Cần cách tiếp cận mới cho thị trường năng lượng cạnh tranh
Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển.

Nhiều bước tiến đáng kể
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa diễn ra, PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, phát triển năng lượng luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng. Ông cho biết, những thành tựu trong ngành năng lượng thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, một lĩnh vực mang lại đột phá lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.
Trong gần 5 năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Thứ nhất, năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Điều này không chỉ đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo mà còn khẳng định vai trò của chúng ta trong công cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Thứ hai, ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.
Thứ ba, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ các đối tác quốc tế. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Vẫn còn những điểm nghẽn cần khai thông

Bên cạnh những điểm tích cực, nhiều “điểm nghẽn” trong đảm bảo an ninh năng lượng hiện nay cần được khai thông, đó là: nhu cầu năng lượng tăng cao đang gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước còn hạn chế, dẫn đến phụ thuộc ngày càng tăng nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Việc trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Dự báo, từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.
Trong khi đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Khung khổ pháp lý còn thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần phải đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay và gắn với điều kiện thực tế của Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để có hệ thống giải pháp đồng bộ mang tính đột phá.
PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra bài học từ chính sách giá cố định (FIT) đối với năng lượng tái tạo, đặc biệt ở Ninh Thuận, là minh chứng cho sự cần thiết phải chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường. Việc định giá không phù hợp đã gây ra những hệ lụy lớn, từ lãng phí tài nguyên đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận minh bạch, công bằng, tránh phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Ông Thiên đề xuất triển khai cơ chế giá điện hai thành phần - bao gồm giá công suất và giá theo sản lượng tiêu thụ - như một giải pháp hiệu quả đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, trong đó có Trung Quốc. Cơ chế này không chỉ khuyến khích đầu tư vào năng lượng mà còn giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, cân bằng cung cầu và giảm áp lực lên hệ thống năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cảnh báo rằng, việc thực hiện chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường sẽ gặp không ít thách thức, đặc biệt khi nhu cầu năng lượng gia tăng đột biến trong những năm tới. Nếu không có những chính sách linh hoạt và đồng bộ, nguy cơ mất cân bằng năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế rất cao.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, quyết tâm đổi mới cơ chế giá điện không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế dựa trên nền tảng thị trường cạnh tranh. Chính sách này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam chuyển đổi thành công sang một hệ sinh thái năng lượng hiệu quả, bền vững và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Phân tích mô hình phát triển năng lượng tái tạo của Đài Loan (Trung Quốc), PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội nêu một số kinh nghiệm có tính ứng dụng cao khi phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, từ năm 2009, Đài Loan đã ban hành Đạo luật phát triển năng lượng tái tạo, mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo của Đài Loan.
Đạo luật quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo nhằm tách khỏi sự phụ thuộc của Đài Loan vào các nguồn năng lượng có hạn, góp phần giảm lượng khí thải carbon dioxide và ngăn chặn những thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra. Đài Loan cương quyết sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh quốc gia nếu phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, Đài Loan đã thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách tăng cường năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực điện mặt trời và điện gió. Với mục tiêu hướng tới nền kinh tế các bon thấp, Đài Loan rất chú trọng các chính sách phát triển năng lượng tái tạo.
“Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Vì vậy, cần chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất”, bà Bình đề cập.
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PGS-TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng, vấn đề quy hoạch cần phải làm một cách chất lượng. Theo đó, các bộ quản lý ngành phải gắn trách nhiệm vào tính khả thi của các quy hoạch năng lượng, chấm dứt tình trạng lập quy hoạch chỉ để “cấp phép”, quản lý quy hoạch theo kiểu “hòa cả làng”.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo, quy hoạch lại mạng lưới điện gió để phát triển trọng điểm, hiệu quả hơn, tránh tình trạng dàn trải, ồ ạt đầu tư nhưng lại không phát huy hết công suất.
Đồng thời, nền kinh tế cần được cơ cấu lại theo hướng vào những ngành có mức sử dụng năng lượng thấp, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Minh Thành