Bộ TN&MT đề nghị chuyển địa điểm dự án Nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang
Vừa qua, Bộ TN&MT có văn bản đề nghị thay đổi địa điểm thực hiện dự án nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang do chưa đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy hoạch xây dựng
Ngày 23/10/2023, bộ TN&MT có văn bản số 9012/BTNMT-MT gửi UBND tỉnh Tuyên Quang và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô về việc thay đổi địa điểm thực hiện dự án "Nhà máy Luyện kẽm Tuyên Quang".
Theo văn bản, bộ TN&MT đang tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án “Nhà máy Luyện kẽm Tuyên Quang” tại Lô C1 Khu công nghiệp Long Bình An, phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang (sau đây viết tắt là Dự án), do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư.
Trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo ĐTM và ý kiến trả lời của Bộ Xây dựng tại Công văn số 4173/BXD-KHCN ngày 18/9/2023 về góp ý khoảng cách an toàn môi trường của Dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Dự án có các hoạt động tuyển khoáng, sản xuất axit sunfuric, luyện chì kẽm, thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Phụ lục III Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường) và thuộc nhóm mức độ độc hại cấp I (Phụ lục 3 TCVN 4449:1987 Quy hoạch xây dựng đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế).
Địa điểm thực hiện Dự án nằm trong nội thành của đô thị loại II, thuộc vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt (Phụ lục XX Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) và chưa phù hợp với quy định tại Mục 2.5.1 QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Do đó, bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang, Chủ đầu tư nghiên cứu, thay đổi địa điểm thực hiện Dự án, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy hoạch xây dựng.
Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế thời điểm hiện tại, nhà máy luyện chì kẽm thuộc Công ty Tây Đô vẫn đang động rầm rộ, nhiều người dân bức xúc về quá trình xử lý bùn thải và nước thải đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Như thông tin đã đăng tải tại bài: "Tuyên Quang: Nhà máy luyện kẽm đang thẩm định ĐTM bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường". Nhiều người dân có ý kiến về quá trình hoạt động sản xuất của Nhà máy luyện chì kẽm tại Tuyên Quang thuộc Công ty CPĐT Xuất nhập khẩu Tây Đô đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc canh tác của người dân địa phương.
Qua trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (TP.Tuyên Quang) xác nhận: "Có ý kiến của nhân dân tổ 2 và tổ 4 về việc Công ty CPĐT Xuất nhập khẩu Tây Đô gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, UBND phường đã tổ chức xuống kiểm tra hiện và phát hiện có tình trạng như người dân phản ánh... UBND phường Đội Cấn cũng đã báo cáo các sở ban ngành tỉnh Tuyên Quang về vụ việc trên và yêu cầu Công ty CPĐT Xuất nhập khẩu Tây Đô dừng hoạt động cho đến cấp có thẩm quyền cho phép".
Liên quan đến vấn đề trên, người dân tại phường Đội Cấn và xã Thái Long mong muốn cơ quan chức năng tình Tuyên Quang nhanh chóng vào cuộc kiểm tra xử lý, có biện pháp khắc phục triệt để những vấn đề liên quan đến môi trường và cuộc sống của người dân nơi đây.
Theo chuyên gia Hoàng Xuân Cơ, theo số liệu thống kê cho thấy, đa số doanh nghiệp Việt Nam nằm ở quy mô vừa và nhỏ, với tiềm lực về tài chính và công nghệ rất thấp. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ tạo nên gánh nặng về chi phí rất lớn. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm cách trốn tránh các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường để tiết kiệm chi phí.Bên cạnh đó, khả năng thực thi pháp luật về môi trường còn tồn tại nhiều bấp cập. Có quá nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, dẫn tới xử lý không xuể, và hệ quả là các chế tài xử lý bị nhờn, bị coi thường.
Trong nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ đòi hỏi mức độ đầu tư của Nhà nước phải lớn hơn nữa, lớn hơn so với đầu tư của doanh nghiệp. Không ai có thể thay thế vai trò của nhà nước trong việc tạo ra những mắt xích kết nối để khép kín vòng tuần hoàn của nền sản xuất.Và vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, trở thành một tất yếu mà tất cả chúng ta sẽ phải theo. Doanh nghiệp nào không chuẩn bị đón nhận và không sẵn sàng đón nhận thì sẽ bị đào thải.
Và điều đầu tiên và tiên quyết nhất của mỗi doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật môi trường. Có làm đúng, chấp hành nghiêm ngay từ ban đầu thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững được.
Đỗ Tuấn