Gã khổng lồ công nghệ Meta mua tín chỉ xanh từ các dự án năng lượng mặt trời
Thông qua những thỏa thuận hợp tác về năng lượng sạch, công ty công nghệ Meta của Mỹ mới có thể đạt được những mục tiêu lớn về khí hậu trong khi các trung tâm dự liệu lớn ngày càng tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Chạy đua cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của toàn cầu, gã khổng lồ công nghệ Meta Platforms Inc, tiền thân là Facebook đã công bố thỏa thuận mua tín chỉ xanh từ 4 dự án năng lượng mặt trời lớn của Mỹ vào ngày 10/12 vừa qua. Đây là thỏa thuận lớn gây tiếng vang trong năm 2024 của Meta nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng cao.
Công ty năng lượng Invenergy chính là đối tác mà Meta đã lựa chọn để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ mà không gây hại tới khí hậu Trái đất. Theo công bố chung, Invenergy sẽ cung cấp 760 megawatt điện mặt trời cho Meta. Sản lượng này tương đương với lượng điện cung cấp đủ cho 130 nghìn hộ gia đình sử dụng.
Thỏa thuận chung của Meta và Invenergy cho biết, dự án cung cấp điện sạch của cả hai kéo dài từ năm 2024 đến 2027 sẽ được đặt tại các bang Ohio, Texas, New Mexico và Arkansas. Điều đặc biệt trong thỏa thuận này là Meta sẽ nhận được tín chỉ xanh từ năng lượng sạch thay vì sử dụng trực tiếp năng lượng mặt trời cho các hoạt động vận hành của công ty. Được biết, trước đó, Meta đã ký kết thỏa thuận với một số công ty năng lượng mặt trời bà địa nhiệt khác. Ngoài ra, Meta còn không ngừng tìm kiếm hợp tác với các nhà máy điện hạt nhân.
Ông Urvi Parekh, Giám đốc Năng lượng Toàn cầu của Meta cho biết, những dự án điện sạch sẽ giúp công ty công nghệ đa quốc gia này tiếp tục cam kết hỗ trợ tất cả các hoạt động bằng 100% nguồn điện từ năng lượng sạch.
Thuật ngữ tín chỉ carbon hiện đang phổ biến hơn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0. Trong khi đó, tín chỉ xanh là thuật ngữ rộng hơn và tín chỉ carbon chỉ là một phần của tín chỉ xanh.
Tín chỉ xanh có thể bao gồm các sáng kiến về bảo vệ môi trường từ cắt giảm carbon, bảo tồn nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học cho tới cắt giảm chất thải. Mặc dù cả tín chỉ xanh và tín chỉ carbon đều hướng tới môi trường bền vững nhưng cần phân biệt giữa hai khái niệm này.
Cát Ân