Bộ trưởng Bộ TNMT dự Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo tại Nghệ An
Sáng 4/6, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam; Tháng hành động Vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023
Tham dự Lễ phát động có đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Hoàng Trung Dũng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Cùng tham dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; bà Ramla Khalidi - Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế.
Lời kêu gọi hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên nhiên, biển, đại dương đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, con người đang đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, rác thải nhựa, đòi hỏi sự hợp tác, chung tay giải quyết của các quốc gia.
Theo đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ rõ, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nước biển dâng.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế, kinh tế biển. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ của con người.
Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên biển và hải đảo, bảo vệ môi trường của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm, nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn về công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Theo đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Sáu nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã nêu ra sáu nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm bảo vệ tài nguyên và phát triển kinh tế biển một cách bền vững, cụ thể: Thứ nhất là ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế. Khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai là quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng ven biển, tăng cường liên kết với vùng nội địa.
Thứ ba, tập trung ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ, xử lý các nguồn ô nhiễm, nói không với rác thải nhựa…
Bốn là tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu… Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy; triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Năm là tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân...
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin rằng, với tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong nội bộ, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sử dụng bền vững biển và đại dương
Phát biểu tại buổi lễ, Bà Ramla Khalidi - Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Thay mặt Liên hợp quốc tại Việt Nam, chúng tôi tự hào được cộng tác với tất cả các bạn trong các lĩnh vực chính là biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kinh tế tuần hoàn. Các kết nối mà chúng tôi tạo dựng để đạt được mục tiêu này đã và đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”
Cũng tại buổi lễ Bà Ramla Khalidi, đã đề xuất 3 mục tiêu mà Việt Nam cần hướng tới, giúp Việt Nam góp phần sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ bền vững môi trường biển và hải đảo, đó là: Cần tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, đặc biệt thông qua đẩy nhanh quy hoạch không gian biển, điều này rất cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam. Khi điều này được hiện thực hoá có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong quy hoạch điện 8 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục không ngừng nỗ lực để tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Với tư cách là chủ tịch uỷ ban phòng chống thiên tai ASEAN, Việt Nam có thể giới thiệu các thành tựu khả quan của mình như việc trồng rừng ngập măn, xây nhà chống lũ giảm thiểu rủi rõ thiên tai dựa vào cộng đồng.
Bên cạnh đó, tất cả các bên liên quan bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân, cộng đồng, hộ gia đình và mọi cá nhân cần cam kết và thực sự hành động…
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 (ngày 5-6) được chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.
Ngày Đại dương thế giới năm 2023 (ngày 8-6) được Liên hợp quốc lựa chọn với chủ đề "Hành tinh đại dương: Thủy triều đang biến đổi”. Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động chủ đề tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2023 (từ 1 đến 8-6) là “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.
Trần Tình