Thứ ba, 04/02/2025 10:37 (GMT+7)
Thứ ba, 04/02/2025 06:14 (GMT+7)

Các quốc gia trên thế giới triển khai thị trường giao dịch carbon như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự tăng cường của các hoạt động phát thải khí nhà kính, việc triển khai thị trường giao dịch carbon đã trở thành một công cụ quan trọng để giảm thiểu tác động của khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững.

Thị trường giao dịch carbon là một cơ chế cho phép các doanh nghiệp, tổ chức mua và bán quyền phát thải khí nhà kính. Mỗi quyền phát thải, thường gọi là tín chỉ carbon, tương đương với một tấn CO2 hoặc các khí nhà kính khác. Thị trường này được chia thành hai loại chính: thị trường tuân thủ (compliance market) và thị trường tự nguyện (voluntary market).

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tích cực triển khai thị trường giao dịch carbon như một công cụ kinh tế hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Các quốc gia trên thế giới triển khai thị trường giao dịch carbon như thế nào? - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Hoa Kỳ

Trong đó, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc triển khai thị trường giao dịch carbon. Mặc dù không có thị trường giao dịch carbon liên bang, nhưng nhiều tiểu bang đã triển khai các thị trường riêng lẻ, như California và New York.

Chương trình Cap-and-Trade của California là một trong những thị trường giao dịch carbon lớn nhất tại Hoa Kỳ. Chương trình này yêu cầu các công ty lớn phải tuân thủ giới hạn phát thải và có thể mua bán tín chỉ carbon để đáp ứng yêu cầu này. Chương trình đã giúp California giảm lượng phát thải khí nhà kính đáng kể. Lượng khí thải nhà kính trên toàn tiểu bang đã giảm 5,3% kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2013 đến năm 2017.

Doanh thu mà California nhận được từ chương trình được gửi vào Quỹ Giảm Khí Nhà Kính của tiểu bang và sau đó được phân bổ cho các cơ quan nhà nước để thực hiện các chương trình nhằm giảm thêm lượng khí thải nhà kính. Theo luật, 35 phần trăm doanh thu phải được chuyển đến các cộng đồng có thu nhập thấp và chịu thiệt thòi về môi trường. Kể từ khi bắt đầu, chương trình đã tạo ra tổng doanh thu là 5 tỷ USD.

Regional Greenhouse Gas Initiative (RGGI) là một chương trình hợp tác giữa 11 tiểu bang ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. RGGI tập trung vào việc giảm phát thải CO2 từ các nhà máy điện bằng cách đặt ra giới hạn phát thải và cho phép mua bán tín chỉ carbon.

Các tiểu bang RGGI đã thiết lập một Quỹ dự trữ kiểm soát chi phí (CCR), bao gồm một lượng hạn ngạch ngoài mức giới hạn được giữ trong dự trữ. Những hạn ngạch này được bán nếu giá hạn ngạch vượt quá mức giá được xác định trước, do đó CCR sẽ chỉ được kích hoạt nếu chi phí giảm phát thải cao hơn dự kiến. CCR được bổ sung vào đầu mỗi năm dương lịch. Giá kích hoạt CCR là 17,03 USD vào năm 2025 và sẽ tăng 7% mỗi năm sau đó. Quy mô của CCR là 10% giới hạn khu vực mỗi năm.

Số tiều thu được sẽ được đưa vào các chương trình phúc lợi cho người tiêu dùng để cải thiện hiệu quả năng lượng và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo.

EU

Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai Hệ thống Giao dịch Phát thải Châu Âu (EU ETS) từ năm 2005. Đây là thị trường giao dịch carbon lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 11,000 nhà máy và công ty trong 31 quốc gia. EU ETS đã giúp EU giảm phát thải khí nhà kính hơn 20% so với mức năm 1990..

EU ETS đã áp dụng cơ chế giới hạn và giao dịch (cap-and-trade), trong đó các doanh nghiệp phải tuân thủ giới hạn phát thải và có thể mua bán tín chỉ carbon trên thị trường.

Tham gia thị trường này ban đầu là các cơ sở sản xuất, nhà máy điện và các ngành công nghiệp có lượng phát thải cao (chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải tại EU). Đến đầu 2024, EU mở rộng phạm vi áp dụng cho lĩnh vực hàng hải, vốn đang chiếm 3-4% tổng lượng khí thải CO2 của khu vực.

Trên EU ETS, doanh nghiệp chủ yếu giao dịch hạn ngạch phát thải (allowance) để đảm bảo khả năng tuân thủ. Tháng 2/2023, giá hạn ngạch trong EU ETS đạt kỷ lục hơn 100 euro mỗi tấn phát thải khí nhà kính và sau đó giảm vào cuối năm 2023, do nhu cầu yếu từ người mua công nghiệp và ngành điện. Xu hướng giảm giá tiếp tục kéo dài đến năm 2024, còn dưới 60 euro mỗi tấn khí nhà kính.

Trung Quốc

Trung Quốc với hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc (ETS) và thị trường giao dịch giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện (GHG), gọi chung là Chương trình Giảm phát thải được chứng nhận của Trung Quốc (CCER). Hai hệ thống này hoạt động độc lập nhưng có sự kết nối thông qua cơ chế cho phép doanh nghiệp mua CCER từ thị trường tự nguyện để đáp ứng mục tiêu trong ETS.

ETS có 8 ngành phát thải lớn gồm: phát điện, thép, vật liệu xây dựng, kim loại màu, hóa dầu, hóa chất, giấy và hàng không dân dụng, vốn chiếm tới 75% tổng lượng phát thải của Trung Quốc. Thị trường bắt buộc này bắt đầu giao dịch từ tháng 7/2021 tại Sàn Môi trường và Năng lượng Thượng Hải. Trong giai đoạn đầu, có hơn 2.000 đơn vị phát thải lớn trong ngành điện lực, mỗi đơn vị có mức phát thải tối thiểu 26.000 tấn/năm.

Theo cơ chế của hệ thống này, các doanh nghiệp được cấp một hạn ngạch phát thải miễn phí. Nếu lượng phát thải thực tế vượt quá hạn ngạch trong một giai đoạn quy định, doanh nghiệp phải mua thêm hạn ngạch từ thị trường để bù đắp. Ngược lại, nếu lượng phát thải miễn phí thấp hơn hạn ngạch, doanh nghiệpp có thể bán số lượng dư thừa.

Kể từ khi thành lập, sàn giao dịch này của Trung Quốc đã trở thành nền tảng giao dịch khí thải lớn nhất thế giới, với khoảng 5,1 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải của đất nước tỷ dân. Theo số liệu chính thức, đến cuối năm 2023, tổng khối lượng giao dịch trên ETS đã đạt 442 triệu tấn, với giá trị khoảng 3,5 tỷ USD.

Anh

Sau khi rời khỏi EU TES, Anh thành lập Hệ thống Giao dịch Khí thải Vương quốc Anh (UK ETS) vào năm 2021, áp dụng cho các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn thuộc các ngành công nghiệp, năng lượng và vận tải.

Cơ chế hoạt động chính của UK ETS là cap-and-trade, tức thiết lập mức trần phát thải hàng năm và cho phép các doanh nghiệp mua bán quyền phát thải - tức hạn ngạch - trên thị trường. Mục tiêu dài hạn của UK ETS là giảm 68% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990, góp phần vào thực hiện cam kết của Anh trong lộ trình Net Zero vào năm 2050.

Theo LSEG, quy mô của UK ETS năm 2023 đã giảm 22% so với 2022, xuống còn 40 tỷ USD. Trung bình mỗi tấn phát thải có giá hơn 70 USD, thấp hơn khoảng 34% so với hồi 2022.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Các quốc gia trên thế giới triển khai thị trường giao dịch carbon như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Đào phai Kim Thành được giá vụ Tết
Những ngày cuối năm, thủ phủ đào phai tại xã Kim Thành, Yên Thành (Nghệ An) mọi người từ khắp các nơi đổ về tìm mua đào phục vụ nhu cầu chơi Tết, người dân trồng đào vui mừng vì được giá.
Thu hút vốn cho quá trình chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh phát triển bền vững và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc huy động vốn đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh và số hóa đang trở thành ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tin mới

Thái Nguyên rộn ràng Lễ hội đầu Xuân
Cùng với hoạt động du xuân đầu năm, một số địa phương trong tỉnh Thái Nguyên cũng tổ chức hội xuân. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức vừa để chào đón năm mới, vừa tạo sân chơi, cũng như đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch…
Du lịch cả nước sôi động dịp Tết Ất Tỵ
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 25/01 - 02/02/2025), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024), số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương.
Rạng rỡ Việt Nam
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với tiêu đề "RẠNG RỠ VIỆT NAM".