Thứ hai, 06/05/2024 08:03 (GMT+7)
Thứ năm, 10/03/2022 15:09 (GMT+7)

Bộ Công Thương sẽ sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chỉ đạo yêu cầu Vụ Thị trường trong nước sửa đổi các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Trong một văn bản vừa ký gửi Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Vụ Thị trường trong nước quản lý, theo dõi sát diễn biến thị trường, thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ trưởng và sửa đổi bổ sung các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí và sở giao dịch hàng hoá.

Bộ Công Thương sẽ sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo yêu cầu sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện nay. Ảnh: TL

Một trong nghị định được yêu cầu sửa đổi là Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Như vậy, chỉ sau hơn 2 tháng có hiệu lực, Nghị định 95 (sửa đổi bổ sung Nghị định 83) đã được người đứng đầu ngành Công thương yêu cầu sửa đổi.

Bộ trưởng Công Thương cho biết mục tiêu là “để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời giải quyết một số bất cập xảy ra trong thời gian vừa qua”.

Giá xăng dầu trong 2 tháng qua là câu chuyện nóng. Tình trạng khan hiếm cục bộ xăng dầu đã nhiều lần diễn ra ở một số địa phương trong cả nước, nhất là vào những ngày trước kỳ điều chỉnh giá trong tháng 2.

Tại một cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu hồi tháng 2 mới đây, người đứng đầu Bộ Công Thương đã “yêu cầu truy đến nơi việc kêu thiếu xăng dầu” đồng thời cảnh báo dù mới chỉ là hiện tượng nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm thì hệ luỵ sẽ rất lớn, nhất là "tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”.

Trước phản ánh về tình trạng nhiều cây xăng tự ý đóng cửa, "găm hàng" trong thời gian qua, 3 đoàn thanh tra đã được Bộ Công thương lập và đang trong quá trình thanh tra hơn 30 doanh nghiệp đầu mối trong kinh doanh xăng dầu. Dư luận đang ngóng chờ kết quả liệu có đầu mối nào sẽ bị “xử lý mạnh tay” nếu phát hiện sai phạm như tuyên bố của lãnh đạo ngành công thương.

Trước sự biến động mạnh của thị trường xăng dầu trong nước lẫn thế giới, khi góp ý với Bộ Tài chính cho dự thảo Nghị quyết về thuế Bảo vệ môi trường giữa tuần qua, Bộ Công thương lo ngại giá thế giới cao sẽ đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11.3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại.

Để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trong nước, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch,... Bộ Công thương kiến nghị giảm thuế Bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại dự thảo Nghị quyết, cụ thể giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.

Với mức giảm này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) sẽ giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu hỏa là 500 đồng/lít, dầu ma zút là 1.000 đồng/kg, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

Trước đó, ngày 01/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 02/01/2022.

Theo đó Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định một số điểm mới so với Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Cụ thể, về đối tượng áp dụng quản lý: Bổ sung đối tượng quản lý bao gồm cả xăng dầu được sản xuất từ các nguyên liệu khác dầu thô, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đưa loại hình kinh doanh bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ vào quản lý, đổi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, quy định lại quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực trạng cơ cấu nguồn xăng dầu hiện hành.

Điều kiện kinh doanh xăng dầu cũng được sửa đổi. Theo đó, bỏ quy định về việc thương nhân đầu mối không được cho thuê kho, phương tiện vận tải, bỏ khái niệm “đồng sở hữu” cửa hàng bán lẻ xăng dầu quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thay vào đó thương nhân được thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu để thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời sửa đổi quy định về thủ tục hành chính đối với các cửa hàng thuê, sửa đổi; sửa đổi yêu cầu về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; bổ sung điều kiện cụ thể đối với hoạt động kinh doanh nhiên liệu hàng không.

Quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng với ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ đó. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được ngừng bán hàng mà không cần phải được Sở Công Thương chấp nhận trong trường hợp lý do bất khả kháng, như: Cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng.

Ngoài các nội dung trên, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan như: Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; nguyên tắc điều hành giá xăng dầu; công thức giá cơ sở; công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu; trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân... đồng thời bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, Giấy xác nhận kinh doanh xăng dầu, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được tiếp tục hoạt động theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho đến khi các Giấy phép, Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc có sự thay đổi về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Đối với những hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại Giấy phép, Giấy xác nhận và Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu gửi đến các cơ quan chức năng đầy đủ và hợp lệ trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thì áp dụng các điều kiện về kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Quý Phi

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương sẽ sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới