Thứ sáu, 26/04/2024 23:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/10/2022 06:06 (GMT+7)

Các quốc gia biển Đông Á cùng hành động khẩn cấp ứng phó với với ô nhiễm nhựa vì đại dương xanh

Theo dõi KTMT trên

9 quốc gia thành viên COBSEA đã thống nhất chung về nhận thức rằng, suy thoái hệ sinh thái biển và ô nhiễm nhựa là những vấn đề môi trường nghiêm trọng của mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.

Mới đây, tại Hà Nội, Hội nghị Liên chính phủ lần thứ 25, phần thứ hai của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (IGM-25.2) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã kết thúc với sự thống nhất chung của các quốc gia thành viên cần hành động khẩn cấp, tìm ra các giải pháp hữu hiệu và thực hiện để đối phó với ô nhiễm nhựa; các thách thức khác đối với hệ sinh thái biển và ven biển hiện nay và trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Khu vực Biển Đông Á là nơi có mật độ rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các hệ sinh thái biển và ven biển của khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ mất môi trường sống, ô nhiễm và biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người. Hiện nay, các nước trong khu vực đang thực hiện tiến trình đàm phán cho một thỏa thuận toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Các quốc gia biển Đông Á cùng hành động khẩn cấp ứng phó với với ô nhiễm nhựa vì đại dương xanh - Ảnh 1
Bà Phạm Thu Hằng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Các nước trong khu vực cũng đang trong quá trình đạt đến một thỏa thuận mới về các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, nhằm bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên cũng như các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên thiết yếu dành cho con người. Đây là những sáng kiến quốc tế đầy hứa hẹn mà các nước trong khu vực Biển Đông Á có thể cùng nhau thực hiện và cam kết hoàn thành. 

Bà Phạm Thu Hằng khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết sự suy thoái hệ sinh thái và đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp về chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực như: thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển song song với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về tiêu dùng và thải bỏ các sản phẩm nhựa; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ; thiết lập các cơ chế hợp tác công tư để giải quyết ô nhiễm nhựa.

Việt Nam tiếp tục khẳng định các cam kết chính trị trong việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng. 

Ngoài ra, bà Kerstin Stendhal, Trưởng Chi nhánh Hệ sinh thái tổng hợp, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết: COBSEA được thành lập với tên gọi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc về khu vực Biển Đông Á vào năm 1981, nhằm tăng cường hợp tác khu vực để quản lý các nguồn tài nguyên biển và ven biển trong khu vực Biển Đông Á. Hội nghị là dịp để các đại biểu nêu lên những lợi ích và ưu tiên của quốc gia và khu vực đối với môi trường biển và ven biển, đóng góp cho việc xây dựng định hướng mới; đưa ra những giải pháp cụ thể và có tính khả thi, đồng thời đoàn kết khu vực trong thực hiện các mục tiêu chung về bảo vệ môi trường khu vực Biển Đông Á.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận về các định hướng chiến lược mới của COBSEA; xây dựng kế hoạch làm việc hai năm một lần để thực hiện Kế hoạch hành động COBSEA về rác thải đại dương; thành lập Quan hệ Đối tác Toàn cầu về rác thải đại dương tại khu vực Biển Đông Á, cũng như tài liệu dự án phù hợp với Kế hoạch Hành động Biển Đông Á.

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 (IGM 25). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội nghị được các quốc gia thành viên Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) thống nhất tổ chức thành 2 phần. Tháng 9/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 1 theo hình thức trực tuyến. Tiếp nối thành công của Hội nghị phần 1, để tiếp tục trao đổi những nội dung còn lại, các quốc gia thành viên COBSEA đã thống nhất tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 2 vào hai ngày 12, 13/10/2022 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức góp phần truyền đạt thông điệp đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, chống rác thải nhựa đại dương; góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương; điều tra, đánh giá, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Thông qua Hội nghị, Việt Nam sẽ tiếp cận xây dựng một số dự án liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; triển khai Kế hoạch hành động khu vực của COBSEA về rác thải đại dương.

Báo động tình trạng chim biển nuốt phải phụ gia nhựa độc hại

Hơn 50% số lượng chim biển trên thế giới có phụ gia nhựa trong cơ thể. Kết luận này được đưa ra trong nghiên cứu chung do 18 trường đại học và viện nghiên cứu tại Nhật Bản cùng 6 nước khác vừa tiến hành, cho thấy xu hướng đáng quan ngại của ô nhiễm nhựa đối với hệ động vật biển.

Nghiên cứu phân tích loại dầu tiết ra từ tuyến lông ngay trên đuôi của 145 con chim biển thuộc 32 loài, sinh sống ở 16 địa điểm khác nhau trên toàn thế giới.

Kết quả là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy phụ gia nhựa trong 76/145 con chim, chiếm 52%. 

Theo các nhà nghiên cứu, các chất phụ gia được tìm thấy trong chim biển gồm 2 chất chống cháy và 6 chất ổn định để ngăn nhựa không bị biến chất do tia cực tím.

Ước tính khoảng 30% số lượng chim biển trong nghiên cứu ăn phải nhựa trực tiếp, trong khi số còn lại nuốt phải nhựa trong quá trình ăn, uống.

Giáo sư Hideshige Takada thuộc Đại học Công nghệ và nông nghiệp Tokyo, tham gia nghiên cứu, khẳng định ngày càng có nhiều chim biển nuốt phải phụ gia nhựa. Do đó, con người cần nhanh chóng chuyển sang sử dụng các chất phụ gia có độc tính thấp, không tích tụ trong cơ thể của các sinh vật sống.

Hải An

Bạn đang đọc bài viết Các quốc gia biển Đông Á cùng hành động khẩn cấp ứng phó với với ô nhiễm nhựa vì đại dương xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới