Thứ tư, 09/10/2024 08:41 (GMT+7)
Thứ tư, 21/07/2021 10:15 (GMT+7)

Bộ GTVT: Điều chỉnh khai thác các chuyến bay phòng chống dịch

Theo dõi KTMT trên

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giảm cung ứng trên các đường bay từ phía Nam ra Hà Nội.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được văn bản của UBND TP.Hà Nội về việc kiểm soát hoạt động chuyến bay thương mại từ TP.HCM và các tỉnh/thành phố khác trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. 

Trên cơ sở đề nghị của UBND TP.Hà Nội nhằm triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án điều chỉnh hoạt động khai thác ra Hà Nội từ các cảng hàng không, sân bay khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, phương án 1 (giảm một phần khai thác), sẽ dừng khai thác các đường bay Cần Thơ - Hà Nội và ngược lại, Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại. Đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội giảm xuống còn 800 khách/ngày.

Theo Bộ GTVT, phương án này sẽ đảm bảo nhu cầu đi lại của một lượng hành khách nhất định cần di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sẽ khó kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và nguồn lây. Bởi nguy cơ lây nhiễm giữa hành khách đi từ TP.HCM (vùng dịch) đến Hà Nội là cao.

Bộ GTVT: Điều chỉnh khai thác các chuyến bay phòng chống dịch - Ảnh 1
Theo kế hoạch điều chỉnh, đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày. (Ảnh: vtc.vn)

Phương án 2 (áp dụng tương tự giai đoạn 1 - 15/4/2020 khi cả nước áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16). Theo đó, sẽ dừng khai thác các đường bay Cần Thơ - Hà Nội và ngược lại, Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại. Đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày.

Phương án này ưu điểm do lượng khách không đáng kể nên việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và nguồn lây dễ dàng hơn, nguy cơ lây nhiễm giữa hành khách đi từ TP.HCM (vùng dịch) đến Hà Nội thấp hơn. Ngoài ra, nhược điểm là nhu cầu đi lại của hành khách nhất định cần di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM bị hạn chế tối đa.

Do đó, nhằm quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu, bảo vệ sự an toàn an ninh cho người dân, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn phương án 2.

Cũng theo Bộ GTVT, các cảng hàng không, sân bay khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội tại văn bản số 969 của Thủ tướng bao gồm sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sân bay Cần Thơ (TP.Cần Thơ), sân bay Phú Quốc, sân bay Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), sân bay Cà Mau (tỉnh Cà Mau), và sân bay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hiện tại đã dừng khai thác toàn bộ các đường bay đi, đến Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo; các đường bay từ TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc giảm tối thiểu.

Đường bay Cần Thơ - Hà Nội và ngược lại giảm xuống chỉ còn 1 chuyến một ngày bằng máy bay A321. Đường bay Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại giảm xuống chỉ còn 1 chuyến/ngày bằng máy bay A321.

Đường bay TP.HCM - Hà Nội và ngược lại vận chuyển tối đa 1.700 khách/ngày (phân bổ Vietnam Airlines 700 khách, Pacific Airlines 200 khách, Vietjet Air 400 khách, Bamboo Airways 400 khách) và được áp dụng từ ngày 9/7/2021.

Trong thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế nêu trên, đặc biệt là trên đường bay TP.HCM - Hà Nội, lượng khách vận chuyển hàng ngày đều không đạt số lượng được phân bổ. Trong đó, khách từ TP.HCM ra Hà Nội chỉ đạt 800 - 1.000 khách và chiều ngược lại chỉ 200 - 400 khách mỗi ngày.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhận định, các chuyến bay chở hàng sẽ không hạn chế. Tuy nhiên, ngoài kế hoạch trên, các chuyến bay phục vụ mục đích y tế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của các UBND các tỉnh, thành phố liên quan. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 0h ngày 19/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021 (14 ngày).

Hàng không đứng bên bờ vực phá sản

Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, đối với ngành hàng không thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5-65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Đáng chú ý, đợt dịch Covid-19 lần 3 bùng phát dịp Tết năm 2021 đã khiến doanh thu của ngành giảm tới 80% so với cùng kỳ năm 2020. 

Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại có thể đẩy các hãng hàng không rơi vào khó khăn dài hạn.

“Trong khi đó, các hãng vẫn phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Do đó, các hãng hàng không cần được hỗ trợ để có đủ nguồn lực cho việc phục hồi và phát triển sau đại dịch”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT: Điều chỉnh khai thác các chuyến bay phòng chống dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Lãi suất ngân hàng MB tháng 10/2024
Tháng 10/2024, lãi suất Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) điều chỉnh tăng lãi ở các kỳ hạn. Mức lãi suất cho khách hàng cá nhân 2,9-5,7%/năm.

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...