Thứ sáu, 22/11/2024 04:57 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 17:00 (GMT+7)

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Ao, hồ là một phần không thể tách rời trong hệ thống sinh thái cảnh quan của Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, nhiều năm qua, không ít ao, hồ trên địa bàn thành phố đã và đang bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án.

Lời tòa soạn

Tại nhiều nước trên thế giới, cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao, hồ, cây xanh giúp điều hoà không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khoẻ, ổn định đời sống dân cư. Trong các bản quy hoạch, các đô thị lớn đều tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên để thực hiện dự án. Thậm chí, họ còn tạo ra nhiều hồ nước nhân tạo để góp phần điều hòa không khí, tạo cảnh quan. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều năm qua, không ít các hồ nước là “nạn nhân” của tình trạng “bê tông hóa”. Các công trình, dự án mọc lên từ những hồ nước tự nhiên bị san lấp.

Về tình trạng này, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa. Tuyến bài nêu lên thực trạng, cái nhìn toàn cảnh về tình trạng “bê tông hóa” ao, hồ tại Hà Nội. Qua đó, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực môi trường, quy hoạch sẽ đưa ra các giải pháp để giúp Hà Nội gìn giữ, bảo vệ các ao, hồ tự nhiên.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 1

Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến được biết đến là một đô thị có hệ sinh thái cảnh quan phong phú với hệ thống ao, hồ và cây xanh đa dạng. Trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng quan trọng hơn trong chức năng sinh thái xã hội, môi trường, điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hồ Hà Nội gắn liền với các địa danh văn hóa, lịch sử tâm linh tạo nên những giá trị văn hóa riêng cho Hà Nội.

Mang nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng do sự phát triển của Thủ đô, theo thời gian, số lượng ao, hồ trên địa bàn Thủ đô sụt giảm một cách đáng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho dự án. Diện tích, số lượng ao, hồ bị thu hẹp cũng đã gây ra nhiều hệ lụy: Ngập lụt, ô nhiễm không khí, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút… Nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ. Song để cứu vãn những ao, hồ còn lại, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 2

Cách đây khoảng 10 năm, khu vực các quận như Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam – Bắc Từ Liêm, Tây Hồ là những vùng có nhiều ao, hồ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao. Ao, hồ là một trong những mục tiêu lấn chiếm, san lấp.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 3
Số liệu: Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. (Đồ hoạ: Hoàng Việt)

Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2.

Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận trung tâm của nội thành Hà Nội. Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000 m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 4

Trước thực trạng suy giảm ao, hồ, UBND TP.Hà Nội cũng đã nỗ lực thúc đẩy công tác kè hồ. Năm 2010, có 80% hồ đã kè toàn phần, chiếm 66,5% số lượng ao, hồ Hà Nội; 10 hồ chỉ kè một phần, chiếm 80%; và 32 hồ chưa kè, chiếm 26%. Trong đó, có 73% số hồ đã kè toàn phần có môi trường bờ được đánh giá là sạch và khá sạch, 23% là bẩn và 4% được đánh giá là rất bẩn. Đối với các ao, hồ chỉ được kè một phần hoặc chưa kè, chỉ có 18 % số hồ được đánh giá là sạch và khá sạch, nhưng có tới 20% là bẩn và 62% là rất bẩn.

Đến năm 2015, có 86 hồ đã kè toàn phần, chiếm 77% số lượng ao, hồ Hà Nội; 13 hồ chỉ kè một phần, chiếm 11,5%; và 13 hồ chưa được kè, chiếm 11,5%. Số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần tăng lên đáng kể và chất lượng vệ sinh ở các hồ khá tốt, 82% số hồ đã kè toàn phần có môi trường bờ được đánh giá sạch và khá sạch. Tuy nhiên, vẫn còn 14% là bẩn và 4% là rất bẩn. Đối với các ao, hồ chỉ được kè một phân và chưa được kè chỉ chiếm 20% ao, hồ có môi trường hành lang bờ sạch và rất sạch và có đến 52%, chất lượng rất bẩn, 28% có chất lượng bẩn.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 5
Số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. (Đồ hoạ: Hoàng Việt)

Như vậy, so với năm 2010, số ao, hồ được kè toàn phần có môi trường bờ được đánh giá là sạch và khá sạch tăng 9%, số hồ bẩn giảm 9% và số hồ rất bẩn vẫn giữ nguyên ở mức 4%. Bên cạnh đó, số ao, hồ chỉ kè một phần và chưa kè được đánh giá là sạch và khá sạch tăng 2%, số hồ bẩn tăng 32 % và số hồ rất bẩn giảm 34%.

Đặc biệt, các ao, hồ chưa được kè hoặc chỉ kè một phần luôn đứng trước những nguy cơ bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Hiện tượng này cũng đã nhiều lần được nhân dân viết đơn kiến nghị, các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tin phản ánh, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Mới đây, câu chuyện lấn hồ làm dự án lại tiếp tục tái diễn và hồ Bà Đồ (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) lại là “nạn nhân”. Sự việc này cũng đã khiến cho không chỉ người dân sinh sống nơi đây, mà dư luận Hà Nội và cả nước cũng lên tiếng phản đối. Thậm chí người dân sống tại đây cũng đã viết đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 6
Người dân tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) treo băng rôn phản đối việc san lấp 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ).

Sở dĩ người dân không đồng tình việc lấp hồ là vì khu vực hồ Bà Đồ từ trước đến nay góp vai trò rất lớn trong việc thoát lũ, tưới tiêu cho ruộng lúa, hoa màu và điều hòa không khí cho khu vực này. Việc quận Long Biên lấp hồ, lấy đất làm dự án sẽ lấy đi không gian sống đã được hình thành qua nhiều thế hệ của cả nghìn người dân.

Nhìn rộng hơn, môi sinh thành phố rồi sẽ phải trả giá, giống như chuyện san lấp hồ, ao từng xảy ra vài năm trước và bây giờ đô thị Hà Nội đang phải gánh chịu. Hà Nội đang phải chi rất nhiều tỷ đồng cho hệ thống thoát nước đô thị và đào lại hồ, khơi vét các dòng sông để chống chọi với tình trạng úng ngập.

Mặt khác, cảnh quan, không gian công viên, cây xanh, mặt nước đang trở thành một thứ xa xỉ ở các đô thị lớn của Việt Nam. Trong khi tốc độ đô thị hoá, mật độ dân số và cao ốc tăng lên thì diện tích không gian xanh này dường như lại càng ít.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích” (Điều 57). Trong khi đó, Luật Kiến trúc (2019) cũng yêu cầu các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố, bao gồm cả đài phun nước đều phải đảm bảo thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ (Điều 11).

Mặt khác, chúng ta không thể quên công viên và cây xanh đô thị cũng là một loại tài sản công quan trọng và quý giá. Điều 4 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017) nêu rõ tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao gồm nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Trong đó, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và hạ tầng du lịch. Như vậy, chính ao, hồ, công viên và cây xanh đô thị thuộc về ba loại tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên. Đã là tài sản công thì phải được quản lý và khai thác “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật” (Điều 6). Và rõ ràng, những đề xuất lấp hồ, lấp diện tích cây xanh đều phản khoa học, trái ngược lại với các quan điểm bảo vệ môi trường.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 7

Câu chuyện san lấp ao, hồ làm dự án không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà tình trạng san, lấp hồ, ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Về vấn đề này, từ năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật quy định. Theo đó, tại khoản 7 Điều 60 của Luật tài nguyên nước quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước trong phạm vi địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1) - Ảnh 8
Tình trạng san lấp, lấn chiếm hồ, ao tại Hà Nội diễn ra ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, tính đến nay, trên cả nước mới có 30/63 tỉnh, thành phố lập, công bố danh mục “hồ ao không được san lấp”. Nhiều tỉnh thành lớn, có sự phát triển kinh tế xã hội như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn chưa ban hành danh mục.

Ngoài ra, thống kê cho thấy cả nước hiện mới chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; và 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Ngày 10/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3129/BTNMT-TNN gửi UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các Sở, ban ngành khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phê duyệt, công bố.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký văn bản số 1493/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.

Nội dung: Hà Lan
Đồ họa: Hoàng Việt, Thế Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong “cơn lốc” đô thị hóa (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.