để ‘vá lá phổi xanh’ cho Thành phố - Ảnh 2
Hồ Giảng Võ sạch – đẹp sau khi cải tạo.

Điển hình, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã biến đoạn “mương thối” dài khoảng 200 m tính từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2 trở thành điểm đến du lịch, thu hút số lượng lớn người dân tìm đến. Với tinh thần "lấy xây để chống", quận Ba Đình đã cho phép phường Trúc Bạch, huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với ngân sách tiến hành nạo vét rác thải trong mương, bờ lát gạch tự chèn.

Cùng với đó, phường đã lát gạch toàn bộ các ngõ ven hồ, lắp đặt hệ thống đèn lồng, đèn chiếu sáng, cây xanh trang trí, tranh tường nghệ thuật giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người Trúc Bạch.

Có thể thấy, sau khi xây dựng cải tạo lại ao, hồ nhiều địa phương của Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động phát huy giá trị của ao, hồ, phục vụ đời sống của người dân khu vực để giúp lá "phổi" khỏe mạnh hơn. Đáng chú ý, nhiều hồ điều hòa trên địa bàn Thủ đô đã trở thành địa điểm lý tưởng để người dân vui chơi, tập thể dục. Giữ gìn, phát huy những thành quả đạt được, chính quyền các địa phương và người dân đã, đang thực hiện nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa để những "lá phổi xanh" tiếp tục góp phần làm đẹp Thủ đô.

Những dự án “giải cứu” để ao, hồ hồi sinh

Đứng trước thực trạng ao, hồ ngày một "chết" dần, trong thời gian từ 2010 đến nay, hàng chục hồ tự nhiên thuộc các quận nội thành của Hà Nội đã được giải cứu, chấm dứt thảm họa ô nhiễm môi trường, san lấp mặt nước trái phép làm đất ở…

Theo đó, các dự án cải tạo môi trường hồ giai đoạn này nằm trong “chiến dịch” cứu các hồ nội thành do Thành ủy, UBND TP.Hà Nội phát động để cải tạo môi trường các hồ bị ô nhiễm, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân và chống lấn chiếm hồ. Nhiều hồ tự nhiên một thời là nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng lấn chiếm, lấp hồ làm đất ở trái phép; xả thải ra hồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... nhưng đến nay đã được gìn giữ và cải tạo.

Năm 2010, dự án cải tạo đầm Hồng (còn gọi là hồ Khương Trung 1-2 thuộc 2 phường Khương Đình, Khương Trung (quận Thanh Xuân), hồ Phương Liệt, hồ Tân Mai được TP.Hà Nội phê duyệt với kinh phí gần 122 tỷ đồng từ ngân sách. Dù bị chậm tiến độ nhiều năm với lý do công tác giải phóng mặt bằng, được gia hạn hoàn thành sang tháng 9/2016, cuối cùng dự án cũng được hoàn thành, tạo ra môi trường cảnh quan xanh, sạch hơn cho cư dân sinh sống xung quanh.

Cùng thời điểm năm 2010, hồ Phương Liệt (quận Thanh Xuân) cũng được “thay áo mới”. Theo đó, Dự án cải tạo môi trường hồ Phương Liệt bao gồm các hạng mục: nạo vét bùn lòng hồ; hoàn chỉnh phần kè và hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ với tổng diện tích mặt nước là 1,2ha, tổng diện tích đất là 1,7 ha. Tổng khối lượng nạo vét và vận chuyển bùn đất khoảng 5.700m3, kè mới hồ 110m, sửa chữa kè hiện trạng 180 m, làm 250 bồn hoa xung quanh hồ, lát vỉa hè 725 m2, làm đường 1.685 m2 và hệ thống chiếu sáng xung quanh hồ.

Kế bên hồ Phương Liệt, hồ Rùa (cũng thuộc địa bàn phường Phương Liệt) được hồi sinh nhờ chủ trương giải cứu hồ trong giai đoạn này. Với mặt đường được mở rộng, vỉa hè lát gạch sạch sẽ và cây xanh bén rễ tốt tươi, giờ đây hồ Rùa đã trở thành nơi để người dân đến tận hưởng không khí trong lành, thư giãn sau giờ làm việc. 

Ngày 4/5/2009, Thành phố lên phương án quy hoạch chi tiết, thu hồi 53.359 m2 đất hồ Rùa giao cho BQL dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) triển khai dự án. Song quá trình thực hiện, dự án vấp phải sự phản đối của những hộ dân có quyền lợi liên quan, trước đó được cho thuê hồ để nuôi trồng thủy sản.

Một dự án “giải cứu” khác mang tên hồ Định Công (quận Hoàng Mai) cũng kéo dài nhiều năm trời. Được khởi động từ tháng 12/2011, dự án cải tạo ao, hồ Định Công là một trong những hạng mục quan trọng của dự án thoát nước giai đoạn 2 có tổng giá trị lên tới 275 tỷ đồng, thời gian thi công 25 tháng.

Cần cuộc ‘đại phẫu’ để ‘vá lá phổi xanh’ cho Thành phố - Ảnh 3
Hàng loạt hồ tự nhiên thuộc các quận nội thành của Hà Nội đã được giải cứu, chấm dứt thảm họa ô nhiễm môi trường, san lấp mặt nước trái phép làm đất ở.

“Cuộc chiến giữ hồ” cũng đầy cam go của người dân thôn Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cách đây hơn chục năm để giành lại không gian hồ B trên địa bàn.

Năm 2010 - 2012, khi đó huyện Từ Liêm cũ (nay là Nam Từ Liêm) đã đồng ý chủ trương cho một chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu đô thị và sân golf trên toàn bộ phần diện tích của hồ B và một phần bãi rác của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Hà Nội. Trước nguy cơ hồ bị biến mất, nhiều hộ dân trong thôn đã kiên trì xin giữ hồ. Năm 2013, quận Nam Từ Liêm đã quyết định dừng dự án.

Cần giải pháp đồng bộ

Song hành cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, trong những năm đầu của thế kỷ 21, một trong những tiêu chí để thúc đẩy đô thị phát triển bền vững là chất lượng cuộc sống của những người dân đô thị. Điều này được thể hiện ở sự đa dạng và sôi động của các không gian công cộng. 

Là một thành phần quan trọng của không gian mở trong đô thị, hồ Hà Nội đã cho phép giảm mật độ xây dựng, tạo nên các không gian xanh xen kẽ, len lỏi trong các khu vực chức năng, tạo thành các vùng “trũng” có điều kiện vi khí hậu tốt nhất trong đô thị. Nếu nhìn nhận rộng hơn, hệ thống các hồ ở Hà Nội chính là một thành phần quan trọng của hạ tầng xanh, không chỉ điều hòa nguồn nước mà còn phần nào kết hợp với hệ thống cây xanh thảm cỏ, thanh lọc những thành phần ô nhiễm của đô thị.

Trước đó, từ tháng 6/2009, Thành ủy Hà Nội từng chỉ đạo ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp ao, hồ trên địa bàn. "Trong quá trình xây dựng các đồ án quy hoạch mới, cần đặc biệt quan tâm, giữ gìn, có phương án cải tạo các ao, hồ để tạo cảnh quan đẹp cho Thành phố", Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Đến tháng 8/2009, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (thời điểm năm 2009) cũng chỉ đạo rà soát tất cả quy hoạch công viên, cây xanh, hồ nước trên địa bàn Thủ đô. Chủ tịch khẳng định "các khu công viên, cây xanh, hồ nước trên địa bàn sẽ được rà soát quy hoạch, đánh giá thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng; từ đó đề xuất phương án quy hoạch, cơ chế quản lý và cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp...".

Theo ông Vũ Hồng Khanh, nguyên Phó chủ tịch TP.Hà Nội, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các ao hồ đang được UBND Thành phố xem là quan tâm “số 1” trong vấn đề ô nhiễm môi trường sống tại Thủ đô hiện nay. “Quan điểm của Thành phố là sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ trong nước nếu có cùng chi phí và hiệu quả với công nghệ của nước ngoài”.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cải tạo ao hồ theo phương thức xã hội hóa. Đáp lại, doanh nghiệp sẽ được tham gia quản lý, sử dụng và khai thác hồ với mục tiêu lợi nhuận.

“Xử lý ô nhiễm môi trường ở các ao hồ là một bài toán khó, nhưng không có nghĩa khó thì không làm. Thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức, nhân dân để trong một vài thập kỷ tới, ao hồ ở Hà Nội sẽ trở nên trong hơn, sạch hơn”, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định.

Từ những nhận định trên, có thể thấy công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý hệ thống ao, hồ ở Hà Nội là một vấn đề có tính liên ngành, cần sự đóng góp của nhiều lĩnh vực chuyên môn và đặt dưới sự quản lý của nhiều ban ngành chức năng. Do đó, để nâng cao hiệu quả bảo tồn, tôn tạo, quản lý hồ, cần có các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống, đảm bảo sự đồng bộ cho các giải pháp được phát huy một cách hiệu quả nhất.

Cần thiết lập danh sách ao, hồ không được san lấp

Để gìn giữ nguồn tài nguyên nước tự nhiên, Bộ TN&MT vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện xây dựng danh mục ao, hồ không được san lấp.

Việc sớm phê duyệt, ban hành các danh mục nêu trên nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức, lập Quy hoạch vùng, tỉnh, đặc biệt liên quan đến phần đất có mặt nước, đất hành lang sông hồ để bảo vệ nguồn nước, đất có hồ ao thuộc danh mục cấm san lấp và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật về Quy hoạch.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần cuộc ‘đại phẫu’ để ‘vá lá phổi xanh’ cho Thành phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới