Thứ sáu, 26/04/2024 00:15 (GMT+7)
Thứ ba, 07/06/2022 15:26 (GMT+7)

Các yêu cầu kỹ thuật về BVMT trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường như thế nào?

Chất thải rắn sinh hoạt là gì?

Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.

Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Điều 26 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt như sau:

Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt

a) Điểm tập kết được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và khoảng cách an toàn môi trường thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Điểm tập kết phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng;

c) Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng đó;

d) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể bố trí điểm tập kết theo quy định tại điểm b khoản này hoặc có thể lưu chứa trong thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt;

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết phù hợp; bảo đảm an toàn giao thông; hạn chế tối đa hoạt động vào giờ cao điểm.

Các yêu cầu kỹ thuật về BVMT trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1

Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt:

a) Thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Trạm trung chuyển cố định đầu tư mới tại các khu vực nội thành đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt phải sử dụng công nghệ tự động, hiện đại và phù hợp với điều kiện từng địa phương;

c) Khuyến khích sử dụng công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình tại đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất nhưng phải có thiết kế bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường;

d) Bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương;

đ) Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

e) Trạm trung chuyển tại các đô thị phải bố trí khu vực tiếp nhận chất thải có đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải; bảo đảm khép kín để hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng;

g) Trang bị các hệ thống, thiết bị cân; vệ sinh và phun xịt khử mùi phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển; hệ thống camera giám sát; hệ thống, phần mềm để theo dõi, cập nhật khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển;

h) Ủy ban nhân dân các cấp xác định vị trí, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển.

Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môitrường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Điều 27 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt như sau:

Thứ nhất, phương tiện cơ giới vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải. Xe chuyên dụng cuốn ép chất thải rắn sinh hoạt phải có thiết bị lưu chứa nước rỉ rác.

Thứ hai, phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, rò rỉ nước rỉ rác, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển; phải vệ sinh, phun xịt khử mùi trước khi ra khỏi khu vực trạm trung chuyển, cơ sở xử lý và sau khi hoàn thành thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ ba, phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không rơi vãi chất thải, rò rỉ nước ra môi trường trong quá trình hoạt động.

Thứ tư, thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và phải bảo đảm lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ và không ngấm, rò rỉ nước rác, phát tán chất thải, mùi ra môi trường.

Thứ năm, việc áp dụng các mô hình, công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thân thiện môi trường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Điều 28 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định về tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau:

Về công nghệ:

a) Có khả năng tiếp nhận, phân loại chất thải, xử lý mùi, nước rỉ rác, khí thải, linh hoạt trong kết hợp các công nghệ khác, xử lý các loại chất thải rắn khác nhau; có khả năng mở rộng công suất, thu hồi năng lượng, xử lý các chất thải thứ cấp; mức độ phù hợp về quy mô xử lý;

b) Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; mức độ tiên tiến của công nghệ xử lý; độ bền của thiết bị, dây chuyền công nghệ; xuất xứ của các trang thiết bị; tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ, khả năng sử dụng, thay thế các loại linh kiện, phụ tùng trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống công nghệ, thiết bị;

c) Ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thiết bị xử lý, tái chế chất thải và phù hợp với điều kiện Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ; công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Về môi trường và xã hội:

a) Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Tiết kiệm diện tích sử dụng đất;

c) Tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý;

d) Khả năng đào tạo nhân lực địa phương tham gia quản lý, vận hành thiết bị, bảo dưỡng và bảo trì thiết bị.

Về kinh tế:

a) Chi phí xử lý phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được cơ quan có thẩm quyền công bố;

b) Khả năng tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải;

c) Tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại từ việc tái sử dụng chất thải, năng lượng và các sản phẩm có ích được tạo ra sau xử lý;

d) Nhu cầu thị trường; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sau khi xử lý được áp dụng;

đ) Tính phù hợp trong chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Bạn đang đọc bài viết Các yêu cầu kỹ thuật về BVMT trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.