Thứ sáu, 22/11/2024 22:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 10/05/2020 10:01 (GMT+7)

Các nhà khoa học 'đau đầu' giải mã những triệu chứng bí ẩn của Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Covid-19 là một dịch bệnh mới và vẫn còn rất nhiều những “ẩn số” mà các nhà khoa học đang “đau đầu” giải mã.

Lauren Nichols - một người khỏe mạnh 32 tuổi vào đầu tháng 3 bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giống như trào ngược acid. Khi bắt đầu trở nên khó thở hơn, cô đã đến bệnh viện xét nghiệm và được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Thế nhưng, với Nichols, những triệu chứng đó mới chỉ là khởi đầu. 8 tuần sau đó, cô bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau hơn, từ mệt mỏi thường xuyên, tiêu chảy, nôn mửa cho tới rùng mình, khó tập trung và mất trí nhớ ngắn hạn.

Các nhà khoa học 'đau đầu' giải mã những triệu chứng bí ẩn của Covid-19 - Ảnh 1
Các nhà khoa học "đau đầu" giải mã những triệu chứng bí ẩn của Covid-19. (Ảnh: Vox)

Ở đâu đó trên thế giới, từ 5 - 80% những người dương tính với SARS-CoV-2 có tiền triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện các triệu chứng sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi họ xét nghiệm. Nichols chỉ là một trong nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có thời gian hồi phục lâu hơn nhiều so với thời gian mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính đối với các bệnh nhân ở thể nhẹ là 2 tuần. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, thời gian này sẽ là 6 tuần.

Bởi vì Covid-19 là một bệnh mới nên chưa có nghiên cứu nào về những tác động dài hạn của nó đối với các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng. Thậm chí, những bệnh nhân hồi phục sớm nhất ở Trung Quốc cũng chỉ mắc bệnh cách đó một vài tháng.

Các bác sĩ nhận định rằng, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công vào các tế bào của con người ở nhiều bộ phận trên cơ thể, cũng như xâm nhập vào các cơ quan quan trọng như tim, thận, não và thậm chí cả các mạch máu.

"Điều khó khăn là việc phân loại những hệ quả trong dài hạn", Joseph Brennan, một chuyên gia về tim mạch tại Trường Y Đại học Yale nhận định. Trong khi một số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn thì các chuyên gia lo ngại rằng, những người khác có thể sẽ phải chịu đựng những tổn thương dài hạn, chẳng hạn như sẹo phổi, suy tim và các tác động về hệ thần kinh cũng như sức khỏe tinh thần.

Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về dịch Covid-19 và dưới đây là một vài tác động dài hạn đáng chú ý xuất hiện ở một số bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.

Sẹo phổi

Melanie Montano, 32 tuổi, dương tính với SARS-CoV-2 hồi tháng 3/2020, nói rằng sau hơn 7 tuần kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, thỉnh thoảng cô lại trải qua cảm giác nóng rát trong phổi và những cơn ho khan.

Chuyên gia Brennan nhận định rằng các triệu chứng như vậy xảy ra là bởi "virus này tạo nên phản ứng miễn dịch thái quá trong cơ thể, do đó có những khu vực trong phổi đầy những vết mủ, làm cho cơ quan này dễ bị tổn thương hơn".

Trên các tấm phim chụp CT, trong khi những lá phổi bình thường có màu đen thì phổi của các bệnh nhân mắc Covid-19 thường có những khoảng màu xám sáng hơn, được gọi là "tổn thương kính mờ" (ground-glass opacities) - những tổn thương mà có thể không lành lại được.

Một nghiên cứu từ Trung Quốc đã phát hiện ra rằng sự xuất hiện của tổn thương kính mờ xuất hiện trong các tấm chụp của 77% bệnh nhân mắc Covid-19. Một nghiên cứu khác ngoài Trung Quốc xuất bản trên tạp chí Radiology thì cho thấy 66 trong số 70 bệnh nhân phải nhập viện bị tổn thương phổi qua hình ảnh trên tấm chụp CT và hơn 1 nửa trong số này có các tổn thương có thể biến thành những vết sẹo.

Nghiên cứu thứ 3 tại Trung Quốc cho thấy hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở các bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng mà còn phát hiện ra rằng trong số 58 bệnh nhân tiền triệu chứng, 95% trong số này xuất hiện các khu vực "tổn thương kính mờ" trong phổi.

"Những kiểu thay đổi mô như thế này có thể gây nên sự tổn thương vĩnh viễn", Ali Gholamrezanezhad, một chuyên gia về X-quang tại Trường Y Keck Đại học Nam California nhận định.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết liệu các bệnh nhân có các triệu chứng như Montano có bị tổn thương phổi vĩnh viễn hay không, song các bác sĩ có thể hiểu hơn về hiện tượng này qua việc xem xét các bệnh nhân từng mắc SARS và MERS.

Một nghiên cứu nhỏ trong dài hạn công bố trên tạp chí Nature với 71 bệnh nhân SARS từ năm 2003 cho tới 2018 cho thấy, hơn 1/3 trong số này bị suy giảm các chức năng của phổi trong khi một nghiên cứu khác nhận thấy, khoảng 1/3 trong số 36 bệnh nhân hồi phục sau MERS có những tổn thương phổi dài hạn.

Với những người có những vết sẹo trong phổi, các hoạt động bình thường sẽ trở nên khó khăn hơn. "Các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như leo cầu thang cũng sẽ khiến họ phải thở dốc", Brennan cho biết.

Đột quỵ, tắc mạch và máu đông

Có một tỉ lệ cao bất thường các bệnh nhân mắc Covid-19 trải qua hiện tượng máu đông, có thể là do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus xâm nhập từ bên ngoài. Hiện tượng này có thể làm suy giảm khả năng của phổi, tim và gây ra những tác động nghiêm trọng dài hạn.

Máu đông hình thành bên trong hoặc di chuyển tới não có thể gây đột qụy. Mặc dù đột quỵ thường xuất hiện ở những người lớn tuổi nhưng hiện các cơn đột quỵ cũng được ghi nhận ở những bệnh nhân trẻ mắc Covid-19. Tại Vũ Hán, Trung Quốc, khoảng 5% bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện bị đột quỵ và con số này tương tự với tỉ lệ các bệnh nhân từng mắc SARS.

Mặc dù tỉ lệ tử vong ở những người trẻ bị đột quỵ tương đối thấp so với những người lớn tuổi, song các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 42 - 53% trong số này có thể quay lại làm việc.

Mặc dù vẫn còn thiếu sót về dữ liệu song một nghiên cứu cho thấy khoảng 31 bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị trong phòng Chăm sóc tích cực (ICU) trải qua các vấn đề máu đông.

Các cục máu đông xuất hiện trong các cơ quan như phổi hay thận có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng. Suy thận là một thách thức phổ biến với các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và các cục máu đông đang cản trở các cỗ máy lọc thận hoạt động.

Tổn thương tim

Bệnh diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt với lượng oxy thấp ở người mắc Covid-19 sẽ gia tăng sức ép với tim. Các bác sĩ cho rằng, ở những bệnh nhân mắc Covid-19, các phân tử virus có thể đã gây tổn thương cơ tim bởi tim là nơi có nhiều thụ thể ACE2.

"Ở Trung Quốc, các bác sĩ đã ghi lại hiện tượng một số bệnh nhân bị đau ngực. Họ bị đau tim và sau đó diễn biến thành các triệu chứng của Covid-19 hoặc dương tính với virus SARS-CoV-2", Mitchell Elkind, giáo sư về thần kinh học và dịch tễ học tại Đại học Columbia cho biết.

Một nghiên cứu từ Vũ Hán hồi tháng 1 cho thấy 12% bệnh nhân mắc Covid-19 có các dấu hiệu tổn thương tim. Theo các nhà nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 có lẽ đã trực tiếp gây nên tình trạng suy tim nghiêm trọng ở các bệnh nhân này.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe Đại học Texas cảnh báo những người đã hồi phục rằng, Covid-19 có thể gây nên những tổn thương về tim trong dài hạn cũng như khiến các vấn đề về tim đã tồn tại trở nên tồi tệ hơn, gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Quỹ nghiên cứu về viêm cơ tim khuyến cáo các bệnh nhân mắc Covid-19 nên tránh hút thuốc lá và uống đồ uống có cồn, cũng như không nên tập các bài tập nặng cho tới khi được sự đồng ý của bác sĩ.

Rối loạn nhận thức và các tác động về sức khỏe tinh thần

Bệnh Covid-19 dường như ảnh hưởng tới cả hệ thần kinh trung ương và có nguy cơ để lại những hệ quả dài hạn. Trong một nghiên cứu ở Trung Quốc, hơn 1/3 trong số 214 bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện có các vấn đề về nhận thức như chóng mặt, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác và đau dây thần kinh.

Những triệu chứng này phổ biến hơn ở các trường hợp nghiêm trọng với tỉ lệ tăng lên tới 46,5%. Một nghiên cứu khác tại Pháp cũng cho thấy những đặc điểm về thần kinh xuất hiện ở 58 trong số 64 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

"Chúng ta cần xem xét những vấn đề về rối loạn nhận thức trong dài hạn", chuyên gia Elkind cho biết.

Những tác động trong dài hạn của bệnh dịch Covid-19 với cơ thể, dù là do bản thân virus hay phản ứng của cơ thể gây ra, bao gồm sự suy giảm tập trung, suy giảm trí nhớ hoặc giảm các chức năng trong các dây thần kinh ngoại biên.

Những tác động dài hạn khác

Virus SARS-CoV-2 tiếp tục khiến các nhà khoa học "đau đầu" giải mã những triệu chứng bí ẩn. Một trong số này, mặc dù chỉ xuất hiện với tỉ lệ nhỏ nhưng ngày càng gia tăng số lượng trẻ em gần đây trải qua các triệu chứng lạ theo ghi nhận của các bác sĩ ở Anh, Italy và Tây Ban Nha, trong đó gồm phát ban, sốt cao và viêm cơ tim.

Ngày 4/5, Cơ quan Y tế Thành phố New York ghi nhận ít nhất 15 trẻ em cũng trải qua các triệu chứng này. Các trường hợp trên có những triệu chứng giống với bệnh Kawasaki, với đặc điểm viêm lan tỏa ở hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Mặc dù chỉ có một vài trong số những trẻ này dương tính với SARS-CoV-2 nhưng Russell Viner, người đứng đầu Khoa Nhi Cao đẳng Hoàng gia nhận định với New York Times rằng "giả thuyết đang được đưa ra là hiện tượng này có liên quan đến Covid-19".

Chúng ta vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu trong việc giải mã những triệu chứng phức tạp của Covid-19. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây của các bác sĩ Trung Quốc với 34 bệnh nhân mắc Covid-19 đã cho thấy bất kể triệu chứng của bệnh nghiêm trọng như thế nào, sau khi các bệnh nhân đã hồi phục được xuất viện, nhiều chức năng sinh học không thể "quay trở về bình thường nữa", đáng quan ngại nhất là sự suy giảm chức năng của gan.

Tất cả những kết quả từ các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, chúng ta vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu trong quá trình hiểu về virus SARS-CoV-2 cũng như các tác động của nó.

Dịch Covid-19 khiến hơn 4 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới sẽ tiếp tục khiến giới khoa học và y học "đau đầu", đặt ra những câu hỏi cần được nghiên cứu và trả lời cấp bách hơn bao giờ hết.

Giải mã những bí ẩn về SARS-CoV-2 là con đường để chúng ta thoát khỏi dịch bệnh hiện nay và chống chọi với nó trong tương lai, cho dù có thể phải chấp nhận rằng "mọi thứ sẽ không còn bình thường như trước nữa".

Kiều Anh

Bạn đang đọc bài viết Các nhà khoa học 'đau đầu' giải mã những triệu chứng bí ẩn của Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới