Cà Mau chủ động ứng phó tình huống thời tiết nguy hiểm
Cà Mau chú trọng làm tốt công tác huấn luyện thực hành phòng chống thiên tai các cấp; rà soát, cập nhật linh hoạt kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai sát với tình hình, điều kiện thực tế.
Ngày 23/9, theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, địa phương đang tập trung theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm và kịp thời chỉ đạo xử lý khi có diễn biến xấu nhằm làm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, Cà Mau chú trọng làm tốt công tác huấn luyện thực hành phòng chống thiên tai các cấp; rà soát, cập nhật linh hoạt kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai sát với tình hình, điều kiện thực tế của từng ngành, địa phương, đơn vị; chủ động các giải pháp ứng phó các tình huống thiên tai nguy hiểm như cơn bão, siêu bão, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động bất ngờ.
Để chủ động ứng phó với tình huống thời tiết nguy hiểm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai theo tinh thần Chỉ thị số 35 và 36 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương thực hiện công tác rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án, giải pháp phù hợp trong việc ứng phó với tình huống thời tiết nguy hiểm như các cơn bão mạnh, siêu bão, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn.
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là vận dụng bài học kinh nghiệm được rút ra từ công tác phòng, chống hạn hán mùa khô 2019-2020 và các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, bao gồm cả các kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020.
Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; làm tốt thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thông hiểu rõ các kỹ năng, biện pháp phòng chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020.
Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Cà Mau có đến hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Do vậy, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động trữ nước mưa trong thời điểm cuối mùa mưa để đảm bảo tối thiểu nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt trong mùa khô 2020-2021 cho từng hộ gia đình.
Cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cho từng địa phương trên cơ sở dự báo về lượng mưa và thời gian kết thúc mùa mưa, nguy cơ xâm nhập mặn.
Người dân ở nơi có nguy cơ nhiễm mặn cao như vùng ngọt hóa thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời cũng sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ quy trình kỹ thuật chăm sóc trà lúa, rau màu đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng để giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, Cà Mau quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ dân bị thiệt hại trong sản xuất, nuôi trồng do ảnh hưởng thiên tai theo đúng quy định của pháp luật.
Cà Mau là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi hạn hán, thiên tai gây ra trong mùa khô 2019-2020.
Thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn kéo dài được xác định là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ sụt lún ‘‘kinh hoàng’’ đường giao thông, đê biển trên địa bàn.
Khô hạn kéo dài khiến hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu hụt nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống kênh, mương bị trơ đáy gây ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.
Hơn 43.500ha rừng ở Cà Mau đặt trong tình trạng báo động cháy cấp cao nhất - cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào do không chủ động được nguồn nước dự trữ phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lưu ý các cơ quan, đơn vị chủ động các phương án tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng, chống sạt lở, sụt lún đất do hạn hán gắn với các giải pháp ngăn mặn chủ động, linh hoạt như đắp đập tạm, vận hành hợp lý các cống và tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ mặn.
Kim Há