Các hành vi thô bạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump với môi trường
Trong suốt 2 năm rưỡi nắm quyền Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump liên tục có những hành vi thô bạo với môi trường.
Từ khi nắm quyền Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump luôn làm dấy lên tranh cãi khi liên tục từ chối các thoả thuận quốc tế về bảo vệ môi trường. Ông Trump thậm chí đã công khai gọi biến đổi khí hậu là “trò lừa đảo” của các phe thù địch, nhắm vào ngân sách và đường lối chính trị của mình.
Điều đó gây hậu quả gần như ngay lập tức: Khí nhà kính tại Mỹ đã tăng tới 3,4% vào năm 2018 – mức tăng phát thải lớn nhất kể từ năm 2010.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều hành vi thô bạo với môi trường. Ảnh: Politico. |
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 3/2019 của Trung tâm đánh giá tác động Năng lượng và Môi trường quốc gia của Đại học New York (Mỹ), chính quyền Trump đã làm suy yếu hoặc loại bỏ hoàn toàn các quy tắc về môi trường và sức khoẻ, liên quan đến phúc lợi của người dân. Dưới đây là 5 hành vi thô bạo của chính quyền Trump với môi trường.
Từ chối thỏa thuận khí hậu Paris
Tháng 6/2017 (chưa đầy năm tháng sau khi nhậm chức), Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thoả thuận chung Paris về chống biến đổi khí hậu, vì cho rằng các kế hoạch liên quan đến môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình việc làm, ngân sách và chính trị.
Ông từng trả lời phỏng vấn bên ngoài Nhà Trắng: “Tôi được bầu để đại diện cho công dân Pittburgh chứ không phải Paris nào cả”. Trong khi đó, thoả thuận chung Paris đã được gần 200 quốc gia (bao gồm Mỹ), tham gia ký kết từ năm 2015, thống nhất mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính để kiểm soát nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C.
Khu di tích quốc gia Bears Ears bị giảm quy mô xuống còn một nửa. Ảnh: The Guardian. |
Giảm quy mô của các di tích quốc gia và chính sách bảo vệ động vật
Tháng 12/2017, ông Donald Trump tuyên bố giảm quy mô của 2 di tích quốc gia ở Utah là đài tưởng niệm Bears Ears và Grand Staircase Escalante xuống còn một nửa, nhằm phục vụ cho các lợi ích công cộng và xây dựng các công trình phát triển kinh tế tiểu bang. Quyết định của ông Trump gây tranh cãi dữ dội giữa các chính trị gia cũng như người dân trong nước, bởi hai địa danh này đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.
Tháng 8/2018, làn sóng chỉ trích càng trở nên mạnh mẽ hơn khi chính quyền Trump công bố kế hoạch cho phép khai thác và bán một phần đất công, mặc dù trước đó hứa hẹn sẽ chỉ sử dụng cho mục đích chung. Chỉ một tháng sau đó, vị tổng thống tiếp tục giáng thêm đòn mạnh vào cộng đồng và giới khoa học khi loại bỏ hàng loạt điều khoản quan trọng trong Đạo luật bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, mặc các nhà sinh vật học lên tiếng cảnh báo.
Huỷ bỏ kế hoạch sản xuất năng lượng sạch
Khi còn đương chức, cựu Tổng thống Barack Obama đã đề ra nhiều kế hoạch sản xuất năng lượng sạch nhằm cắt giảm phát thải. Đây là một trong những nỗ lực lớn nhất của lãnh đạo thế giới, tham gia vào công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhận được sự ủng hộ của hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với các chính sách của Tổng thống đương thời Donald Trump. Hiện nay, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) vẫn đang trong quá trình loại bỏ “sạch sẽ” các kế hoạch năng lượng sạch theo lệnh ông Trump.
Cắt giảm kế hoạch bảo vệ nguồn nước
Chính quyền Trump đã có kế hoạch loại bỏ các biện pháp bảo vệ nguồn nước khỏi hàng nghìn dòng suối và vùng đất ngập nước trên khắp nước Mỹ, hạ thấp tiêu chuẩn xử lý nước thải nông nghiệp và công nghiệp. Hành vi này gây đe doạ nghiệm trọng cho động vật hoang dã và nguồn nước uống trong khu vực. Hành động của ông Trump có phần khó giải thích khi các mạch nước này đang cung cấp nước uống cho gần 117 triệu người,
“Chào đón” khí thải mê-tan
Vào tháng 9/2018, chính quyền Trump công bố kế hoạch bãi bỏ các quy tắc nhằm hạn chế rò rỉ khí mê-tan (góp phần gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu) trên nhiều vùng đất công cộng, bao gồm nơi sinh sống của các bộ lạc, phung phí nỗ lực nâng cấp công nghệ của cựu Tổng thống Obama nhằm kiểm soát lượng khí thải, khí rò rỉ trong công nghiệp. Bộ Nội vụ thậm chí còn quy chụp kế hoạch cũ của ông Obama là “thiếu sót” và “không cần thiết.
Diệu Anh (Theo The Guardian)