Thứ bảy, 27/04/2024 14:03 (GMT+7)
Thứ năm, 15/02/2024 11:00 (GMT+7)

“Cần chữ tầm và chữ tâm để đến với rác”

Theo dõi KTMT trên

Đó là cách Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT - Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam nói về công cuộc xử lý rác tại Việt Nam hiện nay.

Phải đủ yêu, đủ tâm huyết với rác mới có cơ hội thành công

Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT - Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam được xem như là một trong những người tiên phong về công nghệ xử lý rác hiện nay tại Việt Nam.

Ông quan niệm, rác là một loại tài nguyên và để làm thành công công cuộc xử lý rác thì ngoài cái tầm còn cần một chữ tâm. “Làm về rác rất vất vả. Phải đủ yêu, đủ tâm huyết thì mới có cơ hội để thành công được”, Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng cho biết.

Quan điểm xuyên suốt của ông trong suốt nhiều năm qua là nhập khẩu những gì cần nhập. Còn nếu có thể tự sản xuất, nội địa hóa thì càng tốt. Ông phân tích, trong thiết bị đo lường về ngành vật liệu, có những máy nén bê tông, khuôn bê tông, những công cụ dành cho ngành thí nghiệm về vật liệu xây dựng. Hiện nay, công tác kiểm tra công trình xây dựng nói chung, giao thông thủy lợi hay xây dựng nhà cửa thì bắt buộc phải có thiết bị kiểm định, tức là công cụ đặc thù. Vấn đề là hiện nay, có rất nhiều công cụ mà cơ khí chính sách ở Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt. Vậy tại sao chúng ta không làm để có thể tự sản xuất ra những công cụ này thay vì phải nhập khẩu từ các nước G7 với những mức giá rất đắt đỏ, gấp trung bình từ 5-10 lần. Nhập khẩu cũng rất mất thời gian từ 8-12 tuần mới về đến Việt Nam trong khi nếu tự sản xuất, chúng ta chỉ mất có 4 tuần. T-Tech ra đời từ đó, bắt đầu từ việc nhập khẩu và sau đó nội địa hóa dần.

“Cần chữ tầm và chữ tâm để đến với rác” - Ảnh 1
Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng tại một diễn đàn về công nghệ xử lý rác.

Khi T-Tech thâm nhập vào mảng thiết bị đo lường đó, sau khoảng 5 năm, các hãng nước ngoài gần như rất khó vào Việt Nam và bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi những doanh nghiệp như T-Tech. Bản thân T-Tech là một trong một vài ba đơn vị hiện nay đạt được quy mô tạo sản xuất đồng bộ tại Việt Nam trong lĩnh vực đo lường.

20 năm trước, T-Tech cũng từng làm phân phối cho một hãng thiết bị đốt rác của Nhật. Tuy nhiên quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy công cụ đốt rác đó không phù hợp với đặc điểm rác Việt Nam. Đối tượng rác của Nhật đã được khách hàng chủ động phân loại sẵn ngay từ đầu, đơn giá cao, trong khi rác Việt Nam là một sự “hỗn độn”, “hổ lốn” cùng với đơn giá thấp.

Nhưng với suy nghĩ là xử lý rác ở Việt Nam hoàn toàn có thể nội địa hóa một cách đơn giản, ông bắt tay vào việc nghiên cứu, thành lập doanh nghiệp chuyên về rác. Bắt tay cùng với các cán bộ nhân viên dày kinh nghiệm được ông thu hút về doanh nghiệp, sau 3 tháng, mô hình lò đốt rác mang tên thương hiệu T-Tech ra đời như một bài toán cho công tác xử lý rác tại nhiều khu công nghiệp, nhà máy, địa phương.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng cho rằng, nguyên lý xử lý rác tại Việt Nam cần tuân thủ những yếu tố cơ bản, một là áp dụng nguyên lý công nghệ, khoa học ứng dụng và tính thực chiến phải đặt lên hàng đầu.

“Lò đốt rác T-Tech cũng không có điều gì quá đặc biệt, nhưng chúng tôi có sự thông minh, chất “nghề” trong đó. Ví dụ như tường lò cách nhiệt, giữ nhiệt của T-Tech được làm thành nhiều lớp giữ nhiệt. Tính toán để lưu chuyển dòng khí nóng khi đưa vào để được cộng hưởng và hấp thụ nhiệt tối đa. Hệ thống bức xạ nhiệt cũng phải được tính toán, tận dụng tối đa nhiệt tạo ra từ rác để quay lại đốt rác”, chuyên gia công nghệ trải lòng tâm huyết.

“Cần chữ tầm và chữ tâm để đến với rác” - Ảnh 2
“Lò đốt rác T-Tech cũng không có điều gì quá đặc biệt, nhưng chúng tôi có sự thông minh, chất “nghề” trong đó", Tiến sỹ Trọng nói về những sản phẩm tâm huyết của mình.

Tự nhận mình là người có duyên với nghề rác, nghề đốt lò vì 6 tuổi đã được làm quen với nghề nấu mật mía, 11 tuổi đã đi xay xát gạo lẫn trấu, tiếp xúc rất sớm với công nghệ đốt lò nổi tiếng ở thời điểm đó như Công Đông, Bông Sen. Ông cho biết, nghề làm kinh tế và cơ khí do bố dạy là chính còn việc học xong đại học là do “mẹ ...ép buộc”.

Chuyên gia công nghệ cho biết, ông luôn biết ơn những công việc từng làm lúc nhỏ như chọc lò nấu mật buổi sáng để cảm nhận được lửa như thế nào. Hay sấy long nhãn và cài bầu than cho lò gạch. Để làm tốt những công việc tưởng rất đơn giản đó, người thợ phải giống như nghệ nhân, phải có bàn tay khéo, sự cảm nhận tinh khôn. Tất cả những điều đó chỉ có được bằng những kinh nghiệm thực chiến, “không một lý thuyết, sách vở nào có thể dạy được”.

Điều Tiến sỹ Trọng trăn trở hiện nay, đó là vấn đề xử lý rác vẫn chỉ được hình dung ở việc quét, gom, đốt rác mà quên rằng cần định vị khu xử lý rác phải là khu kinh tế và là kinh tế tuần hoàn. Phải nhận định rác là một loại tài nguyên và cần tận dụng, xử lý đúng cách để tái sử dụng loại tài nguyên đó.

Ông nhấn mạnh, xử lý môi trường không chỉ riêng ngành môi trường cần làm mà cần sự chung tay của toàn xã hội, sự vào cuộc của toàn dân, các bộ ngành. Từ giàu đến nghèo, từ quan chức đến người dân, từ trung ương đến địa phương. Và một vấn đề nữa là cần nâng cao ý thức xả rác của người dân, không chỉ vứt đúng nơi quy định mà cần có ý thực tự phân loại rác ngay từ đầu.

‘Chúng ta vẫn đang loay hoay về rác thải’

Là người xuất hiện ở nhiều diễn đàn về công nghệ xử lý rác, Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng rất nhiều lần đặt vấn đề vì sao lâu nay chúng ta vẫn loay hoay với bài toán về rác thải. Công tác thu gom có kiểm soát hay không, có tái chế, có quy trình thu gom hay không?

“Cần chữ tầm và chữ tâm để đến với rác” - Ảnh 3
Một mô hình xử lý rác của công nghệ T-Tech. 

“Thực trạng hiện nay, tại nhiều địa phương hay thành phố lớn vẫn cứ loay hoay, loay hoay từ việc lựa chọn công nghệ, loay hoay lựa chọn nhà đầu tư, loay hoay quản lý sau đầu tư, nói chung là rất luẩn quẩn. Mấu chốt của vấn để có thể nói rằng, nhiều tỉnh, thành phố hiện nay đang thiếu một “kiến trúc sư trưởng” ngành rác.  Nói vậy nghe có vẻ không được khiêm tốn nhưng về cơ bản hiện trạng đang là như vậy”, Chủ tịch HĐQT - Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết.

Ông nêu các vấn đề lớn về xử lý rác thải đang tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay đang. Theo chuyên gia môi trường, có nhiều nguyên nhân gây thất bại của các nhà máy rác trên toàn quốc trong những năm qua, bao gồm nguyên nhân về công nghệ. “Công nghệ hiện nay chưa phù hợp với rác Việt Nam, kể cả công nghệ Đức, Nhật Bản, Châu Âu,…  qua các nguồn vốn ODA và Đầu tư tư nhân đa phần thất bại, sản xuất phân Compost thất bại, Plasma thất bại, Khí hóa thất bại,…”, ông Trọng phân tích.

Một nguyên nhân nữa là suất đầu tư quá lớn do công nghệ nước ngoài quá đắt hoặc do nhà đầu tư đẩy giá để vay vốn. Trong khi đơn giá xử lý rác rất thấp, từ 400k - 500k/tấn. Nguyên nhân thứ ba, quy hoạch nhà máy rác không khoa học, hệ thống thiết kế không tốt, không tối ưu dẫn đến lãng phí và vận hành không hiệu quả.

Một nguyên nhân “tất yếu” khác, theo chuyên gia là về năng lực vận hành yếu, do ít kinh nghiệm, nhà đầu tư “tay ngang”, không chuyên nghiệp.

“Và cuối cùng là nhà đầu tư không có công nghệ trong tay, phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không tự sửa chữa, không tự nâng cấp, bị động. Trong khi đó, rác đòi hỏi liên tục hàng ngày kể cả ốm đau, lễ Tết, hay máy hỏng”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng phân tích.

Cần có bản đồ quy hoạch thông minh về điểm xử lý rác

Để giải quyết vấn đề xử lý rác hiệu quả, theo tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng, cần có bản đồ quy hoạch thông minh về điểm xử lý rác, trong đó có nhóm giải pháp với 3 bước đối với các tỉnh, thành, địa phương hiện nay.

Bước 1, mỗi tỉnh, thành phố phải có một bản đồ quy hoạch “thông minh” về các điểm xử lý rác, trạm xử lý rác, mạng lưới thu gom, …. đảm bảo tối ưu, khoa học. Rất nhiều tỉnh, thành phố mắc lỗi này và tồn tại trong nhiều năm qua.

Bước 2,  lựa chọn “công nghệ phù hợp”, “nhà đầu tư phù hợp” thì mới có cơ hội thành công. Trong bước này hạn chế lựa chọn “nhà đầu tư tay ngang”, không có kinh nghiệm, không chuyên nghiệp, không có công nghệ trong tay. “Hạn chế “tâm lý sính ngoại”, nghĩ rằng cứ phải chọn công nghệ G7 thì mới tốt, đây là một quan điểm “sai lầm nghiêm trọng” trong việc xử lý rác. Rác Việt Nam không giống rác nước ngoài, nên để công nghệ Việt Nam xử lý”, chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Bước thứ ba, theo tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, cần quản lý sau đầu tư đối với các dự án nhà máy xử lý rác thải. “Sau khi các nhà máy rác được đầu tư bài bản, ngoài việc giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng, thì rất cần có sự chung tay, đồng hành thường xuyên, liên tục của ba đơn vị khác nữa đó là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu không có sự đồng hành, gắn kết của 3 “đơn vị” nêu trên thì nguy cơ các nhà máy rác rơi vào thất bại là rất lớn.

Các dự án khác, nếu thất bại thì chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp thôi. Còn nếu 1 dự án về xử lý rác mà thất bại thì ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến cả các lãnh đạo đừng đầu địa phương, ảnh hưởng người dân và cả chính nhà đầu tư.

Bởi vậy, tôi vẫn nói là làm về rác rất vất vả, nếu không yêu rác, không tâm huyết, không đủ năng lực thì đừng làm, đừng tham gia mà đứng sang một bên để cho những ai có đủ những yếu tố đó, họ làm.

Với kinh nghiệm và tâm huyết cho ngành rác cùng hành trình 20 năm hoạt động, mới đây T-Tech được vinh danh là một trong 33 Sản phẩm Chủ lực của Thành phố Hà Nội năm 2023. Nhưng với Tiến sỹ Nguyễn Đình Trọng và các đồng nghiệp, hành trình đến với rác vẫn còn được tiếp nối và phát triển để không ngừng miệt mài đưa công nghệ đốt rác phù hợp nhất đến từng địa phương trên cả nước.

Đào Bích

Bạn đang đọc bài viết “Cần chữ tầm và chữ tâm để đến với rác”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới