Thứ sáu, 22/11/2024 13:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/06/2022 06:38 (GMT+7)

Bộ Công Thương nói thẳng về việc nhập xăng dầu từ Malaysia

Theo dõi KTMT trên

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Chiều 16/6, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2022. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, ngành công thương tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ, ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp - xuất khẩu - thị trường trong nước. Kinh tế vĩ mô bắt đầu đi vào ổn định, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nói thẳng về việc nhập xăng dầu từ Malaysia - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.

Tại họp báo, nội dung được báo chí quan tâm tập trung chủ yếu vào vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia, điều hành giá xăng dầu, nguồn cung xăng dầu.

Vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu

Liên quan đến vấn đề giá, điều hành giá và nguồn cung xăng dầu, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, cách đây 3 tuần, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu về điều hành xăng dầu bằng công nghệ số. Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như hoạt động phân phối loại hàng hoá đặc biệt này tại thị trường nội địa để đảm bảo luôn luôn cân đối được cung cầu cũng như an ninh năng lượng.

Đối với nguồn cung xăng dầu trong nước, bà Nga cho hay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang rất "mơ hồ" trong việc công bố mức sản xuất của họ. Để chủ động trong đảm bảo nguồn cung, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó luôn luôn đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.

Đối với vấn đề giảm thuế xăng dầu, Bộ Công thương luôn phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước để nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vấn đề giảm thuế.

"Chúng ta cũng biết rằng thời gian qua, việc giảm thuế môi trường đã giúp giá xăng dầu trong nước không bị tăng sốc khi thị trường thế giới tăng phi mã", bà Nga khẳng định.

Bộ Công Thương nói thẳng về việc nhập xăng dầu từ Malaysia - Ảnh 2
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, từ đầu năm đến kỳ điều hành ngày 13/6, giá bình quân mặt hàng xăng dầu thế giới đã tăng 41,36 – 84,35%. Tuy nhiên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,42-62,44%. Việc điều hành giá hiệu quả như vậy là nhờ có sự tham gia quan trọng từ các giải pháp vĩ mô của kinh tế Việt Nam cũng như có vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức tăng này cũng giúp kiềm chế đà tăng của CPI chỉ với 2,25% sau 5 tháng đầu năm, trong khi các nước lân cận, mức lạm phát cao hơn nhiều.

Về việc sửa Luật giá, nhiều chuyên gia có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Về vấn đề này, Bộ Công thương cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo các ý kiến của các đơn vị với Bộ Tài chính đối với việc có nên bỏ quỹ này đi không trong bối cảnh thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho việc giá xăng dầu không tăng quá sốc và tránh những cộng hưởng từ việc tăng giá.

Đảm bảo nguồn cung xăng, dầu trong nước

Riêng với vấn đề nhập khẩu xăng từ Malaysia, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang chọn Singapore Plug - cơ quan thông tin đưa ra thông tin chính thống về giá cả xăng dầu hằng ngày. Đây cũng là cơ sở để tính giá xăng dầu trong nước.

"Đối với thị trường Malaysia cũng không có gì khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói và cho biết, giá xăng dầu Việt Nam tại thời điểm ngày 13/6 đứng thứ 85/170 quốc gia.

Riêng về nguồn cung, 6 tháng đầu năm 2022, ta đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở Nghi Sơn đang gặp khó khăn và việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu.

Bộ Công Thương nói thẳng về việc nhập xăng dầu từ Malaysia - Ảnh 3
Nội dung được báo chí quan tâm tập trung chủ yếu vào vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia, điều hành giá xăng dầu, nguồn cung xăng dầu.

"Đối với việc bình ổn giá xăng dầu, hiện nay có 3 biện pháp. Thứ nhất là quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng chỉ có giới hạn. Thời gian qua, quỹ này đã đóng góp rất lớn cho việc ổn định giá xăng dầu trong nước và tránh ảnh hưởng quá lớn đến việc tăng giá các loại hàng hoá khác, trong bối cảnh xăng dầu là đầu vào cho rất nhiều mặt hàng.

Thứ hai là thuế, Bộ Công thương đã có đề xuất phải giảm thuế, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường và một số loại thuế phí, khác. Đây là sự đánh đổi vì nếu giá xăng dầu tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Về vấn đề giảm thuế phí, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã đề xuất và Chính phủ rất quyết liệt trong vấn đề này.

Thứ ba, không phải giảm giá xăng dầu mà là giảm tác động của việc tăng giá xăng dầu. Đó chính là chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm.

Nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia

Về vấn đề dự trữ xăng dầu, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, cơ cấu dự trữ xăng dầu quốc gia của Việt Nam có ba nguồn, gồm dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Quy định này đã được nêu rõ tại Quyết định 1030 của Chính phủ.

Theo bà Hiền, hiện nay, dự trữ sản xuất có dự trữ tại hai nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại tại các thương nhân kinh doanh phân phối xăng dầu, gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, với thời gian 30 ngày.

"Đúng là hiện nay nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam còn mỏng so với các quốc gia khác, như Mỹ, Nhật Bản…", bà Hiền đánh giá và cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kỳ họp thứ 9 vừa qua, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án để nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia lên.

"Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề án này. Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về nâng mức dự trữ này",  bà Hiền thông tin thêm.

Nói thêm về vấn đề dự trữ xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mục đích của dự trữ là để sử dụng khi nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, và đây là dự trữ lưu chuyển.

"Trong thời gian qua, dự trữ của doanh nghiệp có đóng góp rất lớn vào việc bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh nguồn cung thế giới và việc sản xuất trong nước bị ảnh hưởng", ông Hải nhấn mạnh.

Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề cấp đến vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia trong bối cảnh giá cả biến động mạnh thời gian qua.

"Theo báo cáo Việt Nam không có dự trữ quốc gia về xăng dầu, đây có phải là nguyên nhân gây bất ổn về giá xăng dầu hiện nay hay không", đại biểu Tiến đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Chúng ta có dự trữ, nhưng lượng dự trữ của chúng ta là rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày. Quỹ dự trữ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt chứ không phải là tung ra trong hoàn cảnh như hiện nay".

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương nói thẳng về việc nhập xăng dầu từ Malaysia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới