Thứ bảy, 20/04/2024 17:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/11/2019 16:00 (GMT+7)

Cả thế giới chống lại rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Từ nguyên thủ các nước đến lãnh đạo các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, tập đoàn đa quốc gia… tất cả đã cùng lên tiếng cam kết về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường.

Cả thế giới chống lại rác thải nhựa - Ảnh 1

Mỹ: Biến rác thải nhựa thành... mỹ phẩm

Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra cách biến rác thải nhựa thành các sản phẩm lỏng hữu ích - như dầu động cơ, chất bôi trơn, chất tẩy rửa và thậm chí cả mỹ phẩm trong công cuộc làm đẹp. Nghiên cứu này cũng là bước tiến phát triển các phương pháp tái chế hiện tại cho các sản phẩm nhựa giá rẻ, chất lượng thấp, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa, vừa đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ ở Phòng thí nghiệm đại học Northwestern, Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne và Phòng thí nghiệm Ames.

“Nhóm nghiên cứu của chúng tôi rất vui mừng khi công nghệ mới này sẽ giúp chúng ta vượt qua vấn đề gia tăng tích tụ chất thải nhựa trên toàn cầu. Phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa lớn cho tương lai, chúng ta có thể sử dụng vật liệu nhựa theo một cách ít gây hại nhất cho môi trường và có lợi cho sức khỏe nhân loại” - Kenneth R. Poeppelmeier, Đại học Northwestern cho biết.

Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Central Science. Theo đó, mỗi năm, ước tính có tới 380 triệu tấn nhựa được tạo ra trên toàn thế giới. Và khi thị trường nhựa tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhiều nhà phân tích dự đoán sản lượng nhựa có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2050.

Hơn 75% các vật liệu nhựa này bị vứt bỏ chỉ sau một lần sử dụng. Nhiều rác nhựa trong số đó xâm nhập vào đại dương và đường thủy, gây hại cho động vật hoang dã, đồng thời lây lan độc tố.

Cả thế giới chống lại rác thải nhựa - Ảnh 2

Ở trong tự nhiên hoặc trong các bãi chôn lấp, nhựa không bị phá hủy, bởi vì trong phân tử của chúng có liên kết rất mạnh giữa các nguyên tử carbon.

Thay vào đó, chúng vỡ thành các hạt nhỏ hơn – gọi là microplastic. “Nhựa có thể được nấu chảy và tái xử lý để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị thấp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự muốn xem những gì chúng ta có thể làm đối với những thứ tìm được từ rác thải” - Aaron D. Sadow, Phòng thí nghiệm Ames cho hay.

Poeppelmeier và Sadow cùng nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách tái chế nhựa bằng cách chuyển hóa xúc tác các phân tử polyetylen thành các sản phẩm thương mại có giá trị gia tăng. Họ đã tạo ra một chất xúc tác bao gồm các hạt nano bạch kim có kích thước chỉ 2 nanomet, lắng đọng trên các ống nano perovskite với chiều dài cạnh 50-60nm. Nhóm nghiên cứu đã chọn perovskite SrTiO3 vì nó ổn định ở nhiệt độ và áp suất cao, đồng thời là một vật liệu đặc biệt tốt để chuyển đổi năng lượng.

Để phủ các hạt nano cho các ống nano, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp lắng đọng lớp nguyên tử được phát triển tại Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne, cho phép kiểm soát chính xác sự di chuyển của các hạt nano lên bề mặt cần thiết.

Ở áp suất và nhiệt độ vừa phải, chất xúc tác phá vỡ liên kết giữa các nguyên tử carbon trong nhựa. Điều này cho phép thu được các chất lỏng với độ tinh khiết cao. Những chất lỏng này có thể được sử dụng trong dầu động cơ, chất bôi trơn hoặc sáp hoặc được xử lý thêm để làm thành phần cho chất tẩy rửa và mỹ phẩm. Điều này trái ngược với các chất xúc tác có sẵn trên thị trường, tạo ra các sản phẩm chất lượng thấp hơn với nhiều hydrocarbon ngắn, hạn chế tính hữu dụng của sản phẩm.

Trong quá trình tái chế, phương pháp này còn thải ra ít chất thải hơn các phương pháp tái chế làm nóng chảy nhựa hoặc sử dụng các chất xúc tác thông thường tạo ra khí nhà kính và các sản phẩm phụ độc hại.

Ấn Độ: Xóa sổ nhựa dùng một lần trong vòng 3 năm tới

Ấn Độ tạo ra khoảng 33 triệu pound chất thải nhựa mỗi ngày và 60% trong số đó được tái chế. Ấn Độ cũng vừa công bố một kế hoạch loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong vòng ba năm. “Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ” yêu cầu người dân sử dụng các chất thay thế nhựa cho môi trường sạch hơn.

Chintan Mishra, một quan chức của Bộ Môi trường Ấn Độ cho biết dự án “Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ” sẽ tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Hầu hết các bang của Ấn Độ đã có một số quy định về nhựa sử dụng một lần. Chính phủ đang yêu cầu tất cả các bang cố gắng chấm dứt việc sử dụng vào năm 2022.

“Các quy tắc quản lý chất thải nhựa và chất thải rắn đã có. việc triển khai và nhận thức của công chúng phải được cải thiện”, Vinod Kumar Jindal, một quan chức chính phủ giám sát dự án cho biết.

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ sẽ không áp dụng lệnh cấm toàn quốc. Hàng ngàn nhà máy vừa và nhỏ sản xuất nhựa sử dụng một lần có thể ngừng hoạt động nếu có lệnh cấm hoàn toàn.

Cả thế giới chống lại rác thải nhựa - Ảnh 3

Một vài nhà bảo vệ môi trường thể hiện sự thất vọng khi chính phủ đã không đưa ra một lệnh cấm quốc gia.

“Các sản phảm như que khuấy nước, cốc, ống hút và túi có thể bị cấm hoàn toàn bởi vì chúng không có giá trị tái chế”, Mukherjee, giám đốc chính sách của nhóm nghiên cứu môi trường Chintan cho biết.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trên 8 triệu tấn rác nhựa đã thải ra đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đên môi trường và hệ sinh thái biển. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đặt ở mức cảnh báo từ năm 2014.

Hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới đưa ra các lệnh cấm tương tự đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương.

Một số quốc gia chưa thể triệt để giải quyết thói quen sử dụng túi nylon của người dân đã bắt đầu có các biện pháp phòng chống, hạn chế. Nhiều sáng kiến, nghiên cứu, ứng dụng cũng đã được các nước triển khai thực hiện.

IKEA Israel: Nói không với sản phẩm dùng một lần từ năm 2020

“Đại gia” nội thất và phụ kiện gia đình Thụy Điển IKEA cho biết họ đang loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các cửa hàng ở Israel.

Lý do được đưa ra, Israel là nước tiêu thụ nhựa sử dụng một lần trên đầu người lớn thứ hai trên thế giới với 90% rác thải bãi biển là đồ nhựa. Theo báo cáo tháng 6 từ Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, khu vực Tel Aviv có trung bình 21 kg (46 pound) mảnh vụn nhựa trên mỗi kilomet bờ biển, là nơi ô nhiễm nhựa đứng thứ ba trên bờ biển trong số các thành phố ở 22 quốc gia Địa Trung Hải.

Rác thải nhựa trên biển và đại dương sẽ giết chết các động vật biển, dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đô la trong ngành du lịch và các ngành liên quan đến hàng hải.

Cả thế giới chống lại rác thải nhựa - Ảnh 4

Từ năm ngoái, công ty IKEA đã tuyên bố sẽ bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, cốc, túi xách và túi đựng rác khỏi các cửa hàng trên toàn thế giới vào năm 2020. Điều này sẽ có hiệu lực ở Israel từ đầu năm sau, bao gồm cả việc bán và các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các quán ăn bên trong các cửa hàng. Cửa hàng sẽ thay thế ống hút nhựa dùng một lần bằng các lựa chọn thay thế như giấy và thép không gỉ.

Các cửa hàng Israel cũng sẽ bán các sản phẩm đồ nội thất bằng nhựa ít gây hại cho môi trường, như rèm cửa và thảm làm từ vật liệu nhựa tái chế.

IKEA là nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới với hơn 420 cửa hàng trên toàn thế giới tại 52 quốc gia, trong đó có 5 cửa hàng ở Israel. Chuỗi cà phê Landwer là nơi đầu tiên ở Israel tuyên bố loại bỏ ống hút nhựa trong các cửa hàng của mình.

Bạn đang đọc bài viết Cả thế giới chống lại rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới