Bỏ hộ khẩu giấy, bỏ phiền phức cho người dân
Còn hơn 4 tháng nữa sẽ đến thời điểm "khai tử" sổ hộ khẩu, tạm trú bằng giấy. Hiện ứng xử ra sao với các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự "đòi" hộ khẩu giấy vẫn là vấn đề nhiều người dân quan tâm.
Mục đích của việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là giảm giấy tờ công dân và hiện đại hóa quản lý cư trú. Cần làm gì để chính sách này đạt mục đích đề ra?
Như vậy, còn hơn 4 tháng nữa sẽ đến thời điểm "khai tử" sổ hộ khẩu, tạm trú bằng giấy. Hiện ứng xử ra sao với các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự "đòi" hộ khẩu giấy vẫn là vấn đề nhiều người dân quan tâm.
Tại phiên họp Ủy Ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tuần qua, đại biểu dẫn phản ánh của một số cử tri cho hay, khi đến cơ quan công an làm các thủ tục liên quan đến hộ khẩu thì bị thu sổ hộ khẩu giấy. Tuy nhiên, nhiều nơi trong quá trình làm thủ tục (ví dụ như nhập học, nộp hồ sơ xin việc…) vẫn yêu cầu người dân mang sổ hộ khẩu giấy (bản gốc) để đối chiếu.
Theo lãnh đạo Bộ Công an nêu rõ, theo quy định, chỉ thu sổ hộ khẩu giấy khi có sự điều chỉnh thông tin mới, không phải thu tất cả. Sổ hộ khẩu giấy vẫn còn giá trị đến ngày 31/12/2022, do đó, Bộ Công an chưa có chủ trương thu sổ này, nơi nào thực hiện không đúng, gây phiền nhiễu cho nhân dân thì Bộ sẽ chấn chỉnh.
Thực hiện Luật Cư trú năm 2020, hiện nay công an các địa phương không cấp mới, không cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy. Trường hợp người dân đến cơ quan công an thay đổi, bổ sung thông tin vào cuốn sổ hộ khẩu giấy, cán bộ sẽ không sửa trực tiếp trên cuốn sổ này mà sửa thông tin liên quan trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi sửa xong, cuốn sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị (vì thông tin trên đó không còn phù hợp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư) nên cơ quan công an thu lại và cấp một giấy xác nhận có giá trị tương đương cuốn sổ hộ khẩu giấy (có giá trị trong thời gian nhất định). Người dân có thể sử dụng giấy xác nhận này cho các giao dịch khi cần thiết.
Với những người dân không có nhu cầu thay đổi, bổ sung thông tin trên sổ hộ khẩu giấy đã được cấp, thì các cuốn sổ này vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Có thể nói, với các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự "đòi" sổ hộ khẩu giấy, trong thời gian từ nay đến cuối năm, người dân có thể sử dụng cuốn hộ khẩu đang có hoặc giấy xác nhận do cơ quan công an cấp.
Sau thời điểm kể trên, hộ khẩu giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa bỏ quản lý cư trú, mà chuyển từ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thông qua mã định danh cá nhân (12 số in trên căn cước công dân hoặc giấy khai sinh).
Ngoài ra, người dân có thể lựa chọn xác nhận cư trú bằng cách trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước, không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình, để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú; hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Mục đích của việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là giảm giấy tờ cho công dân và hiện đại hóa quản lý cư trú. Ví dụ, khi làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, thay vì phải photo, công chứng xuất trình nhiều giấy tờ liên quan thì người dân có thể chỉ cần sử dụng mã số định danh hoặc thẻ căn cước công dân gắn chip. Nhờ vậy, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đây được ví như "cuộc cách mạng 4.0" trong việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang đăng ký định danh điện tử. Người dân thay vì "đụng" việc gì cũng phải dùng đến sổ hộ khẩu giấy, tới đây chỉ cần "chìa khóa" là mã định danh cá nhân để mở và sử dụng các thông tin cần thiết trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Thời gian qua ngành công an đã tích cực triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân gắn chip. Trong đó, việc cấp căn cước công dân gắn chip được triển khai đến tận cấp phường xã, thôn tổ dân phố và làm cả ngày nghỉ… Tính đến ngày 5/8 vừa qua, Bộ Công an đã cấp được gần 68 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; dự kiến cấp xong cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30/9; riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8.
Từ nay đến thời điểm sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy bị "khai tử" chỉ còn hơn 4 tháng, để thực hiện tốt chủ trương này, về phía các cơ quan quản lý cần phối hợp đồng bộ, triển khai kịp thời những giải pháp đã được đề ra (đơn cử như kết nối dữ liệu, hạ tầng công nghệ…); không để tái diễn tình trạng thủ tục hành chính, giao dịch dân sự vẫn "đòi" hộ khẩu giấy làm khó người dân.
Về phía người dân, nếu đến độ tuổi làm căn cước công dân nhưng chưa có thì cần nhanh chóng đi làm, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự sau 31/12/2022. Trường hợp người dân đang sử dụng Giấy chứng minh nhân dân 9 số, có thể đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú để xem mã số định danh cá nhân hoặc làm thủ tục cấp căn cước mới.
Khi sử dụng mã số định danh truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định, người dân nếu phát hiện thông tin cá nhân chưa được cập nhật hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, cần thông báo đến cơ quan công an để sửa đổi, bổ sung.
Sự sẵn sàng của người dân trong quá trình chuyển đổi số về quản lý cư trú, và nhất là sự sẵn sàng của các cơ quan chức năng sẽ giúp cho việc bỏ hộ khẩu giấy đạt được mục đích đề ra: Giảm giấy tờ công dân, giảm phiền hà.
Huyền Diệu