Thứ sáu, 06/12/2024 06:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/10/2022 10:02 (GMT+7)

Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương" gồm quyết định về giá, chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động.

Giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương

Ý kiến này được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu khi giải trình trước Quốc hội tại cuối phiên thảo luận kinh tế xã hội, chiều 28/10. Trước đó, các Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan quản lý xăng dầu (Bộ Công Thương, Tài chính) làm rõ chuyện "xăng dầu thiếu thật hay giả" trên thị trường và cần có giải pháp căn cơ, lâu dài xử lý tình trạng này.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương phía Nam, TP.HCM là "điều rất đáng tiếc, bất thường". Ông một lần nữa khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu (gồm nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối) đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy đang sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.

Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương - Ảnh 1
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nguồn cung xăng dầu có thiếu hụt. Nhu cầu xăng dầu cả nước mỗi năm khoảng 19,2 triệu tấn, sản lượng cung ứng từ hai nhà máy lọc đầu Dung Quất, Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70%. 9 tháng qua, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất 4,4 triệu tấn, còn Nghi Sơn 4,3 triệu tấn - thấp hơn sản lượng công suất của các nhà máy này.

Còn nguồn nhập khẩu cả năm dự kiến 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nhu cầu tiêu dùng trong nước và phân bổ cho 34 đầu mối. Nhưng 9 tháng mới nhập được 3,97 triệu tấn, không đạt kế hoạch. Quý III, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.

Sắp tới, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho hay, sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, gồm việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài Chính đảm trách). Như thế sẽ đảm bảo nguồn cung chủ động giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng có thể cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu

Cũng liên quan tới cấp vốn tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Công Thương đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích nguyên nhân, giải pháp và khẳng định điều hành của ngành ngân hàng rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó có xăng dầu.

"Tháng 3/2020, trước sự biến động phức tạp của xăng dầu, chúng tôi cũng có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng. Tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ, hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải là đã hết" - bà Hồng cho hay.

Với việc cung ứng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng 9 tháng đầu năm đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp này.

TP.HCM, mỗi ngày có 9-10% cửa hàng xăng dầu hoạt động gián đoạn

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện có 3/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa và có 1 cửa hàng đang ngưng kinh doanh xăng dầu. Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày, TP.HCM có khoảng 9- 10% số cửa hàng xăng dầu hoạt động gián đoạn trong ngày, do tạm hết hàng xăng hoặc dầu nhưng vẫn mở cửa hoạt động bình thường.

Thực tế, việc thiếu xăng dầu chủ yếu xảy ra tại các trạm xăng dầu ở các quận huyện vùng ven, còn các cửa hàng ở trung tâm TP.HCM vẫn duy trì ổn định. Đa phần cửa hàng bị gián đoạn việc mua bán xăng dầu có quy mô nhỏ, không hoạt động theo chuỗi, hạn chế năng lực về bồn chứa, bể chứa.

Lý giải về nguyên nhân thiếu hụt xăng dầu, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, do một số doanh nghiệp đầu mối chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ Sở này đang triển khai nhiều giải pháp.

“Chúng tôi đã đề nghị các hệ thống kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn, có năng lực cung ứng dồi dào trên địa bàn TP.HCM tăng thời gian hoạt động cửa hàng. Nhằm kéo dài thời gian phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, chia sẻ với những hệ thống cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, hạn chế năng lực cung ứng. Sở Công Thương sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các thương nhân đầu mối để đề nghị các phương án bổ sung nguồn cung cầu trên thị trường. Hiện nay các đơn vị cũng đang cố gắng tìm nguồn cung ứng”- bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới