Thứ năm, 25/04/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 17:03 (GMT+7)

Bộ Công Thương thanh tra hàng loạt đầu mối xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Theo thông tin từ Chánh thanh tra Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Tăng cường giám sát kinh doanh xăng dầu

Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long thông tin: "Dựa trên kết quả của đợt kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra đã kiến nghị với Bộ trưởng và Bộ trưởng ban hành quyết định thành lập ba đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra các doanh nghiệp đầu mối do Bộ Công Thương cấp phép".

Theo đó, các thủ tục liên quan đang được Bộ hoàn thiện để thực hiện và công bố hoạt động thanh tra chuyên ngành với các doanh nghiệp đầu mối. Được biết, đợt thanh tra lần này thực hiện theo đúng tinh thần của Bộ trưởng Công thương về việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm.

Việc thanh tra sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương thực hiện trong tất cả các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện phòng cháy chữa cháy, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối...

Trước đó, tại cuộc họp chỉ đạo ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập Đoàn Thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Bộ Công Thương thanh tra hàng loạt đầu mối xăng dầu - Ảnh 1
Bộ Công Thươngquyết định thành lập ba đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng khẳng định kiên quyết thu hồi giấy phép nếu phát hiện vi phạm, kể cả giấy phép của cửa hàng bán lẻ hay doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, không dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Nếu các cục quản lý thị trường địa phương, các sở Công Thương "làm ngơ" hoặc làm không hết trách nhiệm cũng sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ công tác.

Với những doanh nghiệp trong 6 tháng liên tục không nhập hàng vào để bán hàng ra, đảm bảo cung ứng cho thị trường bán lẻ và hoạt động kinh doanh thông suốt, sẽ cương quyết có biện pháp xử lý vi phạm, mức cao nhất là rút giấy phép.

Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ ngày 10/2, đoàn kiểm tra do chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở phía Nam như Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Tại thời điểm kiểm tra có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã “treo biển hết xăng”. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo thẩm quyền để kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm.

Bất lợi cho doanh nghiệp trước giá điều hành chậm

Ngày 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng, lên mức cao nhất 8 năm. Đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường, do ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết, và theo Nghị định 95 sẽ "chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo". Việc lùi thời gian điều chỉnh bất chấp giá thế giới tăng cao, khiến giá trong nước bị "nén" lại. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vì thế càng bán ra càng lỗ, dẫn tới hiện tượng găm hàng chờ giá lên mới bán để bớt lỗ.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội, nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường, hoặc nhà chức trách linh hoạt khi thị trường bất thường, điều chỉnh giá sớm hơn, biên độ tăng giá đã không quá lớn. Thậm chí sẽ không xảy ra tình trạng "găm hàng, chờ giá lên".

Việc điều hành giá, theo tính toán nếu chủ động hơn, mức tăng giá mới chỉ khoảng 60% so với mức tăng 960-980 đồng ngày 11/2.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng, việc nhà chức trách không điều hành giá ngày 1/2 là đúng theo quy định tại Nghị định 95, nhưng lại "hơi máy móc" khi tình hình thị trường biến động giá rất mạnh, sụt giảm nguồn cung.

Bộ Công Thương thanh tra hàng loạt đầu mối xăng dầu - Ảnh 2
Chuyên gia Ngô Trí Long.

"Để qua kỳ nghỉ Tết dài mới điều hành, tác động tới giá và cung, cầu thị trường. Doanh nghiệp lỗ nên đầu mối, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý bán ra nhỏ giọt, chờ hàng lên cao mới bán để bớt lỗ. Điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn thì hạn chế được tình trạng găm hàng".

Mặt khác, trước tình trạng giá điều hành chậm gây bất lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương mong các đơn vị này chia sẻ, thông cảm với Nhà nước, người dân để ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả.

Theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, cơ quan phải điều hành giá bám với các quy định hiện hành, nhất là nghị định về kinh doanh xăng dầu. Nghị định 95 đã rút ngắn điều hành từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để bám sát hơn giá thế giới.

Trong Nghị định này cũng có điều khoản với trường hợp ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội thì báo cáo Thủ tướng cho phép điều hành sớm hơn.

"Tuy nhiên Chính phủ và cơ quan điều hành bao giờ cũng đặt mục tiêu giữ bình ổn giá trong thời điểm đặc biệt trước, trong và sau tết Nguyên đán. Nghĩa là phải có đủ thời gian cho người dân, hỗ trợ cho các đối tượng khác", ông lý giải.

Ngoài ra, quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu, từ thương nhân đầu mối, phân phối đến cửa hàng bán lẻ nếu có hành vi găm hàng chờ tăng giá.

Ở góc độ doanh nghiệp, cũng phải chia sẻ vì nguồn cung đứt gãy cục bộ do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất và giá dầu thế giới liên tục tăng rất mạnh.

Bộ Công Thương đã tính các phương án, hài hòa sử dụng Quỹ bình ổn giá Tính tổng thể Quỹ BOG có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương. Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, ví dụ giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương thanh tra hàng loạt đầu mối xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.