Thứ hai, 09/09/2024 16:22 (GMT+7)
Thứ hai, 02/10/2023 14:08 (GMT+7)

Bộ xây dựng nói lý do không tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, nếu tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội vô hình chung sẽ khiến giá nhà tăng theo.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, trả lời ý kiến về tăng mức lãi cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội từ 10% lên 15% khi sửa luật để hấp dẫn các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ được quan tâm với rất nhiều ưu đãi về thuế, quỹ đất… Tuy nhiên, nếu tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ khiến nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo ông Sinh, bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay sản xuất đầu tư đạt lợi nhuận 10% là quá tốt. Điều họ cần là cải cách thủ tục hành chính, địa phương chưa vào cuộc giải quyết nhanh trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai.

Bộ xây dựng nói lý do không tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội - Ảnh 1
Nếu tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ khiến nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo quy định của pháp luật về nhà ở, không phân biệt chủ đầu tư nhà ở xã hội là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Cụ thể, pháp luật quy định rõ hình thức nhà nước làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, cũng như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp.

"Hai hình thức đều được quy định trong pháp luật, không có hạn chế trong việc phát triển, đầu tư nhà ở xã hội", ông Sinh nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận rằng, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội do tiếp cận tín dụng, quỹ đất còn gặp khó. Quy định hiện nay doanh nghiệp có lợi nhuận định mức 10% với toàn bộ dự án khi làm nhà ở xã hội.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, ông Sinh cho hay, trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.

Trong giai đoạn vừa qua cũng đã có một số quy định rất rõ, như: quy định về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ vay vốn đầu tư. Thời gian tới, khi sửa Luật Nhà ở 2014, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội theo hướng “có sự hỗ trợ tích cực hơn” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó tiếp tục hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, có hỗ trợ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, được hưởng lợi nhuận là 10%, cũng như là được dành 20% diện tích đất để có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, để phục vụ cho cư dân trong các khu đô thị mà chủ đầu tư đã làm. Được các địa phương sẽ hỗ trợ để đầu tư các hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội trong khu dự án nhà xã hội của mình.

Về việc tiếp cận vốn, theo ông Sinh, thời gian qua Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, giãn nợ… Riêng với nhà ở xã hội có gói 120.000 tỷ đồng để các nhà đầu tư vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất thương mại.

Với các chính sách hỗ trợ trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng kỳ vọng tới đây nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn.

Trước đó, đề cập đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội  cho người thu nhập thấp ở đô thị.

Cụ thể, về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội. Dự thảo trước đây có 3 tiêu chí, gồm cư trú, thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú, vì đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, điều kiện về thu nhập của người mua nhà ở xã hội cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên ở mức thu nhập cao so với hiện hành.

Về điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10m2 thì mới là đối tượng mua nhà ở xã hội, nay có thể xem xét tăng lên 15 m2/người, giống một số nước trong khu vực.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Bộ xây dựng nói lý do không tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.